Mua bánh trung thu online, đề phòng hàng kém chất lượng

Do ảnh hưởng của dịch Coivd-19, hiện nay, không còn cảnh những gian hàng bánh trung thu tấp nập người mua vào những ngày đầu tháng 9 (gần rằm tháng 8 âm lịch) mà thay vào đó, người tiêu dùng đã chuyển hướng sang mua bánh trung thu trên các kênh bán hàng trực tuyến, các sàn thương mại điện tử.

Thị trường bánh trung thu online sôi động

Cả nước hiện nay có khoảng 2/3 các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Chính vì vậy, trên các tuyến phố không còn các cửa hàng bán bánh trung thu lưu động như các năm về trước mà các nhà cung cấp bánh trung thu lại đẩy mạnh kênh bán hàng online tạo nên một thị trường bánh trung thu online khá sôi động.

Nhiều hãng sản xuất bánh trung thu truyền thống đẩy mạnh kênh bán online

Nhiều tên tuổi sản xuất bánh kẹo trung thu truyền thống lâu năm gắn bó với tuổi thơ của nhiều 8X, 9X như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà,… hiện đẩy mạnh kênh bán hàng online thông qua website của hãng hoặc các sàn giao dịch điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…với sản phẩm rất phong phú, giá cả cũng đa dạng, phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng.

Mức giá bánh của các hãng truyền thống trung bình dao động từ 50.000-80.000 đồng/chiếc. Đối với các dòng bánh cao cấp thì mỗi sản phẩm dao động từ 200.000-350.000 đồng/ chiếc. Với lựa chọn hộp bánh trung thu với họa tiết trang trí bắt mắt, lịch sự thì giá mỗi sản phẩm từ 250.000 đến trên 1 triệu đồng/hộp.

Bên cạnh những hãng bánh trung thu nổi tiếng thì người tiêu dùng còn có thêm lựa chọn với mặt hàng bánh trung thu nhập khẩu chủ yếu từ Đài Loan, Hồng Kông, hay bánh handmade bán trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram,… với giá cả và chất lượng phong phú.

Mùa bánh trung thu năm nay trùng với đợt giãn cách xã hội ở nhiều địa phương, nhiều gia đình, cha mẹ và con cái đều ở nhà, làm việc online nên sẽ có nhiều thời gian cho gia đình. Nắm bắt xu hướng đó, nhiều cửa hàng online cũng cung cấp các combo nguyên liệu làm bánh nướng, bánh dẻo từ vỏ cho đến các loại nhân; dụng cụ, thiết bị làm bánh trung thu… Chỉ cần gõ từ khóa “dụng cụ làm bánh trung thu” hay “nguyên liệu làm bánh trung thu” trên google thì sẽ có kết quả là hàng chục trang web rao bán đủ loại dụng cụ và nguyên liệu để làm bánh trung thu rất dễ dàng và tiện lợi, tiết kiệm thời gian.

Không chỉ dừng lại đó, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều tài khoản cá nhân cũng đăng tải thông tin về lớp học làm bánh trung thu online. Chỉ cần bỏ ra từ 200.000 đến 800.000 đồng là có thể đăng kí dễ dàng. Người hướng dẫn những khóa học này chủ yếu là các chủ tiệm bánh online hoặc giáo viên của trung tâm dạy nghề tranh thủ thời gian khi nghỉ dạy do dịch bệnh.

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng gây khó khăn không ít tới việc mua/bán bánh trung thu. Tùy tình hình dịch bệnh mà ở mỗi địa phương, hoặc ngay trong thành phố, tỉnh thì mỗi quận huyện lại có chính sách về vận chuyển, vận tải khác nhau. Điển hình như, TP. Hà Nội, từ ngày 6/9, nhiều cửa hàng bán bánh online trong vùng nội đô đã hạn chế nhận đơn từ các khu vực khác và đi tỉnh.

Cẩn thận với bánh trung thu không rõ nguồn gốc

Mua hàng online đang là xu thế hiện nay, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19. Đối với mặt hàng bánh trung thu người tiêu dùng mua online cần hết sức cẩn thận, đặc biệt lưu ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian gần đây, lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, thu giữ nhiều lô bánh trung thu không có hóa đơn, chứng từ, rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bánh trung thu dán mác tên nước ngoài bán tràn lan với giá rẻ

Điển hình ngày 10/8, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra và xử lý cơ sở kinh doanh thực phẩm tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc và phát hiện 128 chiếc bánh trung thu do Trung Quốc sản xuất, không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa đang được bày bán. Ngày 20/8, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ 1 xe tải lợi dụng xe ưu tiên hoạt động ở phần luồng xanh để vận chuyển gần 10 tấn bánh trung thu do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hơn 200.000 chiếc bánh Trung thu đã bị cơ quan chức năng thu giữ để mang đi tiêu hủy. Tại Thái Nguyên, lực lượng quản lý thị trường tỉnh này cũng liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ vận chuyển các mặt hành phục vụ Trung thu như gần 2.500 gói bánh trung thu và một số bánh, kẹo khác.

Trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với nhóm hàng thực phẩm theo mùa vụ để từ đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường cũng sẽ tăng cường công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm, nhất là đối với bánh trung thu sản xuất theo phương thức cổ truyền, nguồn gốc nước ngoài.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đưa ra khuyến cáo cho người dân khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu. Theo đó, để đảm bảo an toàn thực phẩm, người dân mua bánh trung thu cần chú ý tới nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản,… Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập; bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng và có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất cũng như hướng dẫn sử dụng, bảo quản.

Đáng lưu ý, sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng lưu ý người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu website gồm tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế; Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về điều kiên giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Đặc biệt, nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Người mua hàng tuyệt đối không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.

NguồnHà An/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục