Kẹt xe ở Việt Nam là do… mật độ ảo

"Mình thường xuyên chạy xe ở cả Việt Nam lẫn Úc, nhận thấy cả hai nơi đều có kẹt xe nhưng lý do thì khác hẳn nhau".

Bức ảnh minh chứng cho sự quái đản của giao thông trên Quốc lộ 51, khi làn trong cùng là làn vượt thì xe ‘bò’ chật cứng, còn làn ngoài cùng đáng nhẽ là làn để chạy bình thường thì luôn ít xe nhất.

Lý do kẹt xe ở Úc thường là do tai nạn hoặc vào giờ tan tầm, xe đổ vào từ các đường nhánh cao tốc quá nhiều, khi ghép làn gây chậm cho các xe đang lưu thông phía sau. Gần đây, Úc đã xử lý tình trạng kẹt xe bằng cách đặt đèn tín hiệu ở ngay cửa ra cao tốc của các đường nhánh và sử dụng AI để điều chỉnh thời gian tắt mở đèn xanh đỏ. Khi nào giao thông trên đường tương đối thông thoáng sẽ mở đèn xanh, khi nào mật độ cao sẽ bật đèn đỏ, chưa cho xe vào vội (mỗi nhịp xe cách nhau khoảng 15 – 30s).

Ngoài ra, tốc độ mỗi làn đường cũng được điều chỉnh dựa theo mật độ hiện tại của làn đó qua các biển báo tốc độ bằng màn LED. Làn nào thoáng (thường là làn vượt ở trong cùng) thì cho tối đa, khoảng 80km/h nếu gần khu dân cư, làn nào mật độ cao thì giảm tốc dần xuống… Nhờ vậy các khoảng không gian trống trên đường phân bổ rất đều, tận dụng gần hết diện tích mặt đường, tối ưu được số lượng xe lưu thông.

Tất nhiên, với điều kiện các xe phải lưu thông đồng tốc mới làm được điều này và đồng tốc ở đây tất nhiên là tốc độ tối đa theo biển báo của đường. Mình ở Perth, cao tốc của thành phố này không rộng hơn Quốc lộ 51 của Việt Nam bao nhiêu nhưng số lượng ô tô lưu thông thì nhiều hơn rất nhiều. Cách đây một năm (khi chưa làm việc này) thì tình trạng kẹt xe cũng diễn ra thường xuyên nhưng thời gian cao nhất cũng chỉ 1 tiếng rưỡi.

Quay lại vấn đề kẹt xe ở Việt Nam. Mình từng lái xuyên Việt nhiều lần và lái hằng ngày ở Vũng Tàu. Mình nhận ra rằng đa số kẹt xe tại Việt Nam là do mật độ ảo, đặc biệt là nếu nó xảy ra ở Vũng Tàu, vì hạ tầng giao thông các cửa ngõ vào thành phố mình so với các thành phố nhỏ khác là cực kỳ tốt. Đường 51C có dư khả năng để trở thành cao tốc do gần như không có đường dân sinh cắt ngang, làn ô tô và xe máy có dải phân cách lớn, ấy vậy nhưng vẫn kẹt vào cuối tuần.

Vì sao? Vì mật độ ảo.

Là sao? Là vì nếu một con đường dài 10km, có tốc độ thiết kế là 90km/h, với 100 xe di chuyển cùng lúc đồng tốc tại cùng một thời điểm thì chỉ mất chưa tới 7 phút để một lượt xe đi hết quãng đường. Nhưng ở Việt Nam, mặc dù đường rất thoáng, mọi người vẫn ít khi đi đúng tốc độ thiết kế, đa số sẽ đi chậm hơn tốc độ đó ít nhất 15 – 20, thậm chí 30km/h. Điều này làm cho cũng cùng con đường ấy, nhẽ ra chỉ đi hết có 7 phút thì bây giờ mất tới 10 phút mới đi xong, và cứ thế 100 xe đi sau vào lại đi chậm hơn, 100 xe sau đó lại chậm hơn nữa nên sinh kẹt.

Vậy giải quyết như thế nào?

Các ông nào thích ngắm mây trời hoa lá hoặc quá sợ chạy đúng tốc độ tối đa cho phép thì làm ơn đi vào làn ngoài cùng bên phải (nhưng mình không ủng hộ đi chậm hơn tốc độ tối đa cho phép). Làn bên trái luôn dùng để vượt hoặc nếu không vượt thì phải đi theo đúng tốc độ tối đa. Không ai bắt các ông chạy nhanh nhưng các ông không có quyền cản trở người khác, đường có phải của riêng các ông đâu?

Ở Việt Nam bao nhiêu lần ức chế vì toàn gặp các thể loại tập lái, sên, rùa độc chiếm làn trong cùng bên trái để ‘bò’ với tốc độ 50 – 60km/h mà rõ ràng phía trên chẳng có ai, còi hoặc xin vượt cỡ nào cũng không được. Do đó, ở Việt Nam bây giờ muốn vượt nhanh thì cứ mặc định vượt bên phải, nếu bên phải xe đông thì thành kẹt xe, cần loại bỏ, thậm chí trước cả khi bỏ các loại thuế ô tô vô lý.

NguồnGia Kun/ Tạp chí điện tử Cuocsongantoan.vn
Bài cùng chuyên mục