Gọi điện thoại mời mua bảo hiểm, nhà đất… đe dọa, khủng bố người nghe

Nhiều người bị gọi điện thoại mời mua bảo hiểm, mua bất động sản, đòi nợ dù không vay, sau đó tiếp tục bị gọi điện, nhắn tin đe dọa.

Mang con cái ra ép khách nghe máy

Anh Ngô Minh Trí – ngụ tại TP.HCM – kể, ngày nào anh cũng nhận được vài cuộc gọi tự nhận là Bảo hiểm Dai-ichi Life, mời mua bảo hiểm. Điều anh khó chịu nhất là người gọi vô văn hóa, gần như “khủng bố” khách hàng.

Quá bực vì cứ bị làm phiền, anh Trí có chia sẻ lên mạng xã hội về việc đề nghị Dai-ichi Life bỏ số điện thoại của anh ra khỏi danh mục khách hàng, đồng thời kêu gọi bạn bè viết thư gửi đến Đại sứ quán Nhật Bản và báo chí của Nhật để phản ánh cách tiếp thị của Dai-ichi Life. Ngay sau đó, anh bị gọi điện với tần suất gấp đôi trước kia.

Đòi nợ kiểu “lệnh triệu tập” khủng bố tinh thần dù người nhận được tin nhắn không hề vay

“Tôi nghĩ Dai-ichi Life nên mở ra sản phẩm bảo hiểm tinh thần cho người dân bị làm phiền là thiết thực nhất. Nhật Bản là một quốc gia nổi tiếng về cách cư xử văn hóa và lịch sự khiến nhiều người phải nể. Vậy mà Bảo hiểm Dai-ichi Life lại làm ngược điều này” – anh Trí bức xúc.

Có khách hàng còn phản ánh, nhân viên tư vấn bảo hiểm mang con cái họ ra để ép phải nghe máy. Chẳng hạn, câu đầu tiên mà khách hàng nhận được qua điện thoại là: “Chị có phải là phụ huynh của em A, B gì đó không”. Nghe đến con cái, nhiều phụ huynh giật mình thì liền đó được mời chào mua bảo hiểm. Nhưng khủng khiếp nhất là những trường hợp không vay tiền mà vẫn bị gọi đòi nợ cả ngày lẫn đêm.

Vài ngày nay, chị Thùy Giang (TP.HCM) mất ngủ vì không chỉ ban ngày mà cả ban đêm, chị bị khủng bố điện thoại với nội dung: “Người thân của bạn là chị Khánh Hà còn nợ tiền chúng tôi, nhờ bạn nhắn chị Khánh Hà nhanh chóng hoàn tất khoản nợ để không ảnh hưởng đến người thân, bạn bè”. Khi chị chặn số máy này, lại có số máy khác gọi đến. Các cuộc gọi đều phát tiếng tự động, chung một nội dung như trên.

“Khánh Hà là bạn bè trong danh bạ của tôi và đã tự ý cung cấp số điện thoại của tôi cho bên vay tiền. Tôi không rõ bên cho vay là ai vì nội dung trong cuộc gọi tự động không có thông tin đơn vị vay tiền, nên cũng không biết đường đâu mà phản ánh” – chị Giang kể.

Nhiều khách hàng khi nhận được những cuộc gọi khủng bố này đã khiếu nại các nhà mạng, nhưng chỉ nhận lại lời giải thích rằng, những số điện thoại này xuất phát từ công ty tài chính/bảo hiểm, không liên quan các nhà mạng.

Luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hằng ngày, ông tiếp nhận nhiều phản ánh về việc Công ty Fe Credit gọi điện khủng bố, nhắn tin đe dọa dù họ không liên quan gì đến việc vay nợ. Nếu không bắt máy, họ sẽ nhắn tin đe dọa kiện ra tòa. Một trong những tin nhắn là thư triệu tập về “hành vi trốn tránh trách nhiệm thanh toán khoản vay/mua tín chấp bên Fe Credit”; “tin nhắn thay văn bản triệu tập” và ra thời hạn để mời ra công an trình diện.

Không ít khách hàng phản ánh, dù còn 7 ngày nữa mới đến hạn thanh toán, thay vì gọi cho họ, phía Fe Credit lại gọi cho người thân để gây áp lực.

Xử lý cách nào?

Trong thư phúc đáp thông tin khiếu nại của khách hàng về việc không vay tiền mà vẫn bị gọi điện đòi nợ kiểu khủng bố, Công ty Tài chính Fe Credit cho biết, trong quá trình theo dõi khoản vay, bộ phận nhắc nợ qua điện thoại đã không liên hệ được với khách hàng nên đã liên hệ các số điện thoại tham chiếu được ghi nhận trong hệ thống để đôn đốc khách hàng thanh toán nợ theo đúng hợp đồng, nhằm hạn chế khoản nợ xấu.

Các cơ quan pháp luật cũng bị lợi dụng tên tuổi để các đơn vị đem ra hù dọa khách hàng

Ông Nguyễn Mai Long – Giám đốc điều hành Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) – cho hay, bản thân ông cũng nhận được hàng chục cuộc gọi quảng cáo dịch vụ mỗi ngày và ông từ chối từ giây thứ hai. Theo ông Long, nợ xấu gây khó khăn rất lớn cho công ty tài chính vì nguồn tiền này được huy động từ nhiều tổ chức, nhưng đối với việc thu hồi nợ, công ty ông nghiêm cấm nhân viên tín dụng tự ý nhắn tin đòi nợ khách hàng, gọi điện thoại kiểu khủng bố, đe dọa, làm mất uy tín khách hàng hoặc người thân khách hàng.

Theo luật sư Trương Hồng Điền, với những cuộc gọi xác định được chủ thể cuộc gọi, nạn nhân có quyền yêu cầu dừng việc dọa nạt lại bằng cách liên hệ lên tổng đài các đơn vị này. Nếu tình trạng vẫn tiếp diễn, có thể nhờ cơ quan công an can thiệp. “Do các đơn vị này thường dùng sim rác nên rất khó xác định chủ thể cuộc gọi là ai. Do đó, cần phải lập vi bằng để tố cáo, ghi âm, ghi hình, giữ tin nhắn để tố cáo. Nếu không biết cách thức tố cáo, có thể nhờ luật sư hướng dẫn” – luật sư Điền tư vấn.

Với những cuộc gọi tự động như trường hợp chị Thùy Giang, nếu không biết chủ thể cuộc gọi, có thể gửi đơn khiếu nại đến nhà mạng, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM để được cung cấp thông tin về chủ thể đó.

Theo Thanh Hoa/ Báo Phụ nữ TP.HCM

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục