Ngân hàng miễn phí khuyến khích giao dịch online

Việc miễn phí chuyển tiền, thanh toán nội mạng… đã được các ngân hàng triển khai từ lâu nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, với mục tiêu khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, các nhà băng tiếp tục miễn phí thêm nhiều dịch vụ điện tử.

Đơn cử Agribank vừa thông báo không thu phí chuyển tiền trong hệ thống ngân hàng này và ngoài hệ thống của Agribank đối với các kênh ngân hàng điện tử Agribank E-Mobile Banking, ATM… Ngoài ra những cá nhân và tổ chức có tài khoản thanh toán của Agribank cũng được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống ngân hàng này đối với các giao dịch tại máy ATM, các ứng dụng ngân hàng điện tử Agribank E-Mobile Banking, SMS Banking, Bankplus.

Agribank là một trong những ngân hàng có mạng lưới lớn nhất Việt Nam với 2.300 điểm giao dịch, 3000 ATM, đang cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ phủ khắp từ thôn bản đến thành thị. Bởi vậy chính sách miễn phí giao dịch trong mùa dịch bệnh sẽ có hiệu ứng lan tỏa ra toàn xã hội, đặc biệt tại khu vực vùng sâu, vùng xa.

Ảnh minh họa

Trước đó, Vietcombank đã đưa ra gói 4 tài khoản VCB Eco, VCB Plus, VCB Pro, VCB Advanced. Theo đó, người sử dụng các gói tài khoản này duy trì số dư tiền trên tài khoản hàng tháng lần lượt từ 2 triệu đồng, 4 triệu đồng, 6 triệu đồng, 10 triệu đồng sẽ được miễn phí chuyển tiền và các dịch vụ giá trị gia tăng trên tài khoản thanh toán.

Không chỉ các NHTM Nhà nước, khối ngân hàng TMCP cũng đang có chính sách miễn phí dịch vụ qua các kênh ngân hàng điện tử. Đơn cử, Techcombank cũng miễn phí thanh toán cho những khách hàng duy trì số dư tiền gửi trên tài khoản của ngân hàng trong thời gian qua. TPB đang có 80% giao dịch lượng khách hàng giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử cũng miễn phí chuyển tiền không giới hạn nội mạng hay ngoại mạng. Các ngân hàng SeaBank, SHB… cũng miễn phí chuyển tiền trên các ứng dụng ngân hàng điện tử.

Bên cạnh đó, hệ thống các công ty Fintech cũng đang liên kết với ngân hàng miễn phí chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng vào tài khoản ví điện tử cho chủ ví thanh toán các món hàng hóa dịch vụ có giá trị nhỏ lẻ. Sự liên kết giữa ngân hàng và các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán còn mở rộng ra phát triển các điểm bán lẻ hàng hóa chấp nhận thanh toán điện tử của các tổ chức tín dụng. Trường hợp của Sacombank vừa hợp tác với Mastercard và Visa phát triển mạng lưới chấp nhận thanh toán không tiếp xúc Tap To Phone, cho các tiểu thương, cửa hàng tạp hóa, hộ kinh doanh cá thể… Theo đó, người tiêu dùng mua bán hàng hóa dịch vụ có ứng dụng ngân hàng điện tử chỉ cần sử dụng điện thoại di động quét thanh toán. Hoặc trường hợp một ban quản lý dự án thuộc Tập đoàn Vingroup mới đây ra thông báo giãn cách xã hội một tòa nhà, trong đó có hướng dẫn và cung cấp địa chỉ siêu thị và số tài khoản ngân hàng cho thanh toán mua bán các nhu yếu phẩm sinh hoạt bình thường.

Không chỉ dịch vụ thanh toán hay chuyển tiền, mà ngay cả với những sản phẩm truyền thống như huy động tiết kiệm cũng được các nhà băng khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ trực tuyến thông qua việc trả lãi suất tiền gửi online cao hơn so với việc gửi tại quầy cùng kỳ hạn.

Theo Tổng giám đốc một ngân hàng ở TP.HCM, việc miễn phí giao dịch điện tử nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế tiếp xúc trong mùa dịch bệnh. “Miễn phí dịch vụ là một trong những hình thức khuyến khích người dân bỏ thói quen thanh toán tiền mặt, ngân hàng sẽ tiếp tục đưa ra nhiều sản phẩm tiện ích hơn thanh toán tiền mặt để tạo lập hoạt động trong điều kiện bình thương mới”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt lại càng cần thiết ở những địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, đảm bảo dòng chảy tiền tệ được thông suốt, đáp ứng mọi nhu cầu sản xuất – kinh doanh – tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

Trên thực tế, lo ngại dịch bệnh cũng thúc đẩy người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ online, bao gồm cả các dịch vụ ngân hàng. Theo số liệu thống kê của Vụ Thanh toán, NHNN, tính đến hết quý I/2021 số lượng giao dịch qua kênh interntet của các TCTD đã tăng 55,9%, 28,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Giao dịch qua điện thoại di động cũng tăng 78% về số lượng và 103% giá trị, lần lượt gần 400 triệu món tương ứng với 4,6 triệu tỷ đồng. Hình thức giao dịch qua quét mã QR Code tăng đến 83% về số lượng và 46% về giá trị, tương ứng lần lượt 5,3 triệu món và gần 4.500 tỷ đồng.

Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi thói quen thanh toán của nhiều người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ cũng đòi hỏi các ngân hàng phải nhanh chóng tiếp cận và đáp ứng. Để chuẩn bị sẵn sàng, NHNN đã ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN về phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo giới chuyên gia việc đẩy mạnh phát triển ngân hàng số sẽ gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, góp phần giúp các ngân hàng tăng trưởng và phát triển bền vững cũng như có thể ứng phó với các cú sốc như dịch Covid hiện nay.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

NguồnMinh Phương/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục