Giấc mơ lưu giữ thời gian bay qua tuổi thơ

Một đoạn đối thoại với chị đạo diễn chương trình phim truyền hình làm chuyên mục chân dung nhân vật như gợi lại cho tôi thật nhiều cảm xúc.

– Em cho chị mượn những bức ảnh chụp em từ hồi bé đến hết phổ thông.

– Dạ, thưa chị, em không có.

– Không có bức nào?

– À, có. Nhưng có mỗi 3 tấm thôi, mà giờ mờ cũ lắm.

– Ba tấm?

– Dạ, vâng. Miền quê em ở heo hút, nhà em nghèo lắm, cha mẹ ráng chụp kỉ niệm cho con mấy mốc thời gian, mà hồi ấy còn phải đưa em ra tiệm chụp ảnh trên thị trấn mới có. Lúc em thôi nôi, rồi 3 tuổi và tấm ảnh thứ 3 là năm 12 tuổi lúc em được là học sinh giỏi cấp tỉnh.

– Vậy khi học phổ thông không có tấm ảnh nào, như ảnh dán trong học bạ, ảnh kỉ yếu tốt nghiệp phổ thông…

– Dạ, không. Trường em nghèo, học trò phần lớn cũng nghèo, có lẽ vậy mà không nghĩ tới việc thuê thợ chụp ảnh kỉ niệm, mà hồi đó đâu có iPhone, iPad, điện thoại thông minh tích hợp nhiều chức năng như bây giờ…

– Thật tiếc quá…

Một đoạn đối thoại với chị đạo diễn chương trình phim truyền hình làm chuyên mục chân dung nhân vật như gợi lại cho tôi thật nhiều cảm xúc. Như quay ngược chiếc kim đồng hồ thời gian hơn 25 năm trước, thật chưa quá xa xôi lắm, nhưng hồi đó, được chụp ảnh là cả một món quà xa xỉ với bọn học trò nghèo vùng bán sơn địa của một tỉnh giáp ranh Sài Gòn như chúng tôi. Còn như được tự mình cầm máy chụp ảnh thì đó quả là vượt xa mọi mơ ước, vì gần như rất khó là sự thật, khi chiếc máy ảnh chụp phim hồi đó là cả một gia tài, còn điện thoại thông minh hay iPhone, iPad… chưa ai thời đó có một khái niệm nào về những vật phẩm trí tuệ nhân tạo này.

Vâng! Bây giờ thì việc có hàng trăm bức ảnh trong một buổi sinh hoạt lớp thậm chí cả ngàn file ảnh trong cuộc chia tay từ biệt ngôi trường phổ thông với học trò là chuyện bình thường, cứ mỗi người một điện thoại thông minh, không chỉ ảnh mà còn có thể quay những clip hình ảnh động có âm thanh, như một đoạn phim… Và một em bé từ khi mới lọt lòng cho tới năm 12 tuổi, chắc chắn không thể đếm được số ảnh đã chụp… Tôi cho tới 12 tuổi, vào cái ngày xưa đó chỉ có đúng ba tấm ảnh, nhưng đặc biệt tôi có một giấc mơ được chụp ảnh đã dài theo cả thời niên thiếu cho tới tận hôm nay trở thành đam mê, là suối nguồn cảm hứng bất tận của tôi với cuộc đời và nhân gian.

Ngắm ba tấm ảnh, cho dù thời gian đã làm mờ đi một vài nét, cho dù có vài vệt ố xưa cũ phủ lên giấy ảnh, nhưng cậu bé là tôi trong ba tấm ảnh đang dẫn dắt tôi, một nghệ sĩ nhiếp ảnh có chút thành danh trong giới vào những giấc mơ, những giấc mơ được chụp ảnh khi còn là cậu học trò nhỏ.., giấc mơ rất xa xỉ với học trò nghèo ở miền quê nghèo, thậm chí đã từng bị nhiều người lớn ngăn cản, có lúc tưởng như bị dập tắt, vì cho là mơ mộng không thực tế… Nhưng có lẽ khát khao cháy bỏng, đam mê đến si mê môn nghệ thuật ánh sáng và lưu giữ thời gian này mà tôi quyết theo đuổi cho tới hôm nay, để lúc này tôi đang xuyên không ngược về miền hồi ức.

Năm 12 tuổi, đúng vào sinh nhật tôi, cha mẹ cho lên thị trấn chụp tấm ảnh kỉ niệm, đánh dấu một mốc quan trọng trong cuộc đời theo cách phân định của dân gian Việt Nam: 1 tuổi là thôi nôi, 3 tuổi là bắt đầu học tri thức làm người, 12 tuổi làm lễ tạ ơn các thần linh và bắt đầu giai đoạn phải tự học và tự lập các kĩ năng sống cũng như thu nạp các tri thức của nhân loại. Tấm ảnh lúc thôi nôi, tôi ngắm chú nhóc là tôi trong ảnh với một cảm xúc thích thú có chút tò mò, một đứa bé trai dễ thương, tóc để ba chỏm trái đào, ngồi nhìn chăm chú vào phía trước, mắt trong veo như hai viên bi, tay phải cầm cuốn sách, tay trái cầm cái gương soi, và theo người lớn thuật lại, tiên đoán tương lai chắc sẽ học rất giỏi nhưng cũng sẽ rất chải chuốt điệu đàng? Chẳng biết có linh nghiệm không? Nhưng đúng là suốt những năm học phổ thông, tôi luôn học đứng đầu lớp, khối, trường, còn cho tới giờ, có chút danh trong giới nghề, nhưng tôi vẫn bị liệt vào loại nghệ sĩ “bụi”, phong trần…

Tấm ảnh lên 3 tuổi, nhìn là một đứa con gái rất xinh, bởi tóc thì dài cột túm giọt nước trước trán, lại mặc nửa áo nửa đầm, nhưng rõ ràng là tôi. Thật, không thể lẫn, vì cái mụt ruồi “ham ăn” ngay trên khóe miệng không thể là ai khác, hỏi ra, thì hóa nhà đông anh chị em, cứ đứa bé thừa hưởng những gì của đứa lớn, kế tôi là người chị “trứng gà trứng vịt”, nên đồ của chị tôi hay được mặc “khính”… Bữa đó cha mẹ đưa tôi lên thị trấn vào tiệm chụp ảnh kỉ niệm ngày sinh nhật, nên lấy đồ chị mặc cho tôi vì nhìn cái áo đó có vẻ còn mới nhất. Nghĩ lại, chắc lúc đó mọi người chỉ thấy ngộ nghĩnh, vì tôi y hệt bé gái xinh xắn, còn tôi cũng chưa ý thức được đồ con gái đồ con trai, được mặc áo mới là thích, cứ nhìn nụ cười tự nhiên và ánh mắt long lanh trẻ thơ trong bức ảnh thì biết câu bé là tôi rất vui. Giờ ngắm lại, cứ tự dưng tủm tỉm cười, sao mình lại có thể mặc một cái áo con gái như thế….

Sinh nhật 12 tuổi, tôi được cha cho lên thị trấn chơi 1 ngày, vừa ăn kem, vừa chụp ảnh, vừa được đi xem chợ, như một phần thưởng tôi là học sinh giỏi cấp tỉnh ở khối lớp 6. Ta nói bữa đó thỏa thích ngắm nhìn các thứ hàng hóa trong chợ, có rất nhiều thứ lần đầu tôi mới thấy, phải hỏi cha, nhưng thật vui hết biết. Đặc biệt, khi cha dắt vào tiệm chụp ảnh, một thế giới hình ảnh mở ra trước mắt tôi thật khác biệt. Tiệm không chỉ treo làm mẫu những bức ảnh chân dung, ảnh cô dâu chú rể, mà có rất nhiều bức ảnh chụp cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, ảnh những lễ hội dân gian với những trò chơi lạ lẫm…, cái cảm giác choáng ngợp trong một đứa trẻ quê nghèo, gần như chỉ biết quanh quẩn làng thôn của mình, khi ngắm những bức ảnh đó rất khó diễn tả, nhưng quả thật như đang bước vào cánh cửa huyền ảo ma mị của nghệ thuật ánh sáng, mà với tôi lúc đó còn quá xa lạ, nhưng có sức quyến rũ hấp lực kỳ lạ. Lúc đó tôi khó lí giải tại sao lại mê mẩn những bức ảnh đó, sau này mới biết chủ tiệm ảnh là một nghệ sĩ nhiếp ảnh gia nổi tiếng, và những bức ảnh ông treo trong tiệm đều đoạt giải thưởng ảnh nghệ thuật quốc tế.

