Việt Nam vào bảng “tử thần” vòng loại World Cup: Nhất được cả, nhì mất tất
Trong bối cảnh bảng G không có đội "lót đường", cơ hội đi tiếp vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á của ĐT Việt Nam rất thấp nếu không may xếp nhì bảng.
Lá thăm may rủi đã biến bảng G, vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á thành “AFF Cup thu nhỏ” với 4/5 đội bóng đến từ Đông Nam Á: Việt Nam (nhóm hạt giống số 2), Thái Lan (3), Malaysia (4) và Indonesia (5), bên cạnh UAE – đội bóng thuộc nhóm hạt giống 1.
Giới chuyên môn nhận định đây là “bảng tử thần” bởi thực lực giữa các đội không quá chênh lệch, còn người hâm mộ tỏ ra phấn khích vì sắp được chứng kiến những cặp đấu nhiều duyên nợ. Tuy nhiên với 5 đội thuộc bảng G, kết quả bốc thăm hoàn toàn không có lợi cho họ.
Theo thể thức, vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á sẽ xác định 8 đội đầu bảng và 4 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất giành quyền vào vòng 3 (vòng loại cuối cùng). Hiện châu Á đang có sự phân chia trình độ nhất định giữa các “ông lớn” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Australia, Qatar với phần còn lại.
Vì vậy nếu không may chung bảng với nhóm “ông lớn”, mục tiêu thiết thực của các đội thuộc nhóm hạt giống thấp hơn là 1 trong 4 tấm vé nhì bảng còn lại.
Bên cạnh thành tích đối đầu trực tiếp, các đội cũng phải nỗ lực giành điểm số tối đa khi chạm trán 1-2 cái tên được xem như “lót đường”, “kho điểm” trong bảng để cạnh tranh chỉ số phụ (bàn thắng – bàn bại) với các bảng đấu khác.
Như đã nói trên, dù giữ vị thế số 1 Đông Nam Á, trình độ của Việt Nam không quá vượt trội Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Ở AFF Cup 2018, thầy trò HLV Park Hang Seo có 2 chiến thắng với cách biệt không lớn trước Malaysia (2-0 ở vòng bảng, 1-0 ở chung kết lượt về), thậm chí bị đối thủ cầm hòa 2-2 trên sân khách (chung kết lượt đi).
Trước đó, Malaysia xuất sắc loại Thái Lan từ bán kết sau 2 trận hòa (0-0 trên sân nhà, 2-2 trên sân khách). Đến King’s Cup, “Voi chiến” cũng gây ra nhiều khó khăn cho Việt Nam và chúng ta chỉ thắng nhờ bàn thắng của Anh Đức vào phút bù giờ cuối cùng.
Indonesia chính là đối thủ kỵ giơ với bóng đá Việt Nam. Nếu tính cấp độ ĐTQG, chúng ta trải qua 20 năm và 13 trận không biết mùi chiến thắng trước đội tuyển “xứ vạn đảo” (kể từ ngày 12/8/1999, thắng 1-0 ở AFF Cup).
Thời điểm hiện tại, Indonesia đang có phần đi xuống nhưng sở hữu thành tích đối đầu trong quá khứ rất ấn tượng với Malaysia (thắng 39 – hòa 21 – thua 35) và Thái Lan (thắng 25 – hòa 14 – thua 38).
Trong khi đó, UAE cũng không thể chủ quan dù là ứng viên số 1 cho ngôi nhất bảng. Vài năm qua, Việt Nam luôn chơi rất tốt trước các đại diện Tây Á, Thái Lan cũng từng xuất sắc cầm hòa đội bóng này với tỉ số 1-1 ở vòng bảng Asian Cup 2019.
Chiến thắng đã khó, chiến thắng cách biệt 3, 4, 5 bàn còn khó khăn hơn trong bối cảnh bảng G không có đội “lót đường”. Cơ hội đoạt ngôi đầu bảng – tương đương suất vào thẳng vòng loại cuối cùng chia đều cho Việt Nam và 4 đối thủ nhưng nếu “xui xẻo” xếp nhì bảng, thầy trò Park Hang Seo sẽ gặp bất lợi khi cạnh tranh điểm số, chỉ số phụ với các đội nhì bảng khác.
Theo Đỗ Anh (Khám Phá)