“Chuỗi thực phẩm an toàn” đang là tiêu chí chọn lựa hàng đầu
Hiện nay, sản phẩm đạt chứng nhận “Chuỗi thực phẩm an toàn” đang dần trở thành một trong những tiêu chí trong lựa chọn thực phẩm tươi sống của người dân. Đây là các sản phẩm được bày bán rộng rãi trong 42 siêu thị và được sử dụng tại 727 cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM.
Đó là các cơ sở của Liên hiệp Hợp tác xã Sài Gòn Co.op TP.HCM (36 siêu thị), Công ty cổ phần dịch vụ Thương mại tổng hợp Vincommerce (13 cửa hàng Vinmart) và MM Mega Market (3 trung tâm). Trong niên học 2019-2020, chuỗi thực phẩm an toàn của TP.HCM đã cung cấp cho 727 cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố với tổng sản lượng chuỗi sản phẩm rau, củ, quả là 1.047,5 tấn/năm, chuối, trái cây là 182,037 tấn/năm; chuỗi sản phẩm thịt heo là 367,380 tấn/năm; chuỗi sản phẩm thịt bò: 43,913 tấn/năm; chuỗi sản phẩm thịt gà: 127,547 tấn/năm; chuỗi sản phẩm trứng gà: 1.863.747 tấn/năm; chuỗi sản phẩm thủy sản là 87,952 tấn/năm…
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM cho biết, Đề án xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” nhằm giám sát nông sản thực phẩm tươi sống từ nơi sản xuất về tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM; đảm bảo, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, góp phần xây dựng, nâng cao uy tín thương hiệu nông sản thực phẩm tươi sống trên địa bàn TP.HCM cũng như các tỉnh, thành; đảm bảo cung cấp nông sản, thực phẩm tươi sống an toàn cho người dân thành phố. Đến cuối năm 2020, đã có 381 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh tại 18 tỉnh thành phía Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bình Thuận, Bến Tre, Bình Dương, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Cà Mau) tham gia chuỗi thực phẩm an toàn với tổng sản lượng rau, thịt, thủy sản 261.759 tấn/năm, 535.204.004 quả trứng gà/năm, 12 triệu lít nước mắm/năm…
Hiện nay, đã có những doanh nghiệp lớn như Vinmart, Sài Gòn Co.op, Công ty cổ phần Kỹ nghệ Súc sản Vissan, Công ty Ba Huân, Công ty cổ phần thực phẩm San Hà… và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài như MM Mega Market tham gia và hình thành chuỗi cung ứng khép kín từ trang trại, sơ chế đến đóng gói và kinh doanh, góp phần thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp, giúp tạo dựng thương hiệu “Chuỗi thực phẩm an toàn”.
Trong thời gian tới, ngoài duy trì và mở rộng hệ thống quản lý kiểm soát thực phẩm tại các hệ thống siêu thị đã tham gia Chuỗi thực phẩm an toàn, Ban Quản lý ATTP TP.HCM sẽ xây dựng hệ thống quản lý, kiểm soát thực phẩm tươi sống tại các siêu thị của Bách Hóa Xanh, Big C, AEON… Tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm, mỗi chợ sẽ có ít nhất 1 cơ sở (quầy/sạp) và tại 24 chợ truyền thống tham gia mô hình chợ thực phẩm an toàn, mỗi chợ có ít nhất 10% quầy sạp kinh doanh thực phẩm nông sản tươi sống được kiểm soát theo “Chuỗi thực phẩm an toàn”.
Ban Quản lý ATTP TP.HCM sẽ lập bản đồ số về thực phẩm an toàn để giúp người sản xuất, người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước tra cứu các thông tin về cơ sở, sản phẩm, quy trình, các giấy chứng nhận về quản lý chất lượng… Theo đó, các cơ sở hoặc sản phẩm kinh doanh trên địa bàn TP.HCM, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp một trong các chứng nhận, nhãn hiệu như chứng nhận “Chuỗi thực phẩm an toàn”, Thực hành tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000), Tiêu chuẩn thực hành quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000), Chứng nhận VietGAP, chứng nhận GlobalGAP, chứng nhận hữu cơ…
Theo lãnh đạo Ban Quản lý ATTP TP.HCM, hiện nay, sản lượng sản phẩm tham gia chuỗi phải đáp ứng yêu cầu và điều kiện theo quy định (Quy chế cấp Giấy chứng nhận tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn”), do đó các sản phẩm tham gia chuỗi chủ yếu là sản phẩm tươi sống, sản lượng tham gia còn hạn chế. Ngoài ra, tình trạng sản xuất và kinh doanh thực phẩm chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng như: GAP, GMP, HACCP còn gặp nhiều khó khăn, chưa được phổ biến. Để tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, Ban Quản lý ATTP TP.HCM tiếp tục trình UBND TP.HCM đề án xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025 với kinh phí gần 12 tỷ đồng.
“Mục tiêu của Ban Quản lý ATTP TP.HCM là hàng năm tăng ít nhất 30% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản tươi sống đạt chứng nhận an toàn tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM được quản lý, kiểm soát theo “Chuỗi thực phẩm an toàn”. Đến năm 2025, chuỗi thực phẩm an toàn TP.HCM sẽ đạt 2.000 cơ sở. Việc thực hiện tốt chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng mà còn mang lại giá trị thương hiệu cho các đơn vị cung cấp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cung ứng”, bà Lan cho biết.