Và khi nhìn vào cái tủ kiếng trưng bày trong đó rất nhiều thứ lạ lẫm, cảm giác như những món đồ chơi, nhưng không hề giống các loại đồ chơi ngoài chợ, chúng có vẻ gì đó xinh đẹp và như phát ra một quyền năng đặc biệt. Không thể nín được, tôi đánh liều hỏi cô gái đang ngồi sau tủ kiếng:

– Dạ, thưa cô cho con hỏi, những cái hộp chữ nhật nhỏ kia là gì vậy cô? Tôi chỉ vào mấy chồng hộp nho nhỏ có màu xanh màu vàng, đề chữ Fuji, Kodak, Konica…

– Là phim để chụp ảnh. Tôi “dạ”, nhưng thật ra còn muốn hỏi “thế phim chụp ảnh là gì”. Vâng, cái thời đó, ở đứa trẻ 12 tuổi trong làng quê nghèo, thì những cuồn phim chụp ảnh cũng là một món đồ xa lạ. Nhưng thôi, để hỏi câu khác, vì trong tủ còn bao nhiều món đồ kì lạ lần đầu tôi thấy.

– Cô ơi, những vòng kính kia để làm gì? Tôi đưa tay chỉ vào mấy cái vòng kính trong suốt…

– À, đó là những filter dùng để lọc ánh sáng. Tôi chợt nghĩ trong đầu vì không thể hình dung ra tại sao lại “lọc ánh sáng”, mà ánh sáng sao lại lọc, có giống lọc nước không… Nhưng lại bật ra câu hỏi khác.

– Thế những cái ồng tròn đen đen ngắn dài kia là gì vậy cô? Tôi chỉ vào chính giữa tủ trưng bày khoảng 5-6 cái ống tròn như những cục sắt màu đen, phía đầu có gắn kính trong suốt, nhìn rất đẹp

– Đấy là những ống kính tiêu cự dùng gắn vào thân máy ảnh để chụp ảnh cho đẹp hơn… Ngừng một chút, cô mỉm cười thân thiện, nói tiếp

– Mà cưng hỏi chi nhiều vậy. Mai mốt lớn, thích chụp ảnh thì tới đây học, sẽ biết hết tất cả những gì trong tủ này.

– Dạ, con cảm ơn cô. Nhất định con sẽ học chụp ảnh.

Tôi còn ngắm nghía hồi lâu những món đồ trưng bày trong tủ kính đến khi cha kêu vào chụp ảnh vì tới lượt. Trong trí một thằng bé 12 tuổi đã nhen nhóm một ngọn lửa khát vọng tương lai sẽ được cầm trong tay những món đồ xinh đẹp kia, và được chụp những bức ảnh đẹp..

Trở về nhà, cái máy ảnh và những bức ảnh trong tiệm hôm ấy luôn “tua” đi “tua” lại trong đầu tôi như một mơ ước càng ngày càng lớn hơn, nhất là khi kể lại cho bạn học về cái tiệm chụp ảnh đó, mắt đứa nào cũng sáng rỡ, cũng ánh lên niềm khao khát. Vâng! Được chụp ảnh làm kỉ niệm là một niềm vui xa xỉ với bọn trẻ miền quê nghèo không phải đứa nào cũng có thể, nên những gì tôi kể về tiệm chụp ảnh giống như đang kể về một vương quốc cổ tích tươi đẹp đầy sắc màu kì ảo. Nhưng mơ thì mơ, cả trong giấc ngủ cũng luôn mơ, đang cầm máy chụp ảnh cái làng tôi ở và chúng bạn, nhưng làm sao biến giấc mơ thành hiện thực thì quá tầm ở tất cả mọi chiều đối với một thằng bé 12 tuổi ở miền quê nghèo như tôi lúc bấy giờ. Không biết có phải ước mơ chụp ảnh trong thằng bé học trò là tôi qua bao nhiêu năm không giảm nhiệt, mà cứ mỗi hè về kết thúc năm học, khi được cha đưa ra thị trần vào cái tiệm chụp ảnh đó chụp một tấm kỉ niệm, thì lại tăng thêm cấp độ, và tôi cứ âm thầm nung nấu ước mơ như một cái đích mình sẽ đạt được như những cái đích trong học tập tôi thường tự đề ra cho mình.

