Mùi… bùn

Xa cánh đồng quê, trở thành công dân xóm núi, tôi nhớ da diết cái mùi hăng hăng, nồng nồng, tanh tanh của những thửa bùn mềm nhuyễn quê nhà...

Cánh đồng – nơi tôi được sinh ra – nằm đối diện nhà. Ngay trước mặt nhà có mấy đám ruộng được tre bao bọc hai bên hông. Tiếng là ruộng nhưng không trồng được lúa vì nằm ngay chỗ trũng, sát lù mương nên quanh năm đọng nước, tạo thành lớp bùn dày đặc, xóm gọi “đầm bùn”. Mấy đám ruộng bùn đó mẹ dâm rau muống nước còn lũ nhóc trong xóm ra đó nghịch bùn. Bùn nhiều lắm! Mùa nắng lội tới đùi, mùa mưa bùn trồi qua hông. Hồi còn nhỏ xíu, những buổi chiều mùa hè tôi được chị Hai dắt ra đứng bên đầm bùn, coi người lớn giăng câu, bắt cá. Thấy mấy anh chị lớn hơn được ngập hai chân dưới bùn, tôi thèm… khủng khiếp. Thể nào cũng len lén thọc chân xuống bùn và thể nào tôi cũng bị chị la chơi bẩn. Giới hạn là chỉ được đứng nhìn mẹ dâm rau muống. Ức quá tay!

Sau này, khi được cấp “giấy phép” lội bùn, tôi đã tận hưởng cảm giác nghe bùn ngấm vào từng thớ thịt.

Tôi cá là đứa trẻ nhà quê nào cũng có sở thích lội bùn – như tôi. Còn sao nữa, bùn mềm mịn vỗ về da thịt, mát lạnh khoan khoái. Bùn lên tới đâu, cảm xúc trào tới đó. Hay hơn nữa là được tự tay chạm vào những con vật cư ngụ trong bùn mềm, cảm giác như được trải qua một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Vì nỗi hay ho đó mà buổi trưa lũ nhóc trong xóm thường trốn mẹ đi lội bùn bắt cá. Cá đâu không thấy chỉ thấy… bùn, thấy bịnh! Y như người… bùn! – đó là câu “mắng” kinh điển của mẹ. Và tôi lỏn lẻn cười vì trúng ý.

Ảnh minh họa

Hồi đó, tôi còn tin có niềm vui tuổi thơ nào hấp dẫn bằng những phút giây được tắm mưa ngoài đồng và dầm lút đôi chân vào ổ bùn. Cực thích là những buổi chiều mùa hè. Bầu trời cao xanh. Gió đồng lao xao mát rượi nhưng đứa nào cũng dõi mắt lên cao cầu mưa. Nếu thấy tín hiệu một đám mây đen thì mừng khấp khởi, chực lột áo, bỏ mũ để cõng mưa. Đứng ngửa mặt dưới mưa, thấy đất dưới chân bỗng mềm mại, hóa bùn. Rồi chúng tôi khom xuống, đưa nay hốt những nắm bùn to, ném tung tóe vào nhau rồi cười ha ha sảng khoái. Tưng bừng nhất là trò chơi với bùn – chúng tôi gọi là bùn nguyên chất, bùn sạch. Sau màn ném bùn thì đi tìm những ụ đất rồi thi nhau đưa chân dẫm. Thứ bùn dẻo quánh ấy được chế tác thành con bò cộ có cái ụ hoành tráng và hai cái sừng cong vút. Đứa nào cũng ngắm nghía thành phẩm của mình và nghĩ đó là sáng tác đáng được vinh danh cấp… thế giới.

Mười lăm năm “quyện” với bùn nên sau này nó bết vào tôi, ám ảnh. Đến nỗi, những lúc sạch bóng áo lụa thơm tho, tôi vẫn có cảm giác mùi bùn đang phảng phất ở đâu đó quanh mình.

Xa cánh đồng quê, trở thành công dân xóm núi, tôi nhớ da diết cái mùi hăng hăng, nồng nồng, tanh tanh của những thửa bùn mềm nhuyễn quê nhà. Đến nỗi sau cơn chấn thương kinh hoàng, dù ký ức lơ lửng nhiều đoạn nhớ quên thì những ngày bầu bạn với bùn mềm cứ hiện về đầy rẫy và sống động trong tâm trí. Tôi không thể nhịn cười khi ký ức tìm về một ngày mưa, lội bùn tím chân và hoảng hốt la oai oái, la vỡ cánh đồng làng lúc phát hiện dưới bắp chân bết bùn có một em đỉa mập béo. La làng xóm kêu cứu mà co cẳng chạy hết tốc độ, chạy bã thì nằm ào ra đám ruộng có nước chân, lăn lộn tới mức đám rạ hóa… bùn. Lúc đứng dậy, tôi bị bùn nhuộm từ đầu đến đít làm cả bọn cười toe.

Bây giờ, mỗi dịp về thăm quê, tôi thường chọn con đường nhỏ băng qua cánh đồng làng để được “hội ngộ” mùi bùn tanh tanh, nồng nồng, hăng hắc. Cái mùi thân thương dắt tôi về tuổi thơ, níu giữ hồn tôi với nơi cắt rốn.

NguồnNguyễn Thị Bích Nhàn/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục