Kết nối nguồn hàng phục vụ người dân

16 tỉnh thành phía Nam cùng với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai áp dụng Chỉ thị 16 từ ngày 19/7 khiến cho việc cung ứng nguồn hàng cho TP.HCM gặp nhiều khó khăn. Để đáp ứng hàng hóa thiết yếu nhất là rau củ quả và thực phẩm tươi sống, lãnh đạo ngành công thương TP.HCM đã nỗ lực kết nối các tỉnh thành thực hiện các biện pháp để có hàng hóa phục vụ người dân.

Xác định nguồn hàng hóa thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thủy hải sản phục vụ thị trường TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian nhiều tỉnh, thành phía Nam đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16, ngành công thương TP.HCM cùng các doanh nghiệp khẩn trương tìm phương án bảo đảm lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, trong những ngày vừa qua nhờ các cấp, các ngành đã vào cuộc tích cực, nên việc vận chuyển hàng hóa vào TP.HCM đã được gỡ bỏ phần nào khó khăn.

“50% sản lượng được thu hoạch từ các trang trại của Công ty Ba Huân, 50% mua ngoài thị trường nhưng hiện một số tỉnh đang thắt chặt việc đi lại, nên lượng thu mua bên ngoài giảm sút. Riêng với mặt hàng trứng vịt, dù giá thu mua đã tăng lên mức 30.000 đồng/chục nhưng không có hàng vì vịt không chạy đồng từ xã này qua xã kia, ghe gom trứng cũng không rời khỏi địa bàn để đi gom trứng được”, lãnh đạo Công ty Ba Huân nêu rõ khó khăn.

Chính vì thế, Sở Công thương TP.HCM đã liên hệ với các tỉnh Tây Nam bộ, Tây Nguyên, thậm chí các tỉnh phía Bắc để rà soát lại, tìm nguồn nguyên liệu hàng hoá, để cung ứng cho thành phố. Ngành công thương TP.HCM cũng đề xuất Chính phủ cần có chỉ đạo để các địa phương cùng thống nhất thực hiện, tránh tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu. Theo đó, cần ưu tiên cho hoạt động sản xuất, thu hoạch, thu mua, sơ chế, chế biến, để đáp ứng đủ lượng hàng hoá thiết yếu. Bên cạnh đó, công tác vận chuyển nội bộ trong địa phương, các khu cách ly, phong tỏa, vận chuyển liên tỉnh cũng cần sự thống nhất.

Với những nhu cầu từ TP.HCM, nhiều địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng tiếp ứng hàng hóa thế mạnh của mình. Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, thực hiện Chỉ thị 16, tỉnh siết chặt quản lý nhưng phải đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa. UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Sở Giao thông – Vận tải đảm bảo lưu thông các phương tiện vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nguyên vật liệu sản xuất, xe đưa đón công nhân… Bên cạnh đó, đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa, trái cây về TP.HCM và ngược lại.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã lên kế hoạch thống kê sản lượng các mặt hàng nông sản thiết yếu hiện có trên địa bàn. Theo đó, Kiên Giang có nguồn lúa gạo lớn, thủy hải sản, nhất là các mặt hàng nuôi trồng như: tôm, cua biển… sẵn sàng cung ứng cho các địa phương nhất là TP.HCM khi cần thiết. Thậm chí, lãnh đạo ngành công thương tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị “nếu cần thì địa phương sẵn sàng giảm nguồn cung trên địa bàn để chia sẻ với TP.HCM”.

Song song đó, để hàng hóa tươi sống về nhanh chóng, ngành công thương TP.HCM đã liên hệ với các Sở Công thương, Sở Giao thông – Vận tải các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre để cùng thực hiện “luồng xanh” đường thủy để tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu giữa các tỉnh. TP.HCM đã cho phép một đơn vị vận tải tàu cao tốc đưa 5 tàu đến các địa phương trên để vận chuyển hàng hóa theo hoặc đồng thu mua nông sản giữa đơn vị cung ứng và các doanh nghiệp sản xuất ở Tiền Giang, Long An và Bến Tre.

“Hiện nay các vùng sản xuất được bảo vệ một cách hợp lý, không thể để gây khó khăn cho nguồn cung. Điều này dẫn đến việc giá cả gia tăng, như tại Tiền Giang, giá bầu bí đã lên 35.000đồng/kg!”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM bức xúc. Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM kiến nghị các địa phương làm đúng công tác phòng, chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa. Đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin cho người trực tiếp sản xuất, sơ chế, lưu thông hàng hóa. TP.HCM đã có kế hoạch thực hiện tiêm cho các đối tượng này, để người dân trong dài hạn yên tâm sản xuất, vận chuyển hàng hóa.

“Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin về nguồn hàng để Bộ Công thương có thể làm việc với các chợ đầu mối, từ đó phân phối hàng hóa hợp lý. Tổng lượng hàng về 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức khoảng 6.000-8.000 tấn, có thời điểm tăng đột biến lên 9.000 tấn. Hàng hóa về các chợ đầu mối 70% không phục vụ TP.HCM mà phân phối các tỉnh, chợ đầu mối mang tính liên vùng, phục vụ cho người dân các tỉnh trong vùng”, ông Vũ nói.

NguồnNgọc Hậu/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục