TP. Hồ Chí Minh: Đề xuất cho xe buýt, taxi, ôtô công nghệ hoạt động trở lại

Sở Giao thông-Vận tải TP.HCM vừa đề xuất cho xe buýt, taxi, ôtô công nghệ, xe hợp đồng, xe du lịch hoạt động trở lại từ ngày 1/10 với số lượng, tần suất hoạt động phù hợp với thực tế.

Theo Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM, cho đến thời điểm hiện nay, các loại hình giao thông vận tải đường bộ được phép lưu thông trên địa bàn TP.HCM gồm xe công vụ, các loại phương tiện vận tải có giấy nhận diện (QR Code) được phép lưu thông vào thành phố hoặc lưu thông xuyên qua thành phố; ô tô, xe mô tô, xe hai bánh của tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan nhà nước (công chức, viên chức, người lao động), lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch và các mục đích công vụ; xe đưa rước người dân thành phố về quê theo kế hoạch; xe đưa rước công nhân, chuyên gia đối với các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “1 cung đường – 2 địa điểm”…

Xe buýt sẽ được hoạt động trở lại tại TP.HCM từ ngày 1/10

Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết, trong thời gian qua trên địa bàn thành phố chỉ có 600 ô tô taxi gồm 300 xe taxi Mai Linh và 300 xe Vinasun lưu thông vào khu vực nội đô thành phố. Đây là những phương tiện sở đã triển khai và cấp giấy nhận diện có mã QR được dán trên kính xe hoạt động của xe taxi được cấp phép trong thời gian TP.HCM thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg để hỗ trợ y tế đưa đón người dân đến, đi từ các trung tâm cách ly thông qua sự điều động của ngành y tế; vận chuyển người dân từ nhà đến bệnh viện, trung tâm y tế, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất hoặc ngược lại… Tổng cộng từ ngày 24/6 đến ngày 22/9, 2 đơn vị taxi Mai Linh và Vinasun đã phục vụ 404.469 chuyến; Vận tải đưa đón người chống dịch từ ngày 20/7 đến ngày 22/9 là 2.690 lượt xe vận chuyển 40.831 khách; Phối hợp các bệnh viện vận chuyển người khỏi bệnh về nhà từ ngày 21/7 đến ngày 22/9 là 171.171 bệnh nhân; Từ ngày 19/7 đến ngày 22/8 đã tổ chức 185 chuyến bán hàng bình ổn giá bằng xe buýt.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá và vận chuyển một số đối tượng cần thiết, có nhu cầu lưu thông thường xuyên giữa TP.HCM và các tỉnh, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải TP.HCM thông báo, đơn vị này đã xây dựng dự thảo phương án tổ chức giao thông, áp dụng từ ngày 1/10. Trong đó, sở đề xuất cho hoạt động vận tải hành khách, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ (sử dụng hợp đồng điện tử), xe hợp đồng và xe du lịch phục vụ hoạt động du lịch được phép hoạt động với số lượng, tần suất hoạt động phù hợp với thực tế.

Việc tổ chức giao thông sau ngày 1/10 dự kiến được chia theo 3 khu vực là phong tỏa, nguy cơ và bình thường mới. Đối với khu vực phong tỏa, các loại phương tiện gồm xe công vụ, xe chống dịch, xe chở hàng hóa (lương thực, thực phẩm, gas, dược phẩm, thiết bị y tế, thiết bị hỗ trợ ngành y tế, điện, nước), xe xử lý sự cố hệ thống hạ tầng đô thị, xe tang lễ được phép hoạt động. Ngoài ra, xe chở nhân viên y tế, người phục vụ phòng chống dịch, người kết thúc thời gian cách ly, người bệnh Covid-19, người xuất viện về nơi cư trú cũng được phép hoạt động tại khu vực này.

Đối với khu vực nguy cơ, ngoài các loại xe được phép lưu thông tại khu vực phong tỏa, các loại phương tiện khác được di chuyển gồm môtô công nghệ giao nhận hàng hóa (shipper); xe vận chuyển hàng hoá, dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp; xe chở thiết bị, vật liệu phục vụ xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật được phép thi công; taxi được Sở Giao thông-Vận tải cấp phép hoạt động (có mã QR); xe đưa người dân TP.HCM về quê và xe đón người dân từ quê trở lại TP. HCM theo kế hoạch; xe vận chuyển công nhân, chuyên gia được Sở Giao thông-Vận tải cấp phép hoạt động (có mã QR).

Đối với khu vực bình thường mới, ngoài các loại xe được phép lưu thông tại khu vực nguy cơ, bổ sung thêm xe buýt và xe khách hợp đồng; bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và tuyến du lịch đường thủy. Đối với xe khách hợp đồng sẽ được Sở Giao thông-Vận tải cấp phép hoạt động có mã QR để kiểm soát số lượng. Riêng xe buýt chỉ được hoạt động trên từng tuyến cụ thể.

Riêng với hoạt động vận tải hàng hóa, tại khu vực nguy cơ, khu vực bình thường mới cho phép xe tải nhẹ (có khối lượng chuyên chở đến 2.500 kg) chở hàng hóa được phép hoạt động 24/24 giờ. Các xe tải nặng (có khối lượng chuyên chở trên 2.500 kg, máy kéo, xe máy chuyên dùng…) hoạt động tuân thủ theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND của UBND TP.HCM. Đối với hoạt động vận tải hành khách, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ (sử dụng hợp đồng điện tử), xe hợp đồng và xe du lịch phục vụ hoạt động du lịch được phép hoạt động với số lượng, tần suất hoạt động phù hợp với thực tế.

“TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì hoạt động chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra vào thành phố gồm 12 chốt chính và 49 chốt phụ. Các chốt này kiểm tra mục đích vận chuyển hàng hóa đối với xe tải chở hàng, kiểm tra giấy nhận diện có mã QR của xe vận chuyển công nhân, chuyên gia, xe khách hợp đồng phục vụ du lịch, xe taxi”, ông Trần Quang Lâm cho biết.

NguồnMinh Lâm/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục