TP.HCM: “Lình xình” đề án quảng cáo trên thân xe buýt
Trước đó, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đề xuất tạm ngưng đấu giá quảng cáo trên xe buýt để điều chỉnh theo đà phát triển vận tải công cộng và nhu cầu quảng cáo tại TP.HCM.
Lãnh đạo Sở cho rằng đấu giá quảng cáo trên xe buýt “chưa hiệu quả”. Việc này thể hiện qua việc từ năm 2017 đến hết năm 2019 chỉ chọn được một đơn vị trúng đấu giá với 25/101 tuyến buýt, đạt tỷ lệ 24%. Theo đó, đề án quảng cáo trên thân xe buýt được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2017, nếu quảng cáo thành công trên tất cả 1.200 xe buýt, có thể thu về 135 tỷ đồng/năm. Thế nhưng qua nhiều lần đấu giá quảng cáo không thành công, nguồn thu từ việc quảng cáo trên thân xe buýt chỉ đạt 58,3 tỷ đồng/năm. Do đó, đề án này phải dừng để xây dựng đề án mới hiệu quả hơn.
Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM cho rằng đề án quảng cáo trên thân xe buýt chưa mang lại hiệu quả… Sở này cũng nhìn nhận trong quá trình thực hiện đề án có nhiều khó khăn, vướng mắc, chủ yếu liên quan đến đầu tư phương tiện của các đơn vị vận tải, công tác bàn giao tiếp nhận xe buýt để quảng cáo trên thân xe và sự thay đổi đơn vị đảm nhận hoạt động tuyến buýt thuộc gói thầu quảng cáo. Trong khi đó, các chủ xe lại cho rằng việc thay mới phương tiện xe buýt rất chậm là vì họ không cáng đáng được vốn và lãi vay ngân hàng; quảng cáo cũng chưa thực sự thu hút chủ xe vì không mang lại lợi nhuận cho chính họ.
Từ trước năm 2002, quảng cáo trên thân xe buýt ở TP.HCM đã diễn ra, nhưng chưa được quy hoạch nên chỉ thực hiện quy mô nhỏ lẻ. Tháng 9/2002, UBND TP.HCM ban hành quyết định 108 về hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố, trong đó có điều khoản “cấm quảng cáo trên phương tiện vận tải hành khách công cộng” vì sợ “ảnh hưởng mỹ quan đô thị”. Quy định này bị các doanh nghiệp phản ứng bởi cho rằng tác động tiêu cực tới lĩnh vực quảng cáo. Chưa kể nhiều địa phương trong nước cũng không cấm quảng cáo trên xe buýt. Tuy nhiên thành phố không thay đổi quan điểm.
Nhưng đến năm 2006, Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM được cho phép lập đề án quảng cáo trên xe buýt. Thời điểm đó, TP.HCM có 153 tuyến xe buýt với hơn 2.000 xe, quảng cáo trên thân xe được xác định với mức giá từ 33 đến 55 triệu đồng một năm tùy loại xe lớn nhỏ, kích thước quảng cáo 16-24 m2, được sơn trực tiếp vào hai bên thân xe. Đề án dự kiến thu 104 tỷ đồng từ quảng cáo để bổ sung cho nguồn trợ giá xe buýt. Tuy nhiên tất cả đã rơi vào im lặng. Mãi đến tháng 10/2015, UBND TP.HCM mới phê duyệt đề án quảng cáo trên thân xe buýt với 10 tuyến (156 xe) được chọn.
Đánh giá việc quảng cáo trên thân xe buýt tại TP.HCM, ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM cho biết, giá quá cao, cách làm không hợp lý là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không mặn mà với quảng cáo trên xe buýt ở thành phố. Giá đấu thầu quảng cáo trên xe buýt ở TP.HCM cao gấp 5 lần ở Hà Nội. Lưu lượng xe buýt chạy trên đường nhiều khi không đáp ứng yêu cầu, gây khó cho hành khách nên không hấp dẫn doanh nghiệp. Ngoài ra, thủ tục đấu thầu mất nhiều thời gian, doanh nghiệp trúng thầu phải ứng tiền cọc khá lớn, ký hợp đồng nhiều năm… khiến họ ngại tham gia. Góp ý với ngành vận tải TP.HCM, vị đại diện hiệp hội quảng cáo cho rằng để quảng cáo trên xe buýt đạt hiệu quả, thành phố không nên can thiệp quá sâu mà cần để thị trường điều chỉnh. Bởi đa số xe buýt đang chạy đều của tư nhân, xã viên hợp tác xã, việc cho phép tự thương thảo, ký hợp đồng giúp doanh nghiệp chủ động, tiết kiệm thời gian.
Theo Sở Tài chính TP.HCM, việc triển khai đề án quảng cáo trên xe buýt từ năm 2018 đến nay đã tạo được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước hơn 57,3 tỷ đồng. Số tiền này chưa tính khoản đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng là hơn 16,1 tỷ đồng nhằm bù đắp kinh phí trợ giá xe buýt. Bên cạnh đó, đề án cũng bao gồm các tuyến xe buýt có trợ giá và không trợ giá. Đối với những tuyến buýt không trợ giá, doanh nghiệp vận tải, chủ xe được hưởng trọn vẹn nguồn thu từ quảng cáo sau khi hoàn thành các nghĩa vụ tài chính.
“Do đó, việc dừng đề án sẽ tác động đến nguồn thu của các doanh nghiệp vận tải, chủ xe của những tuyến không trợ giá”, lãnh đạo Sở Tài chính TP.HCM lập luận để bác yêu cầu tạm ngưng đề án quảng cáo trên xe buýt mà Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM đề xuất.
“Giao Sở Giao thông – Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức đàm phán với doanh nghiệp về gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng quảng cáo trên xe buýt thành phố. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu UBND TP.HCM điều chỉnh phương án quảng cáo phù hợp với tình hình phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng và nhu cầu khai thác quảng cáo thực tế”, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nêu rõ.