Cụ bà 106 tuổi ở Sài Gòn, mỗi ngày vẫn đi nhổ cỏ, lùa bò…

Dù đã 106 tuổi nhưng cụ Ba vẫn tự ăn uống, tắm rửa, giặt đồ và thậm chí đi nhổ cỏ, ra đồng lùa bò vào chuồng mỗi ngày...

Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi tìm về 18 thôn vườn trầu xứ Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TPHCM) để gặp cụ bà Lê Thị Ba. Năm nay, cụ Ba đã 106 tuổi nhưng cụ vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, tự ăn uống, tắm rửa, giặt đồ, trồng trầu, thậm chí là lùa bò ngoài đồng vào chuồng.

Ngồi trên chiếc ghế nhựa trong căn nhà ba gian gắn liền nhiều thế hệ, cụ Ba kể cho chúng tôi nghe về quãng đời cực khổ, lam lũ từ thời con gái của mình. Đó là quãng đời cơ cực hết lo cho đàn em rồi đến lo cho những người con của cụ. Có lẽ vì lao động nhiều nên đến nay cụ vẫn còn khỏe mạnh, đi lại ào ào!

Ở tuổi 106 nhưng cụ Ba vẫn khỏe mạnh và đầy thần thái

Cụ Ba được sinh ra trong gia đình có 6 chị em, cha làm nghề bốc thuốc. Ngay từ tuổi nhỏ, cụ Ba sớm ra đồng để phụ giúp gia đình. “Hồi nhỏ cực quá. Nhà toàn con gái. Tôi là vai lớn trong nhà nên mấy việc cày, bừa, hái, cấy làm được hết ráo”, cụ Ba nhớ lại.

Có trực tiếp trò chuyện mới thấy sự minh mẫn của cụ Ba. Qua từng lời kể thanh thoát, chi tiết của cụ, tôi cảm nhận buổi làm đồng đang dần hiện ra trước mắt.

Khi được hỏi lần đầu tiên đi cày có khó không, cụ Ba kể rành rọt: “Trâu bò cày dễ lắm. Liếc vô trong cày rồi bỏ ách lên, máng cày vô là cày thôi. La đứng thì nó đứng lại, mình bảo quay đầu là nó quay lại à. Cày xong thì trưa vô, chiều đi cắt cỏ”.

Trong những câu chuyện của cụ Ba, có lẽ ấn tượng nhất là về người cha của cụ. Cha của cụ làm nghề thầy thuốc nên mỗi khi có người đau ốm gọi đi là cụ phải phụ trách việc đồng án.

“Đang cày đang bừa có người kêu đi bắt mạch là tôi ra làm thay ông, chứ ai làm giờ. Tội ổng (cha của cụ Ba – PV). Trời thương nên ổng chữa lành bệnh cho mọi người. Ổng đi chữa bệnh tối ngày, từ ấp này qua ấp khác”, cụ Ba nhớ về cha của mình.

Cụ Ba bên vườn trầu nhà trồng

Sau khi lấy chồng, cụ Ba cùng chồng chuyển về 18 Thôn vườn trầu từ năm 1930 và sống đến bây giờ.

“Lúc trước ba mẹ tôi trồng lúa, sau chuyển về đây thì trồng trầu, cau. Ngôi nhà này tính đến nay đã bốn thế hệ rồi”, ông Đào Văn Út (64 tuổi), con trai út của cụ Ba cho hay.

Vợ chồng cụ Ba có 9 người con (4 nữ, 5 nam). Cụ ông sống với cụ Ba cùng mấy người con tới năm 101 tuổi thì qua đời. Theo ông Út, mẹ của ông khổ từ thời con gái đến khi lấy chồng. Gia đình làm nông nên quần quật suốt ngoài đồng để có gạo, cơm nuôi đàn con.

“Nhà khó khăn quá nên mấy người con đầu học hết tiểu học là phải ra đồng, chỉ có mấy người con sau thì học hành đầy đủ hơn”, ông Út nhớ lại.

Mấy năm trước, cụ Ba còn gánh trầu, cau từ nhà xuống tận chợ Bà Điểm, đều đặn mỗi ngày đi bán. Sau này, các con khuyên cụ ở nhà nghỉ ngơi, phần là để an toàn cho bà vì đường sá xe cộ đông đúc, phần là cụ cũng đã xây dựng được khách mối, đến tận nhà lấy trầu, cau.

Dù tuổi cao nhưng cụ Ba vẫn còn sức lao động

“Mẹ tôi còn đi nhủi cá nữa kia. Lớn tuổi vậy nhưng mà còn ham làm việc lắm. Con cái trong nhà khuyên mãi. Cứ tầm trưa là cụ lọ mọ đi nhổ cỏ, hết làm việc này đến việc kia”, bà Võ Thị Thu (61 tuổi), con dâu út cụ Ba chia sẻ.

Trong khi chúng tôi trò chuyện với mấy người con thì cụ Ba ngồi trên ghế “hóng” theo. Khi nghe nhắc đến chuyện nhủi cá thì cụ liền nói ngay: “Cái nhủi có 2 cái gọng hai bên, ở giữa có tấm sáo đan bằng tre, ủi về phía trước là cá nó vô à”.

Và khi nghe hỏi bây giờ đi nhủi nữa không, cụ Ba trả lời nhanh như chớp: “Bây giờ nước đâu mà nhủi. Phải đợi đồng có nước rồi cá sinh sôi nảy nở, chừng đó mới đi nhủi được”.

Liền sau đó, cụ Ba đưa chúng tôi ra thăm vườn trầu bên hè nhà. Đôi chân trần, cụ Ba đi thoăn thắt khiến chúng tôi phải đuổi theo mới kịp. Hàng trăm gốc trầu xanh tốt đang chờ ngày thu hoạch.

Mân mê lá trầu trên tay, cụ Ba nói: “Trầu cũng dễ trồng. Tôi bán kí lô (bán theo kg – PV), tuỳ theo mùa mà giá khác nhau. Nhờ nó chịu phân trâu, phân bò, bánh dầu nên lá trầu nó ngon chưa nè”.

Ngôi nhà của cụ Ba được giới nghệ sĩ, đoàn làm phim tìm đến mượn để quay bối cảnh

Không giống như mọi người, ở tuổi 106 nhưng cụ Ba vẫn tự vệ sinh cá nhân, giặt giũ và tự ăn uống một mình, thậm chí cụ vẫn thường xuyên lùa bò vào chuồng. “Thấy chưa ai lùa bò là bà tự động ra ngoài đồng trước nhà lùa vào”, người con dâu út cho hay.

Đặc biệt, cụ Ba không kén ăn như những người lớn tuổi khác, con cháu trong nhà nấu món gì thì cụ ăn món đó. “Nói cho ngay, giờ bớt khổ hơn lúc trước. Trời thương nên cho tôi khỏe mạnh, ăn gì cũng được, ăn no thôi. Chỉ có thịt bò, thịt trâu là không ăn được. Giờ con cái lo cho tui nên không còn ăn uống cực khổ như hồi xưa”, cụ Ba tâm sự.

Nhắc đến cụ Ba, người dân trong vùng ai ai cũng thán phục về sức khỏe và sự minh mẫn của cụ ở tuổi 106. Và khi tôi (PV) chào tạm biệt, cụ Ba cứ nhắc đi nhắc lại: “Mai mốt xuống ghé chơi nữa nha con”.

Theo Hoàng Thuận/ Dân trí

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục