Chiều quê đi giữa rơm vàng

Bất chợt giữa mùa gặt, tôi lang thang trong chiều với những con đường quê trải đầy rơm vàng. Lòng chưa định hướng gì khi dắt xe ra khỏi nhà. Nhưng rồi, như có gì đó thôi thúc từ sâu thẳm hồn mình, để rồi những vòng bánh xe hướng về những xóm làng đang ngập trong rơm, trong lúa mới gặt về. Và, khi chiều dần đi về đêm, tôi càng cảm nhận rõ ràng hơn cái gần gũi đến diệu kỳ của từng sợi rơm, từng chút hương lúa chín phả vào nơi đầu mũi.

Nhà có hơn hai sào ruộng nhưng đã không trồng lúa từ hơn 5 năm rồi, nên trong tôi cứ lơ lửng một nỗi niềm khó tả khi mắt chạm vào những đám lúa trĩu hạt hai bên đường trên một miền quê nào đó lúc mùa gặt về. Và mùa này cũng vậy. Từ lúc màu vàng của lúa chín trải đều dọc theo hai bên quốc lộ, lòng cái thằng gốc gác nhà quê như tôi lại thấy âm ĩ một niềm vui rộn rã đợi chờ. Vì những năm nhà làm ruộng, giờ là lúc ba mẹ và anh chị em chúng tôi tất bật lo những việc xung quanh những ruộng lúa sắp gặt. Nào là mượn người cùng gặt, nào là thuê máy tuốt, nào là lo tháo nước từ ruộng để cá xuống ao cho dễ bắt.

Minh họa: Trà My

Rơm vàng dẫn tôi vào chiều muộn, vào sâu hơn trong từng thôn xóm, từng nóc nhà, từng khoảng sân gạch nhỏ đầy rơm và cũng đầy lúa. Như đứa trẻ ngây thơ tìm về bầu sữa mẹ, tôi cứ thả cho lòng rong ruổi với rơm, với những ngọn gió rì rào bờ tre thơm hương rạ mới. Trên đường làng, thỉnh thoảng từng đàn trâu được lùa về bởi các em bé. Từng chiếc xe máy kéo theo xe bò chở đầy lúa vừa gặt cũng chầm chậm rẽ theo các ngõ nhỏ để vào từng nhà người nông dân. Lòng chợt thấy bình yên hơn. Nơi đây chỉ cách nhà tôi ở khoảng hơn 10 phút xe máy chạy nhưng không khí quê, không khí mùa màng gặt hái vẫn còn nguyên vẹn.

Gió chiều thổi những bụi rơm khô bay ngược vào mặt tôi, lọt cả vào người. Có thể với những ai chưa một lần sống ở quê hay không quen với những mùa gặt lúa, khi bụi lúa bụi rơm bay vào người sẽ cảm thấy rất ngứa và khó chịu. Đó là điều khá đặc trưng mà có lẽ người nông dân bao đời nay phải luôn chấp nhận và gắn bó để có những hạt lúa, hạt cơm sau vụ gặt. Tôi thì quen với cái ngứa ấy, từ hồi còn lẫm chẫm theo mẹ đi gặt. Và, trong những mùa gặt lúc nhà còn làm lúa, đôi khi tôi lại thích nằm trên thảm rơm phơi trong vườn, nhìn chiều đi qua trên từng ngọn tre, ngọn cau của vườn nhà. Trong ký ức của tôi, mùi rơm và cái ngứa của bụi rơm dường như đã thành một điều gì đó rất thương, rất quen chứ không mang chút nào khó chịu cả.

Đêm xuống rất nhanh. Những nhà gặt sớm đã bắt đầu đốt un những đống lúa lép. Sau khi phân loại, những hạt lúa lép sẽ được người nông dân đem ra đầu ngõ đốt. Đó là một cái lệ, và cũng là một nét văn hóa quê kiểng mà tôi cũng đã quen dần từ nhỏ. Cứ cuối mỗi chiều sau mùa gặt, mùi khói lúa lép un lên lại xông vào mũi tôi, dù đó là của một nhà cách nhà tôi tầm vài trăm mét. Nhà nào đống lúa lép ấy cháy lâu thì chắc chắn mùa vừa qua cũng hơi buồn một chút. Còn ai chỉ có một ít lúa lép thôi thì niềm vui đã đầy theo từng bao lúa, từng góc nhà để lúa trữ lại. Quê nghèo với mùa gặt trong tôi đơn giản là những điều như vậy. Nhưng nhiều khi thao thức cả mấy đêm trời lúc ở một nơi nào quê lạ xứ người, vọng về trong tâm tưởng mái nhà với mùa gặt tới…

Những con đường làng rải rơm vàng chiều nay chắc hẳn sẽ thêm vào trong trí nhớ tôi một nỗi niềm mới. Bởi cũng lâu lắm rồi tôi mới có dịp thả lòng trôi theo mùi rơm rạ, trôi theo những mùa gặt, những đường rơm, những sân lúa thế này. Cuộc đời ba mẹ tôi đã kéo rất dài với những ước mơ bình thường nhất theo từng đám ruộng, từng mùa rơm, từng hạt lúa lép bay theo gió chiều. Tôi may mắn không cơ cực với cái cày cái cuốc cùng lúa cùng khoai, nhưng lòng vẫn nặng lắm khi nghĩ về gia đình, cùng nét quê ngày xưa và cả bây giờ. Nó như đã thấm vào trong huyết quản của mình.

Để rồi chiều nay tôi cứ bâng khuâng những nỗi niềm quê mùa lúa gặt miên man theo từng cánh cò, từng đàn trâu về muộn trên nẻo đường quê…

Theo Nguyễn Thành Giang/ baodaklak

 

 

 

Bài cùng chuyên mục