Chợ Sài Gòn hơn nửa thế kỷ ‘se duyên’ cho các cặp đôi
Những người buôn bán ở chợ hôm nay có lẽ là thế hệ cuối cùng. Sẽ không còn một lớp người trẻ nào thay thế bởi chẳng còn ai mặn mà với nghề bán trầu cau.
Một tay chị giữ chặt buồng cau, một tay chị cầm chiếc khăn nhỏ lau sạch từng trái. Lau xong, chị dán lên mỗi trái một chữ hỉ đỏ tươi rồi dùng kéo cắt tỉa bỏ những ‘râu ria’ không cần thiết.
Hiu hắt buổi chợ chiều
Chúng tôi thăm chợ trầu cau trên đường Lê Quang Sung (P.14, Q.5, TP.HCM) vào một buổi chiều. Chợ vắng. Người bán thẫn thờ, người mua hờ hững… Những gian hàng trầu cau bày biện đẹp mắt trông chờ khách đến.
Có khoảng hơn 10 gian hàng nằm rải rác trên lề đường. Khác với những ngành hàng khác, người bán trầu cau không ai còn trẻ. Đa số tóc đã bạc, nhiều nếp nhăn trên gương mặt.
Chợ trầu cau xuất hiện tại đây có thể đã gần trăm năm qua. Trước kia, đây là nơi tập trung trầu cau từ vùng Bà Điểm (Hóc Môn) – nổi tiếng với địa danh ’18 thôn vườn trầu’ và các vùng phụ cận khác.
Mỗi buổi sáng, hàng về rất ồn ào nhộn nhịp. Hàng được các chủ sạp đón nhận để sau đó phân phối lại cho các bạn hàng rải rác khắp nơi trong thành phố.
Hồi ấy, cau trầu của Bà Điểm rất được nhiều người ưa chuộng. Cau dẻo và trầu rất cay khiến cho những người nghiện trầu rất thích. Rồi dần theo năm tháng, những người ăn trầu ít đi. Người trẻ không chuộng, người già càng vắng bóng. Cho đến hôm nay, những người còn ăn trầu chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Không còn nhiều người tiêu thụ nhưng chợ trầu cau vẫn tồn tại. Chị Nguyễn Thị Gái (64 tuổi) cho biết: ‘Tôi bán trầu cau tại đây từ năm 1968. Trải qua hơn 50 năm với nhiều vui buồn, nghề trầu cau đã gắn trọn cuộc đời tôi.
Trước đây, có nhiều người dùng nên bán được nhiều. Chợ lúc ấy đông vui lắm. Tấp nập người mua kẻ bán. Buổi sáng, cứ từ 3g sáng là họp chợ bán miết cho đến chiều.
Vào những dịp cuối năm, nhu cầu về trầu cau cho các lễ cưới, cúng bái lên cao, chúng tôi chẳng có được một phút nào ngơi tay. Chúng tôi bán được mỗi ngày vài thiên (1000 trái) lợi nhuận cũng đủ cho cả gia đình. Rồi người tiêu thụ vơi dần. Bây giờ trầu cau chỉ chủ yếu dành cho những mâm quả cưới.
Chúng tôi nhìn suốt khu chợ. Lèo tèo vài gian hàng chưng bày trầu cau.
‘Sao ít người bán thế chị?’.
‘Anh không nghĩ đây là một loại chợ chiều sao? Nếu trước đây rầm rộ bao nhiêu thì giờ đây càng vắng vẻ’, chị Gái trải lòng với chúng tôi.
Hiện nay, nguồn cung cấp trầu cau rất phong phú. Do không còn là nguồn cung chủ lực, cau trầu Bà Điểm phải nhường chỗ cho những nơi khác đưa hàng về. Cau được nhập nguyên buồng. Người bán tuyển chọn thải ra những trái quá to hay quá nhỏ để dành bán lẻ.
Cố gắng đi hết đoạn đường…
‘Dì ơi, dì làm cho con một buồng cau cưới nghe dì. Thứ 7 này con giao cho người ta rồi’. Chị Gái nở nụ cười tươi, ‘được rồi để dì làm mai con ghé lấy nhé’.
‘Cau cưới là cau như thế nào?’, chúng tôi hỏi chị. Chị giải thích, có 2 loại, loại 65 trái hoặc loại 105 trái tùy khách đặt. Cau cưới không cần to nhưng phải thật đều. Sau khi cắt tỉa xong, cau được trang điểm thêm cho đẹp rồi mới giao cho khách. Mang buồng cau về khách chỉ cần cho vào mâm quả là xong.
‘Những người buôn bán ở chợ trầu cau hôm nay có lẽ là thế hệ cuối cùng. Sẽ không còn một lớp người trẻ nào thay thế bởi chẳng còn ai mặn mà với nghề bán trầu cau.
Cũng may, phong tục mình bắt buộc phải có một mâm trầu cau trong lễ cưới nên chúng tôi mới có điều kiện để tồn tại đến ngày nay. Thôi thì, cái nghề đã nuôi sống mình đến cuối đời, mình cũng cố gắng đi cho hết đoạn đường… ‘, một bà cụ bán trầu giãi bày với chúng tôi.
Càng về chiều, chợ trầu cau Lê Quang Sung càng vắng. Những người bán hàng ở đây nói, chỉ có tháng cuối năm, chợ ngày nào cũng rộn rã tiếng cười. Còn lại, một tháng chỉ có vài ngày tốt, có nhiều đám cưới, hàng trầu cau mới đông người ghé qua. Riêng ‘tháng cô hồn’ là buồn nhất, không một ai đoái hoài tới…
Nhưng sau đám cưới, những trái cau lá trầu được nâng niu trong mâm quả sẽ đi về đâu? Người ăn trầu không còn thì những trái cau này trở nên vô dụng. Buồn thay cho người trồng, cho người bán và cho cả người mua…
Theo Trần Chánh Nghĩa/ vietnamnet.vn