Đồ chơi Trung thu: Kênh online cũng bị ngó lơ

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các cửa hàng bán đồ chơi đều phải đóng cửa, nhiều tiểu thương nhanh chóng chuyển sang kênh bán hàng online. Dù vậy, thị trường đồ chơi Trung thu năm nay cũng không thoát khỏi cảnh ế ẩm.

Ảnh minh họa

Giảm giá, bán online nhưng vẫn ế

Cứ mỗi dịp cận kề Tết Trung thu, những con phố đồ chơi nổi tiếng của Hà Nội như Lương Văn Can, Hàng Mã… đều sẽ trong tình trạng tấp nập người ra vào mua bán, hình ảnh đường phố đông kín người vào mỗi độ gần ngày Rằm tháng 8 vốn đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô.

Tuy nhiên năm nay do thành phố đang thực hiện lệnh giãn cách xã hội vì dịch bệnh, các con phố đều im lìm, cửa hàng đóng hoàn toàn. Trước tình cảnh đó, nhiều tiểu thương đã nhanh chóng tìm đến các kênh bán hàng online như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… để vớt vát được phần nào doanh thu.

Dạo một vòng trên một số sàn thương mại điện tử, có thể thấy các loại đồ chơi Trung thu đều đã xuất hiện với đa dạng mẫu mã, nhưng đều có điểm chung là giá thành đã giảm so với mọi năm.

Cụ thể, mùa Trung thu năm trước đèn ông sao loại nhỏ có giá từ 15.000 – 20.000 đồng/chiếc nay chỉ còn 5.000 đồng/chiếc; loại lớn có giá dao động từ 50.000 – 70.000 đồng/chiếc nay chỉ còn trên dưới 30.000 đồng/chiếc; đèn lồng truyền thống năm trước giá từ 100.000 đồng/chiếc nay chỉ còn trên dưới 50.000 đồng/chiếc.

Bên cạnh đó, các loại mặt nạ giấy bồi mọi năm có giá từ 35.000 – 70.000 đồng hiện đang được đăng bán trên các sàn thương mại điện tử với giá từ 15.000 – 30.000 đồng/chiếc. Theo khảo sát, các bộ đồ chơi liên quan đến chủ đề Trung thu cũng giảm từ 20% – 50%.

Chị Diễm Quỳnh, một tiểu thương trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, mọi năm những ngày này cả gia đình đều đang tất bật từ sáng đến tối để làm các loại đèn trang trí, mâm ngũ quả… doanh thu mỗi ngày có thể lên tới hàng triệu đồng, đặc biệt mọi năm cửa hàng đều nhận được đơn hàng đặt từ các đoàn thanh niên, hội nhóm tổ chức Tết Trung thu cho thiếu nhi ở bệnh viện, trường học, khu dân cư… Tuy nhiên năm nay tất cả đều phải ngừng lại vì dịch bệnh.

Dù đã nhanh trí mở gian bán hàng trên sàn thương mại điện tử, và tích cực đăng bài bán hàng trên Facebook nhưng lượng hàng bán được không là bao, việc vận chuyển cũng hạn chế nên đồ bán rất chậm.

Không chỉ các khu phố đồ chơi, tình cảnh ảm đạm cũng xảy đến ở làng nghề làm đồ chơi nổi tiếng. Ông Vũ Huy Đông, người dân làm đồ chơi lâu năm tại xã Liêu Xá (Hưng Yên) cho biết: “Mọi năm, đơn hàng đều được đặt trước từ đầu tháng 7 âm lịch, cả xưởng phải làm luôn tay từ sáng đến khuya cho kịp tiến độ. Thế nhưng năm nay, đến đầu tháng 8 âm lịch mới lác đác vài đơn hàng nhỏ, thu nhập không đáng là bao. Nhiều thanh niên trong làng cũng vì thế mà bỏ công việc này, tìm cách khác kiếm thêm thu nhập”.

Giải thích cho tình trạng ế ẩm năm nay, nhiều tiểu thương cho biết đa phần các gia đình đều đang lo cho con học online, cũng phần vì ở nhà không đi đâu, cắt giảm chi tiêu không cần thiết nên số lượng đặt đồ chơi giảm mạnh.

Cẩn thận lựa chọn đồ chơi cho trẻ

Các món đồ chơi Trung thu đang xuất hiện ồ ạt trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, đủ mọi mẫu mã, xuất xứ, chức năng khác nhau và cũng đủ mọi mức giá. Không khó để bắt gặp các sản phẩm làm nhái lại thương hiệu đồ chơi nổi tiếng với mức giá rẻ từ 2-3 lần.

Lợi dụng sự cả tin của người mua, nhiều đối tượng cũng đã trà trộn các sản phẩm kém chất lượng để rao bán. Mới đây, Cục Quản lý thị trường Nam Định đã phát hiện và triệt phá một kho đồ chơi có diện tích trên 300m2, với hàng chục nghìn đồ chơi các loại lớn nhất trừ trước đến nay.

Tại thời điểm kiểm tra, quản lý kho hàng chưa xuất trình được các giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp của kho hàng.

Qua kiểm đếm sơ bộ, lực lượng chức năng ước tính có hàng chục nghìn sản phẩm từ súng ống, đồ chơi điều khiển, búp bê, bộ đồ chơi siêu nhân, bộ đồ chơi ô tô chạy pin… dành cho trẻ em. Những món đồ này chuẩn bị được tung ra thị trường trong dịp Tết Trung thu sắp tới.

Toàn bộ số hàng hóa trên có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trên bao bì hàng hóa có cụm từ “Made in China”, không có tem hợp quy từng sản phẩm.

Hiện kho hàng đang được niêm phong để thực hiện quá trình kiểm đếm, phân loại sản phẩm, các dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã phát hiện một xe vận chuyển hơn 1.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại bằng nhựa có hình dạng khác nhau như: Lồng đèn, máy bay, xe ô tô, xe cảnh sát… hình súng, hình kiếm; hơn 80 đôi dép quai hậu và balo các loại.

Toàn bộ hàng hóa trên đều do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo Tết Trung thu an toàn, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thu Trà (Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Gia đình tôi đã từng mua phải những món đồ chơi kém chất lượng trong dịp Trung thu, sau khi mua về, chỉ sử dụng được vài lần đột nhiên các thiết bị điều khiển đều không hoạt động. Chính vì vậy, tôi chuyển sang tìm những kênh bán hàng, cửa hàng có uy tín hơn. Mặc dù giá thành sẽ đắt hơn gấp 2-3 lần nhưng chất lượng sẽ đi kèm với giá cả”.

Các chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo, nhiều loại đồ chơi không rõ nguồn gốc thường được làm từ nhựa kém chất lượng, kim loại pha chì, rất độc hại khi dùng. Chính vì vậy, người dân không nên ham mua đồ chơi giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ cho trẻ em.

Khi chọn đồ chơi cho con trẻ, phụ huynh nên lưu ý tới nhãn mác, xuất xứ, thành phần của sản phẩm, xem có chất gây hại cho trẻ hay không. Đồng thời nên chọn các thương hiệu đồ chơi uy tín, chất lượng để đảm bảo an toàn.

NguồnHà Chi/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục