Mùi quê

Tôi nằm trên đồng. Cánh đồng sạch sẽ còn sót lại vài bụi lúa cuối mùa chưa ai gặt, thơm thơm, nồng nàn - dư vị quen thương chưa bao giờ tôi quên được. Tôi gọi đó là “mùi quê”. Ở thành phố thì lắm mùi, nhưng “mùi quê” vẫn len lỏi từng góc nhỏ tim tôi, gợi nhớ gợi thương, kéo chân tôi về với bình yên xưa cũ...

Tôi đi ngang qua những cánh đồng sau mùa gặt trong một sáng bình minh tươi tỉnh. Đứng trên bờ đất cao ngắm dãi đồng sớm mai được nắng xuân trải rợp một sắc vàng lung linh tinh khôi. Từ lúc xa quê đến giờ, đã bao lần tôi trở lại nơi này, mỗi lần là một xúc cảm khác nhau len lỏi trong lòng, ấm áp và trong trẻo, nó vây lấy hồn tôi, nó khiến tôi mỉm cười rồi bình tâm hít một hơi thật sâu làn gió mát lành phảng phất hương lúa vàng sót lại cuối mùa hoa lẫn hương đồng quê nội cỏ…

Má nói “Tết thì phải về nhà, ăn Tết xứ người thấy vậy chứ… không có vui”. Nhớ lời má dặn, Tết năm nào tôi cũng về nhà. Dẫu có khi chuyến xe chở tôi về là chuyến xe cuối cùng của năm cũ về xóm xa heo hút. Chừng ấy năm xa xứ làm ăn, chưa lần nào tôi ăn Tết xứ người, chưa lần nào tôi bỏ má. Cứ được nghỉ là lòng tôi lại đau đáu hướng về quê hương. Tôi qua đò, đi bộ một quãng mới về đến xóm. Lần nào cũng vậy, tôi thường đứng trên bờ đất này ngắm nhìn quê hương của mình. Những cánh đồng mùa lúa đẹp như trải vải lụa vàng. Khi đã suốt lúa, cánh đồng trơ gốc rạ nhưng vẫn giữ lấy nét đẹp mộc mạc, bình dị, tựa hồ như tâm hồn thuần khiết và hồn hậu của người quê.

Ảnh minh họa

Tôi co chân nhảy qua con đập. Con đập này hồi xưa, lúc tôi còn bé xíu, mỗi lần đi ngang là má cõng tôi. “Để má cõng con qua nghen” – câu nói đó của má cứ luẩn quẩn đâu đó trong đầu tôi mỗi khi tôi đi ngang qua nơi này. Má cõng tôi đi, trên đôi vai của má, tôi thấy mình bé nhỏ, được chở che, được yêu thương…

Bà tôi đón tôi trước sân nhà. Nhà tôi ở cuối con đường xóm nhỏ, cạnh ngã ba sông, chỗ mà hồi xưa tôi với má hay bơi xuồng ra vớt lục bình, vớt bèo tai tượng về băm nhuyễn ra trộn với cám cho vịt rỉa. Ngôi nhà nhỏ nơi tôi gắn bó suốt chặng dài tuổi thơ đầy ắp tiếng cười, khiến tôi bình yên vô ngần. Tôi ôm choàng lấy bà, thời gian khiến lưng bà thêm còng, tóc bà bạc phếu. Bà bảo tôi ra cái lu sau hè khoát nước rửa mặt cho sảng khoái. Dường như đó là một thói quen. Hễ đi xa về, đi đâu về là bà lại bảo tôi khoát nước rửa mặt, để nước rửa trôi bụi bẩn, muộn phiền, khiến tôi thư thả. Má dọn cơm cho tôi ăn. Bữa cơm quây quần, chúng tôi ngồi bên nhau, bà vẽ miếng cá thật to bỏ vào chén của tôi, thêm cái trứng cá béo bở. Tôi kể bà nghe chuyện ở xứ người. Còn bà với má kể tôi nghe chuyện ở xứ mình, chuyện mùa lúa năm nay, chuyện bán bầy gà ăn Tết…

Tôi nằm trên đồng. Cánh đồng sạch sẽ còn sót lại vài bụi lúa cuối mùa chưa ai gặt, thơm thơm, nồng nàn – dư vị quen thương chưa bao giờ tôi quên được. Tôi gọi đó là “mùi quê”. Ở thành phố thì lắm mùi, nhưng “mùi quê” vẫn len lỏi từng góc nhỏ tim tôi, gợi nhớ gợi thương, kéo chân tôi về với bình yên xưa cũ. Bầu trời biêng biếc, đôi cánh chim trời vỗ cánh bay về phương Nam. Trên cánh đồng này tôi từng cười từng hát, từng bình yên. Ba nắm tay tôi đi những bước đầu đời đẹp như giấc mộng. Má dặn tôi đời có đánh gục mình thì mình vẫn gắng gượng mà đứng lên, sống như cỏ dại, không bao giờ khuất phục. Khi nào mệt mỏi thì tìm về quê nhà để thanh tĩnh trong lòng sau những cuồng xoáy bão giông…

Tôi về. Mùa này quê tôi đẹp lắm, dường như là đẹp nhất trong mười hai tháng trôi nhanh như con sông hiền lành trước nhà. Gió quê an trú thổi mát tâm hồn tôi, gợi những kí ức xa xưa. Nắng xuân rơi trên đồng, gió xuân lồng lộng cọng rơm vàng lất phất trước sân nhà. Ôi quê hương bình dị của tôi, dẫu thành phố đầy những mời gọi xa hoa thì tình cảm của tôi dành cho quê hương vẫn không hề thay đổi. Dẫu đi bốn phương trời thì đất quê, cảnh quê, người quê và những hoài niệm về quê hương vẫn chiếm một vị trí không đổi trong tâm trí tôi!

Nguồn Hoàng Khánh Duy/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục