Về ngang chợ nổi

Đã mấy lần tôi đi ngang qua chợ nổi Cái Răng, khi thì dẫn đoàn khách du lịch từ phương Bắc ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên, khi tôi ra chợ nổi cùng đoàn làm phim để thực hiện những chương trình khám phá vẻ đẹp miền Tây sông nước. Hoặc, bất cứ lúc nào tôi cảm thấy mệt mỏi, ngột ngạt giữa thành phố này, tôi lại đi ghe ra chợ nổi trong buổi sớm ban mai để hòa mình vào không khí dân dã, thanh bình.

Ngày nhỏ, tôi cũng đã từng đi chợ nổi với má tôi. Chợ nổi quê tôi nhỏ hơn chợ nổi Cái Răng, chợ nằm ở ngã ba con sông cách nhà tôi chừng mươi phút bơi xuồng. Chợ nổi trở thành một phần ký ức trong tâm hồn tôi, gắn liền với hình bóng người má yêu thương tảo tần, mỗi sớm mai lại gói ghém rau, cà, dưa, ớt… mang ra chợ bán kiếm mấy đồng ít ỏi. Má tôi cũng từng có năm tháng bơi xuồng đi bán hàng bông trên sông, đời má cơ cực, đời người trên sông cũng cơ cực chẳng khác gì cánh lục bình phiêu dạt. Thấy má cực quá, lại dậy sớm, đội nắng đội mưa, ba khuyên má thôi thì lên bờ làm vườn, làm ruộng, đừng đi bán hàng bông lênh đênh bấp bênh mà có dư dả gì đâu. Má cười cười, quệt mồ hôi rồi nói lên bờ biết lấy gì mà sống hả mình?

Câu nói của má khiến tôi cứa gan, chột dạ. Đã bao lần đi xuồng bán buôn cùng với má, tôi hiểu được cảnh khổ của người mưu sinh trên sông. Dòng sông này đã chứng kiến những buồn vui của người xóm nghèo, người tứ xứ, dòng sông soi bóng cuộc đời của họ. Má nói con sông trước nhà đã cưu mang đoạn đời tuổi trẻ của má, trước khi má lấy ba làm chồng. Ba má đã sống với nhau mấy chục năm trời, tôi lớn lên, lưng má dần cong xuống. Mà dòng sông nước nhà bao tháng năm vẫn vậy, có chăng là nó rộng hơn do sóng đánh, bờ đất lở lõm vào bên trong. Bờ đất có lở chứ lòng ba má, lòng người quê vẫn vậy, chưa hề đổi thay. Tình yêu nối dài từ thuở tóc xanh cho đến khi mái đầu lưa thưa sợi bạc.

Bao người thương nhau cũng từ những lần họp chợ. Bao giọt nước mắt cũng từng rơi trên xóm chợ sông quê. Tôi nhớ có lần tôi chứng kiến người chồng đánh vợ mấy bạt tai trên chiếc ghe bầu, rồi người vợ buồn quá đội nón lá có giang ghe đi đâu biệt xứ luôn. Những cuộc chia ly cũng diễn ra bịn rịn trên chợ nổi. Tôi cũng từng chia tay má trên chợ nổi. Năm ấy, tôi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, má tôi mừng rơm rớm. Má chèo xuồng đưa tôi ra chợ nổi đón đò dọc ra tỉnh rồi bắt xe lên thành phố đi học tiếp. Tiền bán hàng bông má gói ghém, chắt chiu đưa cho tôi trang trải việc học. Nhìn má tỉ mẩn xếp phẳng từng tờ tiền rồi đưa cho tôi, thương trào nước mắt, nhưng tôi biết làm sao được, đời là những cuộc chia ly. Sông đoàn viên. Sông dang dở. Sông tiễn người về phố thị, mỏi mòn ngóng vọng người phương xa…

Năm tháng trôi qua, chợ nổi chỉ còn trong ký ức. Hôm tôi về quê, tôi không thấy chợ nổi sầm uất trong mỗi sớm mai ngoài ngã ba sông kia nữa. Tôi hỏi má, má tôi buồn buồn bảo người ta không còn họp chợ nữa, chợ đã tan từ lâu rồi, dòng sông cũng buồn thiu, thiếu vắng. Tôi bật khóc. Chợ nổi – một phần tâm hồn tôi bấy giờ đã chìm sâu vào quá vãng, chìm sâu vào nắng mưa, sông nước quê mình. Biết bao giờ tôi gặp lại những người thương hồ năm xưa từng nói từng cười, từng í ới nhau kể về đoạn đời gian khó.

Chợ nổi trong tim tôi…

NguồnHoàng Khánh Duy/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục