Nét đẹp của cô giáo Hà thành

Hội thi “Cô giáo tài năng, duyên dáng” của ngành Giáo dục Hà Nội được tổ chức để tìm ra những gương mặt thầy cô xuất sắc, truyền cảm hứng cho phong trào thi đua dạy tốt - học tốt.

Cô Nguyễn Thị Kiều Trang hạnh phúc bên học trò. Ảnh: Kiều Minh

Quán quân tài năng, duyên dáng

Giành ngôi vị cao nhất tại hội thi “Cô giáo tài năng, duyên dáng” của ngành Giáo dục Hà Nội năm 2021, cô Nguyễn Thị Kiều Trang – Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) hội tụ không chỉ sự tài năng, duyên dáng mà còn là một nhân cách đẹp, tâm huyết với nghề, với trò… Ngoài giải cao nhất, cô còn nhận thêm giải phụ cho chuyên đề đổi mới, sáng tạo hiệu quả nhất.

Cô Trang chia sẻ: Cuộc thi là cơ hội để mỗi nhà giáo được học hỏi, trải nghiệm và rèn luyện bản thân. Đây thực sự là sân chơi bổ ích để tôn vinh trí tuệ, tài năng, sự sáng tạo, duyên dáng; khơi dậy và phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò của các nữ nhà giáo trong giai đoạn hiện nay.

Trải qua 5 phần thi: Báo cáo “Đổi mới sáng tạo trong dạy học”; ứng xử sư phạm; trình diễn áo dài; trang phục tự chọn; năng khiếu, cô Trang đều để lại ấn tượng tốt với Ban giám khảo và khán giả theo dõi cuộc thi.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà nhận định: Hội thi “Cô giáo tài năng, duyên dáng” ngành GD-ĐT Hà Nội nhằm tôn vinh nghệ thuật sư phạm, tài năng, trí tuệ trong ứng xử sư phạm, vẻ đẹp duyên dáng trong hoạt động nghệ thuật của các nữ nhà giáo Thủ đô. Đây là cơ hội để các cô giáo thể hiện tài năng về chuyên môn, nghệ thuật, sắc đẹp, bản lĩnh, sự tự tin.

“45 cô giáo lọt vào vòng chung kết hội thi đều là gương mặt tài năng, duyên dáng với nét đẹp riêng, phong cách sáng tạo. Trong đó, cô Nguyễn Thị Kiều Trang nổi bật lên ở phần thi tài năng. Các phần thi còn lại cô có điểm số rất đồng đều, xứng đáng với giải Xuất sắc hội thi.

Kiều Trang thuyết phục Ban giám khảo, khán giả không chỉ bởi vẻ đẹp duyên dáng mà còn là sự tinh tế, sáng tạo và chủ động trong mỗi phần thi; những kiến thức sâu sắc về nghề, kỹ năng thuần thục trong dạy học trò, sự ứng xử nhã nhặn, khiêm nhường của cô giáo trẻ đã chiếm trọn tình cảm của đại biểu tham dự”- bà Hà chia sẻ.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức trao giải Xuất sắc cho cô Nguyễn Thị Kiều Trang. Ảnh: Hoàng Anh

Cháy bỏng nhiệt huyết với nghề

Công tác tại Trường Tiểu học Trung Yên từ năm 2014, với sự nỗ lực sáng tạo, tâm huyết của bản thân, tạo điều kiện của Ban giám hiệu, giúp đỡ của đồng nghiệp, sự phối hợp của phụ huynh HS, cô Nguyễn Thị Kiều Trang luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lớp cô chủ nhiệm thường đi đầu trong các hoạt động học tập và phong trào thi đua của nhà trường.

Sở hữu bảng thành tích đáng tự hào, cô Trang luôn cháy bỏng nhiệt huyết với nghề, với trò. Suốt 7 năm gắn bó với ngôi trường thân thiện, cô Trang có nhiều sáng kiến kinh nghiệm cấp quận; được vinh danh là Đảng viên trẻ tiêu biểu quận Cầu Giấy giai đoạn 2017 – 2020…

Cô giáo trẻ bộc bạch: Mỗi thành tích tôi có được đều có bóng dáng của ngôi trường giàu truyền thống dạy tốt – học tốt. Đó còn là hình ảnh của những lớp học trò nhỏ luôn là nguồn động viên để tôi nỗ lực đổi mới, sáng tạo và tìm tòi phương pháp phù hợp trong dạy học và rèn luyện học sinh, đồng thời phát huy được sức trẻ, tính xung kích trong các hoạt động tập thể.

Nhìn nhận về tầm quan trọng của sự đổi mới, sáng tạo, tâm huyết và nhân cách đạo đức của giáo viên trong quá trình dạy học, nhất là khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Trang cho rằng: Những “thước đo” này với giáo viên trong quá trình dạy học rất cần thiết và quan trọng.

Năm học 2020 – 2021 là năm học đặc biệt khi Bộ GD&ĐT triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1, đòi hỏi giáo viên – học sinh – học liệu – môi trường học cần có sự vận hành tương tác đồng bộ, đặc biệt chú trọng cách gợi mở, xây dựng bài học của giáo viên và phương pháp tự học của học sinh.

Áp dụng vào thực tế dạy học, cô Trang chia sẻ: Giáo viên đóng vai trò chủ đạo trong chương trình đổi mới, vì vậy cần phải chủ động từ nhận thức đến hành động. Bản thân tôi đã dành thời gian tìm hiểu kĩ nội dung Chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau khi nắm bắt được các yêu cầu cần thiết, tôi nỗ lực tìm tòi, học hỏi để tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn. Tôi mạnh dạn áp dụng những phương pháp dạy học sáng tạo để khích lệ tinh thần ham học của học sinh, vừa dạy vừa rút kinh nghiệm và bồi đắp thêm những kiến thức, kỹ năng còn chưa hoàn thiện…

Tâm huyết với công việc dạy học, theo cô Trang, giáo viên chỉ vững chuyên môn, nghiệp vụ thôi chưa đủ mà ở mỗi nữ nhà giáo còn cần có thêm nét duyên dáng và nhân cách mẫu mực. Bởi những điều này luôn tác động trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của học sinh.

Thầy cô giáo ở trên lớp là hình ảnh trực quan tác động mạnh mẽ tới tâm lý của học sinh. Và để được học sinh yêu quý, hứng thú với bài dạy, muốn nghe giáo viên nói, trước hết các con phải yêu, kính trọng cô. Bởi vậy, mỗi cô giáo phải tạo ra một hình ảnh riêng thật gần gũi, thân thiện với các con…

Nhân cách, phẩm chất không phải là cái gì quá cao siêu mà chính là thái độ sống, hành động, cách ứng xử của giáo viên ở trường, ở nhà, trong tập thể hay trong chính đời sống cá nhân của mỗi người. Người giáo viên cần biết lắng nghe, chia sẻ cùng học sinh để từ đó thấu hiểu các con, có những hình thức, biện pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả. – Cô Nguyễn Thị Kiều Trang

Nguồn Kiều Giang/ Giáo dục & Thời đại
Bài cùng chuyên mục