Một “biến cố” đến với tôi vào năm lớp 9 cuối cấp, sau khi đoạt giải thủ khoa môn Toán cấp tỉnh, tôi được đại diện đi thi cấp quốc gia, và tôi tự hào mang về cho học trò tỉnh nhà, học trò trường tôi giải Nhất điểm tuyệt đối. Trong một cuộc phỏng vấn của truyền hình, chị phóng viên tỏ ý thân thiện hỏi tôi: “Hiện giờ em ước mơ điều gì, em cứ nói thật?”, tôi cũng thành thật kể cho chị nghe giấc mơ có một cái máy chụp ảnh, học và chụp ảnh những gì xung quanh mình, chị còn hỏi nhiều câu nữa về chuyện học hành, chuyện gia đình, trường lớp ở quê tôi…. Tôi cũng quên bẵng đi cuộc phỏng vấn đó, mà hồi ấy nhà nghèo, điện chỉ đủ thắp sáng cho mấy anh chị em học bài, nhà không có tivi, nên tôi cũng không biết được họ phát sóng lúc nào, ra sao, mấy nhà trong xóm có tivi thì họ chỉ vặn xem cải lương hay phim, chứ có mấy ai xem gì khác mà biết.

Rồi một hôm, ngoài Ủy ban xã cho gọi lên, cả nhà lo lắng không biết chuyện gì. Nhưng khi ra tới nơi, tôi thấy cả thầy hiệu trưởng trường cùng một số thầy cô giáo khác, có cả cô chủ nhiệm lớp 9 của tôi, ai cũng mặc đẹp, tươi cười, nhìn thấy tôi, mọi người đều vui vẻ gọi, xúm vào hỏi thăm tíu tít. Thì ra, chương trình phỏng vấn tôi trên truyền hình, khi nghe tôi kể về ngôi trường của mình, về cái làng mình ở…, thế rồi có rất nhiều nhà thiện nguyện đã âm thầm tìm hiểu, và hôm nay họ mang đến xã quà tặng, vừa tiền và vật phẩm để giúp trường, giúp xã sửa sang trường lớp, tạo điều kiện tốt hơn cho bọn trẻ học hành… Riêng tôi, có một món quà, mà khi thấy nó, tôi đã òa khóc vì niềm vui quá đột ngột, quá lớn với đứa học trò nhà nghèo, một cái máy chụp ảnh cùng 10 cuồn phim màu Fuji, của một nhà thiện nguyện, khi nghe nói về ước mơ của tôi trên tivi, đã cảm động mà gửi món quà này đặc biệt tặng tôi, với lời nhắn nhủ, mong tôi sẽ chụp những bức ảnh đẹp của cuộc sống, truyền thêm nguồn cảm hứng sống đẹp sống nhiều ước mơ đến các học trò…

Khỏi phải nói, việc tôi được tặng máy chụp ảnh trở thành “giai thoại” rất nhiều năm sau này, nhưng vào thời điểm ấy, nó như một chất xúc tác cực kì mãnh liệt với bọn trò nhỏ chúng tôi, hay ở chỗ không ai ghen tị, mà lấy đó như một minh chứng sống có ươc mơ, cố gắng thì ước mơ sẽ thành sự thật. Còn tôi, chiếc máy chụp ảnh trở thành một báu vật quý giá không gì có thể so sánh, tôi nhớ, tối đó về, tôi đã ôm nó ngủ, sáng ra nhờ mẹ cất vào tủ, nhưng cứ lát lại vào ngó xem, đôi khi cứ nghĩ như giấc mơ, sợ nó biến mất.

