Năm học trong dịch bệnh: Không “nhập nhèm” sách giáo khoa, sách tham khảo

Giúp học sinh tiết kiệm chi phí đầu năm học, nhiều nhà trường đã hướng dẫn để phụ huynh chủ động đi mua đủ, đúng SGK. Đây là việc làm cần thiết, nhất là trong bối cảnh nhiều gia đình gặp khó khăn vì Covid-19.

Ảnh minh họa/ITN

Trước năm học mới, học sinh cần được chuẩn bị đẩy đủ sách giáo khoa và dụng cụ học tập. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều gia đình chỉ lựa chọn mua những gì thật sự cần thiết để tiết kiệm tối đa chi tiêu. Trong bối cảnh này, việc không “nhập nhèm” giữa sách giáo khoa và sách tham khảo càng được quán triệt thực hiện nghiêm.

Chia sẻ của thầy Lê Xuân Thiều, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên), là trường ở vùng khó khăn, với điều kiện của học sinh thì mua được đủ sách giáo khoa đã là đáng mừng. Do đó nhà trường chỉ niêm yết các đầu sách thiết yếu.

“Chúng tôi không gợi ý học sinh mua sách tham khảo vì không cần thiết với đối tượng học sinh của trường. Trong trường hợp cần, các em có thể mượn sách tham khảo ở thư viện. Hiện lượng sách tham khảo dành cho học sinh tiểu học trong thư viện khá phong phú vì nhà trường mới nhận được tài trợ. Tuy nhiên, sách tham khảo cho học sinh THCS vẫn hơi thiếu, chúng tôi đang cố gắng mọi sách để xin hỗ trợ, tăng số đầu sách” – thầy Lê Xuân Thiều chia sẻ.

Trong nhiều năm nay, hầu như học sinh của Trường Tiểu học và THCS Ea Trol không phải mua sách giáo khoa. Thông thường, mỗi đầu năm học, các học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn được phát sách miễn phí. Sau khi học xong, nhà trường mượn lại số sách này để bổ sung cho thư viện. Nếu vào năm học, học sinh nào chưa có sách sẽ được cho mượn từ nguồn này. Nhà trường đã thực hiện tốt nhiều năm nay, và số sách lũy kế giúp đủ cho học sinh, các em không phải mua sách học

Tuy nhiên, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh học chương trình mới phải thay sách, không dùng được số sách cũ. Cộng với điều kiện khó khăn vì dịch bệnh nên hiện nay vẫn còn học sinh của trường bị thiếu sách giáo khoa.

“Một giải pháp được trường tính đến là vận động phụ huynh sử dụng số tiền được nhà nước hỗ trợ chi phí học tập (70 nghìn/tháng/học sinh) để mua sách. Cố gắng học sinh có đủ sách giáo khoa khi bắt đầu năm học mới” – thầy Lê Xuân Thiều cho hay.

Ảnh minh họa/ITN

Tại Trường tiểu học Thụy Sơn, Thái Thụy, Thái Bình, thông tin từ hiệu trưởng Nguyễn Văn Chanh, các thầy cô giáo có trách nhiệm hướng dẫn để phụ huynh chủ động mua đủ, đúng bộ sách giáo khoa, tránh lãng phí; không cần thiết phải mua tài liệu tham khảo. Hiện nay cơ bản học sinh của trường đã đủ sách giáo khoa để học tập.

Liên quan đến nội dung này, ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai cho rằng: Giáo viên có thể xây dựng bài giảng dựa trên chương trình khung đã công bố mà không cần sách giáo khoa; nhưng học sinh thì phải có nguồn học liệu chính thống, có sách, vở, bút viết…

Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT đã có văn bản đề xuất tạo điều kiện sao cho sách giáo khoa, vở viết… được cung cấp sớm đến học sinh thông qua nhiều “kênh”; ví dụ qua các “vệ tinh” tại các làng, xã một cách thuận lợi nhất. Tất nhiên phải đảm bảo công tác phòng dịch. Đặc biệt, hàng năm UBND đều có chương trình bình ổn giá sách (giảm 10% giá bìa). Sách tham khảo theo sau khi có điều kiện.

“Hiện nay, các nhà xuất bản cũng đã giới thiệu các đường link tham khảo dạy và học các bộ sách giáo khoa, đó là điều truyện vời” – ông Võ Ngọc Thạch cho hay.

Bộ GD&ĐT đã có quy định giáo viên không được sử dụng sách tham khảo để dạy học và kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu của chương trình; không được “ép” học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Các nhà trường lựa chọn sách tham khảo mua cho thư viện trường để giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng phải chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

NguồnHải Bình/ Giáo dục & Thời đại
Bài cùng chuyên mục