Áp dụng quản lý người đi đường bằng mã QR thay giấy đi đường

Việc dùng camera tự quét mã QR khai báo y tế bằng phần mềm “di chuyển nội địa” tại các chốt trạm ở TPHCM sẽ giúp phát hiện ngay F0 nếu đi chuyển qua chốt này.

Theo báo SGGP, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, hiện đơn vị triển khai việc dùng camera tự quét mã QR khai báo y tế bằng phần mềm “di chuyển nội địa” ở trên địa bàn.

Thượng tá Hà chia sẻ, đơn vị đã liên hệ với các đơn vị cung ứng thiết bị camera… và sẽ triển khai trong thời gian tới. Ban Giám đốc Công an TPHCM yêu cầu rà soát lại các đơn vị cung ứng để phối hợp việc kiểm soát người dân qua việc sử dụng camera tự quét mã QR khai báo y tế bằng phần mềm “di chuyển nội địa” để thuận tiện. Trong vài ngày nữa đơn vị sẽ triển khai tới các chốt trạm trên địa bàn TPHCM.

Mục đích việc khai báo bằng mã QR thay giấy đi đường nhằm thống kê số lượng người dân đi qua các chốt, có thông tin để có thể truy vết F0, F1.

Để quét kiểm tra hiệu quả, Công an TP phải cập nhật danh sách cấp giấy và danh sách đối tượng không thuộc diện đi đường mà không cấp giấy. Thuận lợi cho việc quét, kiểm tra nếu có dữ liệu so sánh thì lực lượng sẽ biết được người tham gia giao thông có được cấp giấy đi đường hay không hoặc được phép lưu thông hay không. Chính vì vậy, nếu có danh sách thì công an không cần phải kiểm tra giấy cũng có thể kiểm soát được. Muốn là được điều này thì phải cập nhật được danh sách được phép lưu thông và số được trong diện được phép lưu thông.

Khi có danh sách đó thì khi người dân đi ra đường lý do đúng hay không thì lực lượng sẽ biết. Đồng thời, lực lượng có dữ liệu về F0 nếu đi ra đường sẽ biết ngay hoặc là trường hợp cách ly cũng vậy. Khi người dân cập nhật vào, khi quét mã QR thì sẽ liên về cơ sở dữ liệu cá nhân của người dân và sẽ đưa đầy đủ thông tin: CMND, mã định danh cá nhân…Khi quét ra thì sẽ ra các thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia thì máy tính tại chốt sẽ báo cho lực lượng biết đi đúng khai báo trước đó hay không.

Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM thông tin, trước đó lực lượng đã phát hiện 1 số trường hợp F0. Thời điểm đó, lực lượng chưa có trang thiết bị khi người dân đi qua các chốt trạm quét nhưng không phát hiện. Sau đó, lực lượng đã rà lại phát hiện sau chứ không phải tại chốt. Việc ứng dụng dùng camera tự quét mã QR khai báo y tế bằng phần mềm “di chuyển nội địa” lực lượng sẽ phát hiện ngay tại chốt, trạm.

Số lượng xét nghiệm y tế cập nhật rất khó và lớn. Nếu tích hợp vào cả xét nghiệm vào nữa thì lực lượng sẽ kiểm soát được hết. Chỉ cần khai báo y tế là lực lượng đã biết được xét nghiệm ngày nào. Tuy nhiên, bây giờ chưa có đồng bộ được vì đòi hỏi thời gia, đồng bộ các sở ngành cung cấp thông tin.

Về việc thu hồi giấy đi đường thì thượng tá Hà nếu người tham gia lưu thông trên đường bị kiểm tra không đúng đối tượng hoặc giấy giả…thì sẽ thu hồi xử lý.

Thượng tá Hà cho biết thêm, thực ra với mã QR thì người dân chỉ cần khai báo 1 lần (dùng được 3 ngày) để di chuyển. Không phải là ngày nào ra đường cũng khai. Chỉ khi hết 3 ngày người dân mới khai lại. Khai 1 lần lưu lại rồi dùng trong 3 ngày.

Nhìn chung việc khai báo diễn ra nhanh chóng và thuận tiện cho người dân lẫn cán bộ túc trực tại chốt. Việc quét mã QR tự động bằng camera giúp cán bộ tại chốt và người dân không tiếp xúc nhau, hạn chế lây lan dịch bệnh. Đây là giải pháp an toàn cho cả người dân và lực lượng cán bộ, tránh tiếp xúc gần.

Theo thông tin từ Công an TPHCM, tính đến ngày 2/9, đơn vị đã tiếp nhận danh sách của 58.649 trường hợp/113.906 trường hợp đã được cấp giấy đi đường do Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC08), Công an TPHCM cấp giấy đi đường; 480 trường hợp đã được cấp huyện và cấp xã cấp giấy đi đường, 234 trường hợp miễn cấp giấy đi đường.

Tại Hà Nội, ngày 3/9, Công an TP Hà Nội đã phát đi văn bản hỏa tốc gửi chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã… về việc chuẩn bị các điều kiện cần, sẵn sàng phối hợp với Công an TP trong triển khai phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện.

Công an TP Hà Nội đã hoàn thành và từng bước triển khai phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện cho người đủ điều kiện tham gia giao thông qua mã QR Code trên địa bàn TP (gọi tắt là phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện).

Công an TP đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tập trung nguồn lực, chủ động chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, trang thiết bị, cơ sở vật chất để sử dụng phần mềm này.

Cảnh sát Hà Nội kiểm tra giấy đi đường của người dân

Theo dự kiến, quy trình tiếp nhận, xét duyệt và cấp giấy đi đường có nhận diện với tổ chức, doanh nghiệp gồm các bước:

Các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký thông tin qua cảnh sát khu vực. Cán bộ xã, phường, thị trấn tiếp nhận thông tin được thẩm định từ cảnh sát khu vực và nhập đăng ký của tổ chức, doanh nghiệp. Hệ thống sẽ gửi mail xác nhận trả về tổ chức, doanh nghiệp.

Tổ chức, doanh nghiệp gửi mail danh sách cán bộ, công nhân viên và đính kèm tài liệu liên quan theo quy định. Cán bộ xã, phường, thị trấn duyệt hoặc từ chối duyệt danh sách (trường hợp không được duyệt, hệ thống sẽ gửi mail thông báo lại cho tổ chức, doanh nghiệp); sau đó cán bộ xã, phường, thị trấn gửi lại giấy đi đường được duyệt cho công an xã, phường, thị trấn đóng dấu xác nhận.

Cảnh sát khu vực sẽ gửi lại giấy đi đường đã được duyệt, đóng dấu cho tổ chức, doanh nghiệp cấp, phát cho cán bộ, công nhân viên.

Với cá nhân: Cá nhân phải đăng ký với cảnh sát khu vực của xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Cảnh sát khu vực tiếp nhận, thẩm định lại thông tin và gửi danh sách cho cán bộ xã, phường, thị trấn để xét duyệt hoặc từ chối duyệt.

Cán bộ xã, phường, thị trấn sẽ gửi lại giấy đi đường được duyệt cho công an xã, phường, thị trấn đóng dấu xác nhận. Cảnh sát khu vực sẽ gửi lại giấy đi đường đã được duyệt, đóng dấu cho cá nhân theo địa bàn quản lý.

Về việc cấp thẻ đi chợ, siêu thị, cảnh sát khu vực sẽ lập danh sách các hộ gia đình theo địa bàn xã, phường, thị trấn quản lý; cảnh sát khu vực gửi danh sách cho cán bộ xã, phường, thị trấn để xét duyệt hoặc từ chối duyệt.

Ngoài ra, cán bộ xã, phường, thị trấn gửi lại thẻ đi chợ, siêu thị được duyệt cho công an xã, phường, thị trấn đóng dấu xác nhận. Cảnh sát khu vực sẽ gửi lại thẻ đi chợ, siêu thị đã được duyệt, đóng dấu cho đại diện hộ gia đình theo địa bàn quản lý.

Trước đó, ngày 29/8, UBND TP Hà Nội giao Công an TP nghiên cứu, quy định rõ đối với từng loại hình (doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị) được cấp giấy đi đường.

Nguồn Nguyễn Triệu/ Doanh nhân Việt Nam
Bài cùng chuyên mục