Ở phía chân trời

Chân trời của tôi, chân trời của những kỉ niệm tuổi xưa. Về quê, tôi được dịp ra đồng hồi tưởng lại những mảnh kí ức bấy lâu vụn vỡ giờ được gom đầy và tươi rói như thuở ban đầu...

Về phía chân trời. Nơi có nụ cười…

Ai trong chúng ta cũng từng mang khát vọng được trở về nơi mà mình thực sự sống với chính mình, gần gũi với những người thân yêu, bao dung với những điều chân phương bình dị. Nhà thơ Việt Phương gọi đó là chốn “người thật là người với nhau”: “Đi cho cuối đất cùng trời/ Đến nơi người thật là người với nhau”. Còn với tôi, nơi đó là quê hương ngọt lành, chân trời của những dấu yêu hạnh phúc.

Ảnh minh họa

Mỗi người đều định vị được cho riêng mình điểm xuất phát, bắt đầu cho một chuyến đi dài mang bao khát khao ước vọng và chốn quay về sau những mệt nhoài, thương tổn riêng mang… Nội nói nhà là chân trời, người quê lành thiện và hiền như cây cỏ. Mọi cánh chim sau cuộc thiên di rộn rã rồi cũng bay về phía chân trời tìm sự an trú. Tôi đã từng ngồi trên bờ đê năm cũ ngắm nhìn những cánh chim gấp rút trên nền trời thiên thanh. Chim vội vã bay về, còn tôi loay hoay với những giấc mơ được ra đi, được thỏa sức đam mê với những khát vọng tuổi trẻ hay đơn giản chỉ là rời khỏi cái nơi mà tôi gọi là “ao tù nước đọng”, là mùa mưa lại ru rú trong nhà nhìn ra ngoài đồng nước giăng mờ mịt, sình lầy nhoèn nhoẹt, hoàng hôn buông ếch nhái kêu oải oạp ran trời.

Ở phía chân trời, tôi được nghe bà kể những câu chuyện “hồi xửa hồi xưa”, những câu chuyện ấy bà kể hoài không chán, mà tôi nghe hoài vẫn thấy thú vị lạ kì. Mỗi sáng tôi ngồi trong chái bếp ngắm khói vẩn lên từ bếp quê rơm rạ, đôi khi khói làm tôi cay sè con mắt vẫn cố ngóng nhìn, khói quê thơm đến lạ kì mà ở phố tôi có bao giờ ngửi thấy? Cơm nước xong xuôi tôi nằm ngủ ở bộ vạc sau nhà, dưới bóng mát của giàn mướp giàn bầu trái xanh lúc lỉu, tai nghe tiếng lá chuối xào xạc trong gió, rung rinh như khúc nhạc nội cỏ trưa hè yên ả vô ngần. Chiều tôi theo ông ra ruộng, tay cun cút ôm cái giỏ đi theo sau vết chân ông, con cá lóc, cá rô rột roẹt trong giỏ mang về cho má làm những món ăn ngon mà dư vị của nó tôi đã quen từ thuở lọt lòng cho đến khi khôn lớn.

Chân trời của tôi, chân trời của những kỉ niệm tuổi xưa. Về quê, tôi được dịp ra đồng hồi tưởng lại những mảnh kí ức bấy lâu vụn vỡ giờ được gom đầy và tươi rói như thuở ban đầu. Đó là những ngày không biết buồn, tôi chỉ có niềm vui qua những trò chơi quê giản dị trong không gian làng mạc hiền hòa, với những đứa bạn choai choai ngoài đồng, nắng rám da, miệng vẫn cười hiền lành như thiên thần trên đồng cỏ. Những buổi tắm sông, những chiều “họp đồng” đốt đống rơm khô nướng củ khoai lang dỡ chỗ giồng khoai ông trồng, cắn một miếng mà ngọt tận tâm can. Con diều giấy bay bay. Những vết chân son chạm lên gốc rạ mặt đồng, nâng đỡ tôi từ bước đi chập chững đầu tiên, đất quê truyền cho tôi bản lĩnh để tôi đủ mạnh mẽ bước qua những thăng trầm trên hành trình cuộc đời.

Chân trời của tôi, chân trời của những bao dung, nhân hậu, nghĩa tình. Ở chốn ấy có người quê sống nhân ái, chan hòa, vị tha, tình cảm. Những sẻ chia nhau từ cái kẹo, miếng bánh thuở ban sơ đến những động viên, vỗ về lúc trưởng thành. Nội nói trên đất nước mình chốn nào cũng có người tốt “đông như quân nguyên”, nhưng đậm sâu trong lòng vẫn là những gương mặt người quê buồn vui có nhau, đối đãi với nhau bằng suối nguồn yêu thương tình nghĩa. Tôi nhớ hồi đó có đợt hạn mặn kéo dài, quê tôi bỏ mất một vụ lúa vì mặt ruộng nứt toát lúa không sống nổi. Vậy là cả xóm thiếu gạo! Một buổi chiều khạp gạo nhà tôi cạn sạch không còn một hột, má tôi đi xóm vẫn chưa về, em gái tôi đói đến xanh môi. Khoai dự trữ trong nhà cũng hết sạch, tôi bấm bụng chạy sang nhà hàng xóm, cách nhà tôi một con kinh, một cây cầu khỉ lắc lẻo, mượn tạm mấy lon gạo về nấu cơm cho em ăn. Bác hàng xóm tốt bụng xúc cho tôi một bịch gạo không biết là bao nhiêu lon, kêu tôi mang về nhanh nấu cơm cho em ăn. Má về khi bóng chiều đã đổ, cơm nước tươm tất. Tôi kể chuyện mượn gạo cho má nghe, má cười bảo hàng xóm mình ai cũng tốt hết, người ta nói “bà con xa không bằng láng giềng gần” quả không sai. Tình thương khởi nguồn từ những cử chỉ nho nhỏ như thế. Tình người dệt nên bức tranh rực rỡ sắc màu. Đất quê dung dị, người quê hiền lành. Có nơi nào tuyệt vời hơn chân trời trong mắt tôi qua bao tháng năm vẫn đẹp như giấc mộng?

Có nơi nào đẹp và yên bình như chân trời của chính mình?

NguồnHoàng Khánh Duy/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục