Phụ huynh xoay xở mua đồ dùng học tập cho con, “té ngửa” phí ship 182.000 đồng

Nhiều phụ huynh cho biết không thể mua được đồ dùng học tập và thiết bị học online cho con, có nơi giao chậm hoặc phí ship cao.

Bị từ chối vì không có hàng, phí ship cao

Năm học mới 2021-2022 đã chính thức bắt đầu nhưng một số phụ huynh vẫn rối bời vì con không đủ đồ dùng học tập. Nhiều người cho biết, các hiệu sách đóng cửa khó mua, mua lẻ vài quyển vở, bút, thước nên không tiện mua online hoặc có người mua số lượng nhiều thì phí ship cao. Một số nơi từ chối vì không có hàng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Thịnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Do sách giáo khoa mua ở trường nên đầu năm con đã có sách học. Tuy nhiên, việc mua đồ dùng học tập cho con vô cùng khó khăn trong khi bút hỏng, mực và vở hết, lại không được đi lại. Tôi có đặt online, gần 1 tuần sau mới nhận được hàng”.

Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Minh Đạt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, đầu tháng 9 quyết định mua cho con 1 chiếc laptop để thuận tiện cho việc học online. Anh Đạt có 2 con, nhà chỉ có 2 máy tính, trong khi vợ chồng anh cũng cần phải làm việc ở nhà. Anh đặt mua online ở nhiều siêu thị điện máy đều báo hết hàng các loại máy dưới 15 triệu đồng. “Nhiều người gợi ý tôi mua máy tính cũ, tôi không muốn vì khó đáp ứng được nhu cầu sử dụng”, anh Đạt cho hay.

Một phụ huynh mua vở cho con mất phí ship 182.000 đồng. Ảnh: NVCC

Hay một trường hợp khác đặt mua đồ dùng thì giật mình vì mức phí ship quá cao. Trao đổi với PV báo Dân Việt, một phụ huynh ở quận Đống Đa nói: “Ngày 5/9 tôi có đặt mua nhiều loại vở học sinh trên mạng với số tiền hơn 1 triệu đồng. Sau khi chọn xong sản phẩm thì tôi không tin vào mắt mình vì số tiền ship là 182.000 đồng. Mặc dù đang cần cho con học nhưng tôi đành tìm đơn vị cung cấp khác”.

Khó khăn trong khâu vận chuyển

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Viết Quân, phụ trách truyền thông Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà cho biết, các đơn vị kinh doanh, phát hành sách không can thiệp gì về phí vận chuyển.

Ông Quân cho hay: “Tiền ship lên tới 182.000 đồng/đơn là cao, trong thời điểm hiện tại thì nhiều khách hàng khác cũng gặp phải. Các đơn vị vận chuyển đang quá tải, thường không nhận những mặt hàng trên 5kg. Vì vậy, khách hàng nên ưu tiên chọn mặt hàng thiết yếu trước và chia sẻ đơn hàng để không bị từ chối hoặc mất phí cao”.

Chia sẻ thêm về việc cung cấp đồ dùng học sinh đầu năm, ông Quân cho biết: “Sức mua trong 1 tuần qua tăng cao, mỗi ngày chúng tôi có tới hơn 1.000 đơn, song việc giao nhận hàng cũng gặp khó khăn. Nếu như trước đây chỉ cần 1, 3 ngày là người mua có thể nhận được hàng thì bây giờ phải 4, 5 ngày”.

Các cửa hàng sách và siêu thị điện máy đóng cửa gây khó khăn cho việc học đầu năm của học sinh. Ảnh minh họa: ADCbook

ại diện nhà sách ADCbook cũng chia sẻ, nhiều đơn đặt mua đồ dùng học tập của học sinh đơn vị này phải từ chối vì hàng nằm trong kho hoặc ở các hiệu sách nên không thể lấy được do giãn cách xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, chủ cửa hàng văn phòng phẩm ở Kim Ngưu, Hà Nội thì bày tỏ: “Đến ngày 6/9 nhiều đơn vị thông báo ngừng cung cấp hàng cho chúng tôi vì đây không phải là mặt hàng thiết yếu, doanh thu giảm đi 50% so với trước đây”.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam chia sẻ về tình hình cung cấp SGK: “Đến trước ngày khai giảng, việc cung ứng SGK ở nhiều địa phương vẫn rất khó khăn. NXB từ rất lâu đã triển khai các giải pháp như thiết lập tổng kho tạm thời tại các địa phương ít ảnh hưởng của dịch bệnh để vận chuyển sách từ các nhà in đối tác phát hành, từ đó vận chuyển đến các nhà trường. Do SGK chưa chính thức công nhận là mặt hàng thiết yếu nên tại một số tỉnh, chúng tôi vẫn phải trao đổi với các cơ quan quản lý để sớm vận chuyển sách đến học sinh”.

Với SGK lớp 2, lớp 6, ông Tùng cho biết, hiện 90% đã chuyển về các địa phương. Nhiều địa phương nhận được, nhưng vẫn còn hiện tượng một số nơi, một số trường thiếu sách cục bộ.

Trao đổi với PV về sự khan hiếm hàng cũng như khó khăn trong khâu vận chuyển thiết bị điện tử, ông Trần Tùng Minh, Giám đốc Kinh doanh ngành hàng laptop, Cty CP MediaMart Việt Nam cho biết, từ cuối tháng 8 đến ngày 6/9, sức mua các mặt hàng phục vụ cho học tập của học sinh tăng gấp 3 lần. Các gia đình quan tâm nhiều nhất đến laptop với mức giá khoảng 15 triệu đồng vì sử dụng thuận tiện và lâu dài, sau đó là mặt hàng iPad.

“Ở Hà Nội, chúng tôi không đủ hàng để cung cấp vì không nhập được hàng cũng như không giao được trực tiếp cho khách. Chúng tôi mong muốn đồ công nghệ vào danh sách mặt hàng thiết yếu để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh như ở một số địa phương và có thể cho nhân viên đi giao lắp vì đây là thiết bị điện tử có giá trị lớn, cần hỗ trợ kỹ thuật”, ông Minh chia sẻ.

NguồnTào Nga/ Dân việt
Bài cùng chuyên mục