Quê tôi mùa dịch

Tôi cứ nghĩ mà thương miền Tây của mình, thương đời sống cơ cực của người nông dân chân lắm tay bùn trong cuộc mưu sinh đã phải hứng chịu biết bao khó khăn, gian khổ. Hết những ngày hạn mặn đồng khô năm ngoái lại đến mưa lũ kéo dài, bình yên được ít lâu lại phải gồng mình chống dịch.

Chưa bao giờ miền Tây của tôi lại buồn như những ngày đại dịch Covid vẫn còn diễn biến phức tạp và số ca nhiễm chưa có xu hướng ngưng lại. Miền Tây với những thị thành sầm uất, những miền quê thanh bình tưởng chừng như chẳng có gì đáng để người ta phải âu lo… giờ đây nơm nớp lo sợ “con quái vật” corona đang hoành hành. Thị thành vắng teo. Miền quê lại càng heo hút.

Tôi vẫn nghĩ miền Tây bao dung, hễ mệt nhoài giữa thị thành thì về miền Tây sống đời thanh đạm, cá dưới ao, rau trong vườn, buồn buồn ngồi bên bờ sông nghe người đàn ông từng trải kéo đờn cò mà đứt từng đoạn ruột. Ấy vậy mà những ngày dịch bệnh tràn xuống miền Tây, người phố không thể về quê, người ở quê thì không dám rời nhà, chuyện tròng trành trên chiếc xuồng con hái lục bình, ngắm cảnh sông nước… chỉ còn trong những lời ca, trong câu chuyện về “xứ sông nước” quen thương của một người đem lòng yêu miền Tây da diết.

Ảnh minh họa

Tuân thủ mọi biện pháp phòng chống dịch bệnh! Đó là điều mà chúng ta nhất thiết phải làm ngay trong lúc này. Ở yên tại chỗ là biểu hiện của yêu thương con người, yêu đất nước. Chưa bao giờ tôi thấy miền Tây của mình đồng lòng, quyết tâm như thế. Hầu hết người miền Tây một lòng thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ với giấc mơ một ngày không xa dịch sẽ lùi xa.

Chị tôi nhắn tin, đùa: “Ở thành phố coi vậy mà cực hơn ở quê, ở thành phố giãn cách thì chỉ ở nhà, rau cá muốn ăn phải mua, có khi còn thiếu. Ở quê, tuy giãn cách nhưng vẫn có thể đi ra vườn, hái cọng rau, câu con cá. Bữa ăn cũng đầy đủ hơn!”. Mà thật vậy, ở quê chỉ cần ra vườn ngồi câu tí xíu, hái mấy đọt nhãn lồng, đọt lang, rau muống… là có bữa cơm đạm bạc, bổ khỏe mà không phải tốn tiền, không sợ thuốc trừ sâu, cũng chẳng phải ra phố tìm mua để rồi “corona” rình rập, đe dọa. Những ngày giãn cách, ở quê có lẽ là điều tuyệt vời nhất. Chẳng những được ăn uống thoải mái những món ăn “cây nhà lá vườn” mà còn được sống bên người thân, dành thời gian để chăm sóc cho gia đình sau những ngày bôn ba nơi xứ người, với bao điều lo âu, trăn trở.

Nhưng không phải vì thế mà tìm mọi cách để về quê, để được an trú. Bởi về quê lúc này là mang mối lo ngại về cho mảnh đất thân thương vốn dĩ an bình của mình. Thôi thì hãy để miền Tây bình an trong trái tim, ở đâu thì yên đấy nếu chúng mình muốn mau chóng được về “úp mặt vào sông quê”. Bằng cách suy nghĩ tích cực và thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, rồi một ngày không xa thành thị sẽ rộn ràng như xưa, miền quê sẽ lại yên bình đúng nghĩa mà không nơm nớp âu lo. Bên này – bên kia sông rồi sẽ lại chan hòa nghĩa tình, cút rượu nâng lên cùng lời ca ngọt bùi mang hồn sông nước. Với sự đồng lòng của người dân và sự hy sinh đáng trân trọng của những “thiên thần áo trắng”, “chiến sĩ áo xanh”, của lớp trẻ xông pha ra tuyến đầu chống dịch…, nhất định một ngày không xa miền Tây của tôi sẽ “khỏe lại” theo cái cách mà chúng tôi vẫn thường nói đùa với nhau, Tổ quốc mình rồi sẽ vững vàng bước qua đại dịch Covid và tiến về phía trước.

Miền Tây ơi, đất nước tôi ơi! Rồi trời sẽ lại xanh, không khí sẽ lại trong lành, an vui và yên bình sẽ trở về sau ngày dịch dã…

NguồnHoàng Khánh Duy/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục