Để hàng Việt “phủ sóng” trên thị trường
Việc DN sản xuất, phân phối hàng Việt có chất lượng, mang tính cạnh tranh cao; người tiêu dùng ưu tiên tiêu dùng hàng Việt, cơ quan quản lý Nhà nước luôn đồng hành có các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy thị trường phát triển... là nguyên nhân đưa đến thành công trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước...
“Thượng đế” tin dùng
Trải qua hơn 10 năm triển khai cuộc vận động, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay trên địa bàn TP. Đà Nẵng các sản phẩm hàng Việt đã xây dựng được chỗ đứng của mình trên thị trường. Tiếp tục để hàng Việt “phủ sóng” ở Đà Nẵng, chính quyền, doanh nghiệp (DN) và người dân địa phương đã và đang nỗ lực triển khai, thực hiện nhiều giải pháp…
Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thực sự có hiệu quả trong thực tế, những năm gần đây TP. Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các DN. Trong đó, tập trung hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến; khuyến khích DN sản xuất hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; đồng thời, thiết lập các kênh phân phối, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, tổ chức các hội chợ, các đợt bán hàng khuyến mại, các đợt đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thành phố cũng hỗ trợ DN trong hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu; giúp DN phát triển các sản phẩm đặc trưng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường…
Trong khi đó, về phía các DN, sau nhiều năm triển khai cuộc vận động cũng đã ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm đối với người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập trên thị trường. Nhiều DN, cơ sở sản xuất chú trọng đầu tư chất lượng, cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành, quảng bá thương hiệu, sản phẩm… Với nhiều nỗ lực, đến nay tỷ lệ hàng Việt tại các kênh phân phối, bán lẻ, siêu thị trên địa bàn thành phố đang chiếm khoảng 70%. Đặc biệt, tại một số siêu thị như Co.opmart tỷ lệ hàng Việt chiếm khoảng 90%. Hàng Việt đang được đánh giá cao và được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trong siêu thị. Tương tự, tại kênh chợ truyền thống, các cửa hàng tiện lợi, hàng Việt gần như chiếm lĩnh thị phần…
Đây là kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò của nguồn cung hàng hóa nội địa trong bối cảnh dịch bệnh khiến hàng nhập khẩu gặp khó. Đồng thời, thể hiện rõ vai trò của hàng Việt tại thị trường nội địa khi ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo đại diện, Ban Chỉ đạo “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Đà Nẵng, trong thời gian qua, nhận thức của người tiêu dùng đã có bước chuyển biến khá rõ nét, người dân thường xuyên tiêu dùng và sử dụng thương hiệu Việt hơn. Tiêu dùng hàng Việt đã dần trở thành thói quen của nhiều người dân thành phố. Bà Trần Thị Dục, trú tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà chia sẻ, những năm gần đây chất lượng của các sản phẩm hàng Việt không ngừng được nâng lên. Trong khi giá cả hợp lý; nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khâu chăm sóc khách hàng cũng tốt nên chúng tôi rất yên tâm và hài lòng khi sử dụng hàng Việt.
Phát triển hệ thống phân phối
Có thể nói, việc DN sản xuất, phân phối hàng Việt có chất lượng, mang tính cạnh tranh cao; người tiêu dùng ưu tiên tiêu dùng hàng Việt, cơ quan quản lý Nhà nước luôn đồng hành có các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy thị trường phát triển… là nguyên nhân đưa đến thành công trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước…
Theo ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng, thành phố tiếp tục ưu tiên xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, tăng cường công tác quảng bá thương hiệu. Bên cạnh, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận biết hàng thật, nói không với hàng kém chất lượng, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân đối với các sản phẩm hàng Việt nói chung, sản phẩm Đà Nẵng nói riêng.
Nỗ lực để hàng Việt “phủ sóng” trên thị trường, UBND TP. Đà Nẵng mới đây đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, hơn 90% người tiêu dùng và DN thành phố biết đến Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “tự hào hàng Việt Nam”, “tinh hoa hàng Việt Nam”; Thị phần hàng Việt Nam chiếm trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử…) và hơn 80% tại các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa lớn…).
Để đạt được mục tiêu trên, TP. Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định, bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt. Trong đó, rà soát, tích hợp quy hoạch hạ tầng thương mại vào quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối hàng sản xuất trong nước trên địa bàn thành phố. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng sẽ tăng cường, hỗ trợ DN, hộ sản xuất tiêu thụ sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu vực nông thôn, miền núi theo hướng bền vững. Ngoài ra, TP. Đà Nẵng cũng sẽ nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để DN và người dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, quyền lợi trong sản xuất và tiêu dùng hàng Việt.
Trong bối cảnh, cả thế giới cũng như Việt Nam đang phải chống chọi với đại dịch Covid-19 như hiện nay, đang đặt ra những cơ hội cũng như thách thức đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Bởi vậy, bên cạnh những hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của người tiêu dùng thì bản thân các DN cũng phải tự thân vận động. Theo đó, muốn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa, hàng Việt phải chiếm được niềm tin của khách hàng bằng giá trị đích thực của sản phẩm. DN phải bảo đảm sản xuất sản phẩm chất lượng, nguyên vật liệu rõ nguồn gốc, quy trình, công nghệ sản xuất phải an toàn cho sức khỏe con người, giá cả bình ổn và có chính sách chăm sóc hậu mãi thật tốt.