Võ sư đừng tự hạ thấp mình bằng cách “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”

Vụ việc võ sư Nam Anh Kiệt đến tận võ đường đánh võ sư Nam Nguyên Khánh vẫn tiếp tục gây ồn ào dư luận khi vị nguyên Tổng đàn chủ của Vịnh Xuân chính thống phái tại Việt Nam trong phát ngôn mới nhất cho rằng “tôi không hối hận về sự việc với Nam Nguyên Khánh”.

Hình ảnh võ sư Nam Anh Kiệt đánh võ sư Nam Nguyên Khánh. Ảnh cắt từ clip.

Tất nhiên theo lời lẽ của võ sư Kiệt, nguyên nhân ông “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đối với võ sư Khánh thể hiện trong clip lan truyền là vì “anh ta sỉ nhục tôi, thầy và gia đình tôi”.

Nhưng đó cũng mới chỉ là đổ lỗi nguyên nhân từ một phía. Song ở góc độ khác, với một võ sư thậm chí từng chấp chưởng tới chức Tổng đàn chủ tại Việt Nam, đâu thể cứ bị người khác “sỉ nhục” hay xúc phạm là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” cho bằng được?

Trên thực tế có nhiều cách để giải quyết vấn đề, từ gặp gỡ trao đổi một – một đến trong phạm vi hẹp giữa các môn phái, võ lâm đồng đạo, mức độ hơn nữa là đưa ra cơ quan chức năng, thậm chí kiện ra tòa…

Một người càng có vị trí, thân phận trong làng võ thì càng phải hiểu được điều đó, càng tránh sa vào tình trạng hành xử tùy hứng, theo luật rừng. Đối với một võ sư, việc hạ thủ bên ngoài sàn đấu là cực kì tế nhị và nhạy cảm.

Một võ sư nhận thức sâu về võ học, càng không thể là người hành xử kiểu võ biền, mà trước tiên phải là đạo lí. Việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” như trong clip thậm chí còn không được xem là “hạ sách”, vì nó gây tổn hại đến hình ảnh, uy tín của cả cá nhân võ sư và môn phái, chưa kể những hệ lụy khác có thể sẽ ập đến với người thân và gia đình nữa.

Câu chuyện đã được chính hai người trong cuộc chia sẻ qua các phát ngôn trên báo chí, cho thấy những va chạm gây nên căng thẳng bắt nguồn từ lời ăn tiếng nói, cách bình luận đụng chạm, sự thách thức… chứ không đến mức cừu thù không đội trời chung với nhau phải một mất một còn như trong các phim võ hiệp Kim Dung.

Vấn đề là cả hai không đủ thiện chí và có một bên để mình bốc hỏa không tự kìm chế được dẫn đến hành động không hay, thậm chí vi phạm pháp luật.

Vấn đề là, sau sai lầm cần biết ăn năn và tỉnh ngộ. Nhưng rất tiếc, trường hợp võ sư Nam Anh Kiệt thì chưa thấy điều đó.

Theo Thế Lâm/ Laodong.vn

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục