Nơi đó có người mẹ tên sông

Ở xóm núi này ai đi xa mà không nhớ những ngày hè nực lửa được ngâm mình trong dòng nước xanh ươm, mát lạnh của con sông quê nhỏ thó như dòng suối. Con sông bốn mùa cong lưng cho nước chảy dòng xuôi. Con sông xây đắp nên những trang dài tuổi thơ của bao thế hệ người dân xóm núi.

Ảnh minh họa

…Đã chiều, viên ngọc đỏ soi bóng mình lần cuối xuống dòng nước rồi tư lự biến mất sau những khoảnh đồi bạt ngàn cây. Đám trẻ xóm núi đã đi học về, cuộc hành trình rượt đuổi với những con nước bắt đầu.

Trong phút chốc những cái đầu nhỏ đã ẩn hiện, nhấp nhô giữa sắc xanh của dòng nước. Đám trẻ cười la, hò hét ầm ĩ cả khúc sông, hình như chúng vui quá khi thoát khỏi cái sự bết bát, nóng nực mới vừa qua trên đường đi học về. Chúng thoăn thoắt trong dòng nước, tung mình, lặn ngụp rồi lộn nhào hệt những anh chàng cá mương đang ngúng nguẩy khoe tài trước các chị em nhà cá cùng họ hàng. Chính những ngày nhỏ được đắm mình trong lòng sông êm ả đã nhào nặn chân tay lũ trẻ thêm dẻo dai và cứng cáp, chúng bơi trên sông như đang chạy trên mặt đất, từng chút một thu vào sự tươi mát ngọt lành đang lững thững chảy đi.

Còn nhớ ngày đó tôi cũng từng có một tuổi thơ huy hoàng như thế. Giống như bao đứa trẻ khác sinh ra tại xóm núi này, tôi sớm được cha đưa xuống sông tập tành bơi lội từ khi mới lên bốn lên năm. Hồi ấy tay chân tôi nhỏ thó, mềm oặt như cọng bún nhưng cứ xuống đến mặt sông là hí hửng, hăng say đòi cha dạy bơi bằng được. Giữa những con nước xanh xanh đổ ào về miền ngược, tôi dường như quá nhỏ bé. Tôi ngồi trên vai cha, hai tay bám chặt, mặt hớn hở nhìn xung quanh và chân bắt đầu đạp nước. Có nhiều anh chị, bạn bè đồng trang lứa tôi thuở đó cũng háo hức bám gót cha mình tới bờ sông, hoà vào dòng nước và tập tễnh những động tác đầu tiên của hành trình lớn khôn. Tôi nhớ có lần cha kẹp hai bên nách tôi và dẫn tôi ra chỗ nước sâu, ông bảo con hãy bơi đi. Ánh mắt cha khi đó rắn rỏi và quả quyết, tôi sợ hãi không biết phải bắt đầu từ đâu, như thế nào. Cha tôi bảo con thử nhớ lại xem con cá và con vịt đã bơi thế nào! Cha vẫn giữ tôi theo từng nhịp chuyển động tay chân và những bài học vỡ lòng đầu tiên khiến tôi không ít lần nuốt phải nước sông. Nước sông ngọt con nhỉ, uống vài ngụm sẽ cho con sức mạnh, cha bảo vậy và con gái ông tin thật, mãi sau này tôi vẫn giữ niềm tin ấy như một sự biết ơn đối với cha mình. Mỗi khi nhìn thấy những đàn cá đang quẫy mình dưới nước hay đàn vịt đang tung tăng lướt trên mặt sông tôi lại tủm tỉm nhớ về tuổi thơ mình, nhớ tới những người thầy đầu tiên…

Lặng tờ thời gian cuốn trôi những con nước, phù sa bồi cho đất hai bên bãi dày thêm, những mùa hè cũng dày lên theo tuổi thơ của mỗi đứa trẻ. Tôi hạnh phúc, bao người cha người mẹ ở xóm núi này cũng hạnh phúc vì vẫn còn dòng sông, vẫn chiều chiều nghe tiếng lũ trẻ ới nhau đi tắm táp. Và dân xóm núi đi xa trở về vẫn có một chốn để hoài niệm, để nhớ nhung, để biết ơn và trân trọng những tháng ngày được ngâm mình trong dòng nước, được cùng dòng nước lớn lên. Nhưng có lẽ người vui nhất, hạnh phúc nhất lại chính là dòng sông. Sau bao bước chuyển của thời gian, sau những lực hấp dẫn của game gọt, diu tu be, tíc tốc… những đứa trẻ xóm núi vẫn nhớ tới sự tồn tại của người mẹ già đã bạc tóc vì tháng năm mà đến bên cùng người mẹ ấy đùa vui, trò chuyện mỗi chiều hạ nắng ươm vàng cánh áo.

Hạnh phúc lớn đôi khi lại bắt nguồn từ chính những điều bé nhỏ. Dòng sông không sinh thành nên hình hài tôi hay hình hài những người dân xóm núi nhưng lại là mẹ lớn của vạn đứa con…

NguồnBàn Thị Dương/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục