Đề nghị Hà Nội, TP.HCM xem xét đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng thiết yếu
Cục Xuất bản in và Phát hành đề nghị Sở TT-TT Hà Nội, TP.HCM xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền đưa sách giáo khoa vào diện mặt hàng thiết yếu.
Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin – Truyền thông) vừa có văn bản gửi Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội, TP.HCM về việc đưa sách vào diện mặt hàng thiết yếu.
Theo đó, Cục cho biết, thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, thời gian qua, các đơn vị xuất bản, phát hành trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM đã triển khai nghiêm Chỉ thị 16, chủ động giảm hoặc ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây là việc làm quan trọng, góp phần ngăn chặn lây lan dịch bệnh, song cũng dẫn đến nhiều khó khăn cho các đơn vị xuất bản, phát hành trong sản xuất và cung cấp sách đến bạn đọc.
Theo Cục, năm học mới 2021-2022 đang đến gần, việc chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, trong đó có sách giáo khoa là cấp bách.
Bên cạnh đó, trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội, các loại sách, tài liệu hướng dẫn chăm sóc sức khỏe (thể chất và tinh thần) trở thành nhu cầu cấp thiết, góp phần cùng cả nước chung tay chiến thắng dịch bệnh.
Nhằm đáp ứng nhu cầu sách giáo khoa và sách chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn 2 thành phố, hỗ trợ các đơn vị xuất bản, phát hành vượt qua khó khăn của dịch Covid-19, Cục đề nghị Sở TT-TT Hà Nội, Sở TT-TT TP.HCM xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền đưa sách giáo khoa và sách hướng dẫn chăm sóc sức khỏe vào nhóm hàng hóa thiết yếu theo thẩm quyền của địa phương trên cơ sở thực hiện công văn của Bộ Công thương về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế, diễn biến từng khu vực, tiếp tục xem xét, kiến nghị cho phép vận chuyển, phát hành các loại sách khác trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội.
Trước đó, ngày 13/8, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã có công văn gửi tới UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển sách giáo khoa kịp thời trước ngày khai giảng.
Đồng thời, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo để kiến nghị các cơ quan liên quan coi sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, được tạo điều kiện thuận lợi trong việc kinh doanh, lưu thông, phân phối đáp ứng nhu cầu của học sinh và giáo viên trong tình hình dịch bệnh hiện nay.