Tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản
Thị trường TP.HCM thời điểm này, mặc dù đang thực hiện giãn cách xã hội và biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nhưng cả kênh phân phối hiện đại và mạng lưới chợ truyền thống đều ưu tiên tạo đầu ra cho sản phẩm địa phương.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng hàng hóa trong 2 ngày cuối tuần qua đạt 2.900 – 3.200 tấn (gồm thịt lợn, rau quả và trái cây), tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái (2.800 tấn/ngày). Trong đó, lượng trái cây về chợ đạt 884 tấn, riêng vải thiều là 210 tấn. Còn chợ đầu mối Thủ Đức thì ghi nhận lượng hàng về đạt 4.496 và 5.089 tấn (rau, củ, trái cây), trong khi lượng hàng hóa về chợ ngày thường chỉ khoảng 3.000 tấn. Trong thời gian này, mặt hàng trái cây tăng mạnh nhất với mức 3.500 tấn/ngày trong khi ngày thường chỉ khoảng 1.200 tấn. Đặc biệt, vải thiều được ghi nhận hàng nhập chợ đạt mức kỷ lục với lượng xấp xỉ 1.400 tấn vào ngày 13/6. Do hàng hóa nông sản về chợ đầu mối nhiều nên giá cả trên thị trường ổn định.
Cũng vậy, trong 2 ngày 13 và 14/6, tại các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food của Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), sức tiêu thụ các loại rau củ quả, trái cây tăng hơn 30% so với những ngày trước. Cũng như thời điểm này mọi năm, trái cây, đặc biệt là trái vải tươi, thịt gà nguyên con, hải sản, hoa tươi… tiêu thụ mạnh nhất. Lãnh đạo các siêu thị cho biết, hiện đang vào mùa nhiều loại trái cây trong nước, sản lượng dồi dào nhưng sức tiêu thụ kém do ảnh hưởng của dịch, vì vậy, siêu thị đã chủ động làm chương trình khuyến mãi, giảm giá để hỗ trợ tiêu thụ nông sản lẫn kích cầu tiêu dùng.
Đơn cử, riêng hệ thống GO!, Big C dự kiến tiêu thụ khoảng 200 tấn trái cây các loại (bơ, sầu riêng, vải thiều, nhãn, thanh long, xoài, vú sữa, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh…) chỉ trong 1 tuần, từ ngày 10 đến 16/6, qua chương trình giảm giá trái cây đến 30%. Lãnh đạo Saigon Co.op cũng cho biết đã sớm có phương án phối hợp thu mua, vận chuyển và phân phối trái vải để chủ động hỗ trợ đầu ra cho nông dân cũng như kịp thời phục vụ nhu cầu về loại trái cây đặc sản này cho khách hàng cả nước.
Không chỉ có chợ truyền thống và các kênh bán lẻ hiện đại chung tay tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân, nhất là tại thị trường trọng điểm, khoai lang tím Nhật cũng được tiêu thụ tại TP.HCM với giá 5.000-9.000 đồng/kg và giao hàng tận nơi để hạn chế tụ tập đông người nhờ Công ty Foodbank. Với giá bán lẻ 9.000 đồng/kg và sỉ là 5.000 đồng/kg, Công ty Foodbank Việt Nam (TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã giúp nông dân tỉnh Vĩnh Long tiêu thụ hàng chục tấn khoai với chương trình “Khoai lang nghĩa tình”. Hiện khoai lang tím Nhật của nông dân huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) có giá xuống mức chạm đáy nhưng vẫn tồn đọng vì thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc hiện chưa thể xuất khẩu được. Đại diện Công ty FoodBank Việt Nam cho biết, qua 4 ngày phát động với nhiều điểm bán tại TP.HCM, dự kiến đơn vị hỗ trợ tiêu thụ được gần 600 tấn, và dự kiến phấn đấu đạt khoảng 1.000 tấn trong thời gian ngắn.
Hơn thế, Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh, huyện Củ Chi, TP.HCM cho biết, để gỡ khó về thị trường tiêu thụ cho khoai lang tím Nhật ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp này đang nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm bún khoai lang tím. Sau nhiều lần thử nghiệm đạt kết quả tốt, doanh nghiệp dự kiến chạy thử công thức để hoàn thiện sản phẩm…
Nhiều thương nhân, tiểu thương trên địa bàn TP.HCM cho rằng, sản phẩm nông sản nội sẽ mở cửa được thị trường và tăng sức mua nếu các bộ, ngành, địa phương nhập cuộc, tháo gỡ những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng và phát huy vai trò của mạng lưới bán lẻ.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, từ nhiều tháng qua, Sở đã kích hoạt hệ thống chuỗi cung ứng hàng hóa trong bối cảnh phòng chống dịch. TP.HCM yêu cầu các hệ thống bán lẻ, đơn vị tham gia chương trình bình ổn hàng hóa của TP.HCM và chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng phục vụ người dân với nguồn hàng thích ứng từng kịch bản chống dịch khác nhau, trong đó có tính đến giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, TP.HCM đã triển khai việc liên kết với 22 tỉnh, thành trong chương trình kết nối cung – cầu và bình ổn thị trường. Theo đó, mỗi ngày có gần 8.000 tấn rau củ quả được nhập và tiêu thụ tại 3 chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức), đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng; các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các doanh nghiệp chủ lực đảm nhiệm 30% còn lại. Ngoài ra, sản lượng thịt heo cung ứng hàng ngày khoảng 700 tấn; 800 – 900 tấn thủy hải sản; gần 1 triệu quả trứng và 250.000 con gia cầm các loại, đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm thiết yếu cho người dân TP.HCM.
“Sở Công thương TP.HCM đã có kịch bản để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các tỉnh, tránh đứt đoạn nguồn cung cho thị trường thành phố trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt khu vực đang giãn cách”, ông Phương nói.