Cha mẹ tôi là những người biết động viên và giúp tôi nuôi dưỡng ước mơ một cách tuyệt vời. Nhân dịp hè, tôi lại được tặng máy chụp ảnh, cha tôi đã không quản ngại đường xa, chở tôi lên thị trấn, vào tiệm ảnh, khẩn khoản xin ông chủ tiệm dạy cho tôi biết chụp ảnh… Điều may mắn nhất của tôi, luôn gặp những người thiện lành, nhân hậu, ông chủ tiệm đã nhận lời ngay, và cho phép tôi cứ chủ nhật là tới tiệm ông sẽ chỉ bảo cho từ bước cơ bản nhập môn đến những kĩ thuật chụp, lấy sáng, bố cục khuôn hình, cả kĩ thuật phòng tối làm ảnh… (hồi đó máy chụp phim, và làm ảnh thủ công, chưa có cả Lap rửa ảnh công nghiệp), ông còn tìm mua trên Sài Gòn sách học chụp ảnh để tôi mang về tự học và trau dồi thêm… Tôi đã từng bước thực hiện giấc mơ của mình trong một niềm đam mê khó diễn tả, cùng với nhiệt tâm của người thầy chỉ bảo cho tôi như thể tôi là truyền nhân chân truyền của ông, mà có lẽ thế tôi rất mau nắm bắt được một số kĩ năng trong chụp ảnh, kể cả chụp ảnh nghệ thuật, dù chỉ là đứa trò nhỏ mới 15 tuổi.

Mùa hè lớp 9, với tôi là một mùa hè mãi mãi không thể quên. Có thể nói đó là những hồi ức trong veo như sương mai, chứa đựng cả bầu trời kỉ niệm, chỉ cần chạm khẽ vào là lại trở về như chưa hề có một khoảng cách thời gian mấy chục năm. Nhớ lại lúc cầm trên tay những bức ảnh đầu tiên tôi chụp khoảnh khắc cuộc sống xung quanh, rất đơn sơ và ngây ngô, thậm chí cái thừa sáng, cái thiếu nét, cái thì lệch góc, cái thì chùm nhum, cái thì quá rộng…, cha đang tưới vườn chè nhỏ của gia đình, mẹ lui cui nấu cơm trong bếp, các anh chị em trong nhà người quét nhà, người học bài, người chơi với con chó con, rồi đàn gà con chạy theo gà mẹ, bầy vịt bơi trong ao nhà…, đến bạn bè đồng học đang chơi nhảy dây đá cầu…, giống một luồng điện chạy dọc cả người, tôi run run ngắm, mà nước mắt cứ ngân ngấn vì ước mơ tưởng chừng viển vông xa xỉ với trò nghèo từ năm 12 tuổi đã thành hiện thực hiển hiện.

Ba năm học trung học phổ thông, tôi vẫn luôn là học trò ngoan giỏi, là niềm tự hào của cái làng nghèo quê tôi, của trường tôi và của tỉnh, bởi tôi hiểu nếu không học tốt, thì chính giấc mơ cũng sẽ tan ngay, bởi giấc mơ có thành hiện thực cũng là từ sự học hành chăm chỉ của tôi. Phần thưởng của tôi mỗi mùa hè đến bây giờ không còn là được chụp một tấm ảnh chân dung làm kỉ niệm, mà là mỗi chủ nhật được đến tiệm ảnh, ngoài giúp việc, còn được phụ chụp ảnh, thích nhất là đôi khi được thầy cho đi cùng chụp ngoại cảnh, mà như thầy nói là học sáng tác ảnh nghệ thuật…

Khi tôi dự định ghi nguyện vọng vào khoa Nhiếp ảnh trường Đại học Văn hóa thì cha mẹ tôi và cả các anh chị trong nhà đều phản đối quyết liệt, cho dù suốt mấy năm nay đều không ai phản đối khi tôi học chụp ảnh với ông chủ tiệm ảnh. Họ cho đó là một cái nghề không dễ kiếm tiền, rồi khuyên tôi cần thực tế…

Bữa cơm tối đó trong nhà xảy ra một cuộc tranh cãi giữa tôi và cha cùng các anh chị. Cha không lớn tiếng nhưng chậm rãi:

– Con 18 tuổi rồi, cũng phải biết suy nghĩ sao cho đặng, học cái nghề gì mà giúp được gia đình, giúp được làng xóm hay cộng đồng thì học. Học chụp ảnh, cũng là cái nghề, nhưng nó quá cao sang với điều kiện kinh tế nhà mình.

