Lời thì thầm của cậu học sinh lớp 7 khiến nhiều người giật mình
Khi còn làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, GS Nguyễn Thiện Nhân từng cân thử cặp của học sinh một trường tiểu học. 10 năm sau, trọng lượng cặp của học sinh có vẻ như không hề nhẹ hơn dù Bộ GD&ĐT đã có chủ trương giảm tải.
“My bag” là một lời thì thầm của cậu học sinh lớp 7 Nguyễn Hữu Hào trường THCS Vinschool tại TPHCM về chiếc cặp của mình.
Nguyễn Hữu Hào đã kể một câu chuyện xảy ra khi em học lớp 6, trong một giờ nghỉ giải lao, em di chuyển từ lớp học này sang lớp học khác và bỗng nhiên bị ngã ở cầu thang dù cầu thang không trơn trượt. Cú ngã khá đau, ban đầu em nghĩ do ai đó đẩy nhưng thực tế, lúc đó chỉ có mình em. Cuối cùng, thủ phạm chính là chiếc cặp trên lưng quá tải.
Từ cú ngã này Hào nảy sinh ý tưởng cân thử cặp của các bạn trong lớp. Hào lấy ngẫu nhiên 15 bạn và kết quả khiến Hào rất bất ngờ. Có 46% (trong số 15 bạn) cặp của các bạn nặng trên 5kg, 12% nặng từ 8 – 10kg. Đặc biệt, có 1 bạn cân nặng 40kg nhưng chiếc cặp của bạn ấy nặng tới 9kg (bằng 20% trọng lượng cơ thể).
Từ thực tế này, Nguyễn Hữu Hào cũng đã so sánh với câu chuyện tại Ấn Độ. Tại đất nước này đã từng có 68% học sinh bị ảnh hưởng sức khỏe do mang cặp quá nặng. Chính vì vậy, từ năm 2018, chính phủ nước này đã có quy định kiểm soát trọng lượng mỗi chiếc cặp của học sinh.
Tại Việt Nam, Hào cũng đề xuất 3 giải pháp cho vấn đề này bao gồm: các trường cần tối ưu hóa thời khóa biểu cho học sinh, tăng cường thời gian làm bài tập tại trường sau giờ học và cuối cùng là đẩy mạnh sử dụng sách điện tử trong trường học.
Điều đáng nói nhất là câu chuyện của Hào được em viết bằng tiếng Anh và được in, xuất bản trong cuốn Anh ngữ đầu tay “So That I Will Roar You Gently” do các em học sinh ở độ tuổi cấp 2, cấp 3 đến từ Vinschool sáng tác.
Trong vòng 3 tháng, nhóm 11 tác giả trẻ đã viết và hoàn thiện tác phẩm của mình. Cuốn sách So That I Will Roar You Gently chia làm 3 chương với 13 mẩu chuyện nhỏ, gồm những mẩu chuyện nhỏ xoay quanh cuộc sống và tâm tư những bạn trẻ đang tuổi cắp sách tới trường về các vấn đề xung quanh, từ trường lớp, gia đình, đến cộng đồng xã hội.
Lời thì thầm thức tỉnh người lớn
Không chỉ có câu chuyện của Hào mà ở cuốn sách này, độc giả còn bắt gặp nhiều câu chuyện khiến mỗi bậc phụ huynh hay những người lớn giật mình.
Trong tác phẩm “Do Vietnamese Schools Kill Creativity?”, học sinh Nguyễn Duy Quân đã bày tỏ quan điểm của mình về việc cần cải cách giáo dục, đồng thời đưa ra những mong muốn thay đổi tại trường học để có thể phát huy tính sáng tạo của học sinh.
Hay trong câu chuyện “I don’t know what I want”, học sinh Trần Đức Toàn đã thể hiện nỗi lo âu về một thế hệ trẻ người Việt sẽ trở nên thụ động trong việc tư duy và thiếu quyết đoán thông qua việc quan sát hành vi và suy nghĩ của các bạn mình tại một quán cà phê – một địa điểm điển hình dành cho giới trẻ.
Như những bước đi nhỏ, những tiếng nói cá nhân với mong muốn dần tìm kiếm tiếng nói chung, sự tôn trọng giữa các thế hệ; xóa bỏ định kiến, những lo lắng mà người lớn đặt lên vai con trẻ, “Fish versus Fishing: Forms of Aid for Vietnam’s Struggling Farmers”, “Funny Medicine”, “10,000 hours” mang theo những thắc mắc cần được lắng nghe, thấu hiểu và giải đáp của các bạn trẻ.
Bắt nguồn từ sự thôi thúc giúp học sinh tài năng có cơ hội được khơi dậy sự sáng tạo trong tư duy, và mong muốn các bậc phụ huynh thấu hiểu con em mình hơn, Trung tâm tư vấn và phát triển tài năng – GATE Center của Vinschool đã tạo điều kiện cho các em học sinh thực hiện một dự án xuất bản sách quy mô lớn.
Thông qua dự án, nhóm tác giả trẻ cũng hy vọng có thể truyền cảm hứng làm những điều ý nghĩa, tốt đẹp cho cuộc sống bằng việc sử dụng toàn bộ doanh thu bán sách cho mục đích từ thiện.
Theo Nghiêm Huê/ TPO