Bộ GTVT: Phải có giấy xét nghiệm âm tính khi vận chuyển hành khách
Bộ GTVT vừa gửi công điện cho các đơn vị về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong phòng chống dịch COVID-19 của ngành giao thông vận tải.
Theo Bộ GTVT, để thực hiện Công điện số 914/CĐ-TTg ngày 6-7 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến với TP.HCM và bảy tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan trong phạm vi của mình đôn đốc, chỉ đạo, thực hiện nghiêm các nội dung bộ yêu cầu.
Cụ thể, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 177/TB – VPCP ngày 6-7.
Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID- 19 và các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế với tinh thần chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.
Các đơn vị thực hiện nghiêm các giải pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị tích cực. Đặc biệt lưu ý thực hiện các quy định về giãn cách, khoanh vùng; Tránh tình trạng khoanh vùng rộng bên ngoài, lỏng lẻo bên trong, phải tổ chức tốt việc cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế, giãn cách xã hội. Áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ vùng dịch theo quy định.
Tất cả người điều khiển, người phục vụ, hành khách trên phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa khi từ TP.HCM đi các tỉnh, TP khác hoặc từ tỉnh TP khác đến TP.HCM bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS – CoV-2 còn còn hiệu lực (theo quy định hiện hành của Bộ Y tế). Trừ trường hợp phương tiện vận chuyển người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết nhưng phải được theo dõi, kiểm soát y tế và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Các trường hợp vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, nguyên vật liệu sản xuất, xe đưa đón cán bộ, nhà quản lý, chuyên gia, công nhân làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp khi đi hằng ngày giữa TP đến các tỉnh lân cận và ngược lại (bao gồm cả người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện) được phép hoạt động. Tuy nhiên, các trường hợp trên phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời phải được sự chấp thuận của UBND tỉnh, thành lân cận. Hằng ngày thực hiện khai báo y tế bằng mã QR Code theo đúng quy định của cơ quan có thẩm có thẩm quyền.
Việc quản lý người, phương tiện đi/đến TP.HCM và các Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Công an, UBND TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và các tỉnh giáp ranh với TP.HCM để tổ chức phân luồng giao thông, quy định thời gian cụ thể, rõ ràng. Từ đó, các phương tiện giao thông sẽ không gây ra tình trạng ách tắc, bảo đảm duy trì ổn định vận tải hàng hóa và hành khách, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị vận tải, bến xe, bến tàu, bến phà, nhà ga, cảng hàng không, sân bay, chủ phương tiện chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm tra, đôn đốc và triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị mình quản lý.
Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, chia sẻ, tích cực và tự giác hợp tác, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện các biện pháp mạnh khi cần thiết về phong tỏa, giãn cách, cách ly.
Các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế – xã hội tại TP.HCM và bảy tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo tinh thần “3 không: Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Trong trường hợp TP.HCM và các địa phương khác trong vùng phải tiến hành phong tỏa, giãn cách, cách ly trên diện rộng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải có kịch bản cụ thể xử lý vấn đề như phân luồng giao thông, lưu thông hàng hóa, cung ứng vật tư và nhu yếu phẩm, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân… để không làm xáo trộn lớn đến cuộc sống của người dân.