Anh chị thì lớn tiếng:

– Sao em dại thế, học lực của em thừa khả năng thi vào trường Đại học Bách khoa, Ngoại thương, Kinh tế, Luật…, những trường đó khi ra trường không sợ thất nghiệp, lại có khả năng kinh tế cho gia đình…, học chụp ảnh thì khi ra trường cũng chỉ là thợ ảnh hay làm phóng viên ảnh loàng xoàng cho báo chí, không tương lại…

Tôi cố chống chế một cách yếu ớt, vì thấy người lớn trong nhà có lí thuyết phục hơn.

– Tại con thích muốn theo đuổi thành nghề chuyên nghiệp. Con thấy ông chủ tiệm ảnh trên thị trấn cũng nổi tiếng và giàu đó.. Mà chụp ảnh đâu chỉ là chụp kỉ niệm, nhiều bức ảnh ghi dấu lịch sử được lưu giữ ở bảo tàng, nhiều bức ảnh được chụp đã làm thay đổi lịch sử nhân loại, hay như ở Việt Nam, nếu không có hình ảnh được chụp, thì sao mình biết cái gì đã xảy ra trong quá khứ…

Sau cùng cha tôi chốt một câu.

– Tùy con suy nghĩ. Nhưng nếu con học chụp ảnh thì con phải tự lo chi phí sắm sửa máy móc vật dụng. Cha mẹ không lo nổi những thứ xa xỉ đó đâu. Sau con còn mấy em nữa, cha mẹ còn phải lo cho chúng ăn học đến nơi đến chốn.

Tôi đã âm thầm khóc, vâng thằng con trai 18 tuổi rất mạnh mẽ, rất cứng rắn là tôi đã khóc một đêm, để hôm sau, nghe lời cha mẹ quyết định thi vào Đại học Luật, để sau có điều kiện trả hiếu cha mẹ công sinh thành dưỡng dục, hơn nữa, tôi tìm hiểu, học trường này, sang năm thứ hai tôi có thể học song song Nhiếp ảnh, không phải từ bỏ đam mê của mình.

Cũng không phải mọi việc đều trôi chảy, xuôi chèo mát mái, tôi đã phải cố gắng bằng hai bằng ba, để vừa học trường Luật với mục tiêu phấn đầu không thua chúng bạn, và học ngành Nhiếp ảnh để thỏa đam mê lưu giữ thời gian qua nghệ thuật ánh sáng. Tôi cũng nếm trải nhiều thất bại bởi chụp ảnh không chỉ là một cú bấm máy thực hiện chuẩn xác các tính năng kĩ thuật, mà mỗi một cái bấm cho một ảnh, là cảm xúc, là câu chuyện, là thông điệp chân- thiên- mỹ gửi gắm vào đó, để lưu giữ như một khoảnh khắc an lành của cuộc sống nhân gian.

Cái ngày tôi làm lễ tốt nghiệp Đại học Luật thì cũng là lần đầu tiên tôi nhận được tin đoạt giải vàng ảnh nghệ thuật quốc tế, cùng với phần thưởng là chuyến đi châu Âu nhận giải và triển lãm ảnh cá nhân, một dấu mốc son trong giấc mơ ảnh của tôi, đó cũng là một tài sản ký ức không bao giờ có thể quên được. Kể từ đó, tôi vừa thành danh trong nghề Luật, đồng thời tôi đã có hàng trăm giải thưởng ảnh nghệ thuật quốc tế và cũng thành danh trong giới nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Nhưng mãi tôi không thể quên được giấc mơ lưu giữ thời gian bay qua tuổi thơ tôi.

Theo Hoài Hương/ muctim.com.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục