Qua Hàn Quốc tổ chức lớp bồi dưỡng: ‘sang’ như ngành giáo dục quận Phú Nhuận!

Hết đi chia tay tại Đà Lạt đến chuẩn bị đi Hàn Quốc học tập, những chuyến đi học tập, du lịch đắt đỏ đang “làm khổ” ban giám hiệu nhiều trường tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM)

Tất cả những chuyến đi liên tiếp này đều do đơn vị, cá nhân ban giám hiệu các trường tự chi trả. Họ không thể “gánh” nổi khi chuyến đi sau có mức độ “sang chảnh” và đắt đỏ vượt xa chuyến đi trước. Đỉnh điểm là chuyến học tập sắp tới tại Hàn Quốc với chi phí hơn 20 triệu đồng/người đã khiến ban giám hiệu các trường lên tiếng.

Hết “tiệc chia tay” đến học tập… xa xỉ

Ngày 11/6, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận (TP.HCM) ra văn bản về tổ chức chia tay cán bộ quản lý nghỉ hưu trong năm học 2018-2019 ngành GD-ĐT tại Đà Lạt. Chuyến đi kéo dài bốn ngày ba đêm từ ngày 3/7 đến 6/7. Chuyến đi do công ty B.X.V tổ chức với giá 4.950.000 đồng/người (chưa bao gồm VAT). Tất nhiên, kinh phí do đơn vị và cá nhân tự túc.

Theo đơn phản ánh của ban giám hiệu các trường tại Q.Phú Nhuận, chuyến đi này có hơn 110 người tham gia, trong đó hơn 80 người là cán bộ quản lý đương chức và về hưu. Các trường phải đóng số tiền là hơn 405 triệu đồng.

Chuyện đi để tri ân hay chia tay những đồng nghiệp về nghỉ hưu chắc cũng không ai tiếc nhưng người đi bức xúc vì cho rằng, giá dịch vụ mà họ phải chi trả mắc hơn so với thực tế.

Nhưng, theo phản ánh của các cơ sở giáo dục ở Q.Phú Nhuận thì chuyến đi kiểu vậy không phải mới lần đầu. Ngay năm học trước đó, ngành giáo dục Q.Phú Nhuận cũng tổ chức chuyến đi Cần Thơ với số tiền 3.850.000 đồng/người. Kinh phí do ban giám hiệu các trường chi trả và phải tính toán luôn cho cả khách mời là cán bộ quản lý hưu trí. Chuyến đi này cũng có khoảng 120 người tham gia, trong đó có khoảng 90 người là ban giám hiệu toàn ngành, số còn lại là khách mời.

Tin nhắn của Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận đề nghị các trường đăng ký đợt tham gia công tác Hàn Quốc

Theo đơn phản ánh từ cơ sở, đây là thời điểm Báo Phụ Nữ TP.HCM đang có loạt bài phản ánh những chuyến đi học tập – hội họp “sang chảnh” của ngành giáo dục TP.HCM nên ngành giáo dục Q.Phú Nhuận đã không phát hành văn bản mà chỉ đạo miệng (!?).

Chỉ hơn hai tháng sau chuyến đi Đà Lạt, ban giám hiệu của các trường từ mầm non, tiểu học đến THCS quận này lại tiếp tục nhận được thông báo về chuyến đi học tập tận… Hàn Quốc. Ngày 15/8, ông Võ Cao Long, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận ra văn bản 425/KH-GDDT về kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý tại Hàn Quốc năm học 2019-2020.

Đối tượng tham dự là lãnh đạo địa phương, lãnh đạo phòng GD-ĐT quận, chuyên viên phòng GD-ĐT quận, báo cáo viên cốt cán (những đối tượng này cùng với Ban giám hiệu Trường Bồi dưỡng Giáo dục quận được ngân sách quận chi trả) và ban giám hiệu các trường học thuộc quận (cá nhân tự đóng góp kinh phí).

Chương trình được chia làm hai giai đoạn: trang bị kiến thức về lãnh đạo và quản lý trường tiên tiến hiện đại; nghiên cứu thực tế bao gồm các chương trình tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo và quản lý giáo dục ở nước ngoài. Chuyến bồi dưỡng học tập thực tế tại Hàn Quốc sẽ tổ chức thành ba đợt trong tháng 10 và 11 này. Mỗi chuyến đi kéo dài năm ngày. Theo phản ánh, chi phí mỗi người lên đến hơn 20 triệu đồng.

Đáng nói, để đảm bảo số lượng người tham gia, Phòng GD-ĐT quận này không ngần ngại dành nhiều thời gian tổ chức họp nhắc nhở, gửi tin nhắn điện tử, e-mail đôn đốc. Sau cuộc họp sáng 16/8, thì ngay trưa đó, các trường nhận được tin nhắn điện tử khẩn từ phòng GD-ĐT và sau đó là e-mail vào chiều cùng ngày với nội dung về lịch ba chuyến đi: “Hôm nay, ngày 16/8, Phòng GD sẽ đăng ký số lượng BGH các trường theo đợt với du lịch đặt giữ chỗ vé máy bay. Phòng GD sẽ chủ động sắp xếp đợt tham gia để đảm bảo công tác tổ chức của phòng và đảm bảo hoạt động của nhà trường…

Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi, cá nhân BGH đơn vị nào không tham gia được một trong ba đợt trên (có lý do) nhanh chóng thông tin gấp bằng điện thoại trực tiếp cho thầy Bảo hoặc cô Quy trước 16 giờ chiều nay để chọn đợt mình tham gia, Phòng GD sẽ sắp xếp”.

Theo quản lý một trường ở quận này, đọc tin nhắn và e-mail này ai cũng hiểu “chạy trời không khỏi nắng”, nghĩa là nếu có lý do để không đi ba đợt đã quy định thì cũng phải chọn một đợt nào đó mình đi được để họ xếp lịch. Nhiều người đã lên xin phép để không đi. Và một lần nữa, sự nhiệt tình sốt sắng dành cho chuyến học tập này của phòng GD-ĐT quận khiến nhiều người lấy làm khó hiểu.

Những người này dẫn chứng, ngay trong sáng 19/8, phòng GD-ĐT triệu tập cuộc họp công tác thu chi đầu năm cho cả ba bậc học mầm non, tiểu học, THCS, thành phần tham dự giống nhau, mỗi cuộc họp chỉ cách nhau 30 phút.

Cũng ngay trong ngày hôm đó, lãnh đạo các trường tiếp tục nhận được tin nhắn điện tử và e-mail nhắc nhở từ phòng GD-ĐT: “Sau buổi họp sáng nay, đề nghị các trường khẩn trương đăng ký đợt tham gia công tác Hàn Quốc trước 14 giờ chiều nay 19/8 để Phòng GD giữ chỗ chuyến bay (nhắn tin cho cô Quy)”. Kèm theo đó là lưu ý: “1/ BGH nào không đăng ký đợt tham gia, PGD sẽ tự sắp xếp phù hợp. 2/ BGH nào không tham gia, làm đơn xin phép và nộp trực tiếp thầy trưởng phòng trước 14 giờ chiều nay”.

Thử hỏi, nếu là cấp dưới, liên tục nhận được nhắc nhở, đôn đốc từ cấp trên theo kiểu như vậy, thì có ai dám chọn không đi? Nếu chọn không đi thì phải trực tiếp lên xin phép người quản lý cao nhất. Và thời gian để “xin phép” cũng thật eo hẹp.

Vì sao phải chia tay, học tập “xa nhà”?

Những người làm đơn nghi ngờ rằng đằng sau những chuyến đi này là sự trục lợi của lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận. Để hiểu đúng bản chất vấn đề, ngày 18/10, chúng tôi đã liên lạc bằng điện thoại với ông Võ Cao Long để sắp xếp buổi trao đổi. Tuy nhiên, khi nghe đến phản ánh về những chuyến đi này thì ông Long cáo bận họp và cúp máy. Sau đó, chúng tôi tiếp tục nhắn tin để xin cuộc hẹn làm việc nhưng đã không được trả lời.

Chúng tôi đã liên lạc với một đơn vị du lịch lữ hành tương đối có tiếng ở TP.HCM và đưa cho họ xem lịch trình của tour Đà Lạt bốn ngày ba đêm với giá 4.950.000 đồng/người. Công ty lữ hành này ngạc nhiên vì giá quá đắt, bởi với khách đoàn từ 40 người trở lên sử dụng dịch vụ của họ có giá 2.190.000 đồng (khách sạn 3 sao) và 2.690.000/người (khách sạn 4 sao). Nhưng, cũng có thể lý giải rằng dịch vụ có thể khác nhau nên giá có sự chênh lệch.

Chúng tôi đã làm việc với chính công ty du lịch B.X.V mà Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận sử dụng dịch vụ. Với lịch trình, khách sạn, dịch vụ giống hệt chương trình tour của Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, đơn vị này có giá chỉ 3.850.000 đồng/người. Chưa kể, công ty này còn “tặng” lại 200.000 đồng/khách cho người đặt tour.

Có trục lợi hay vì mục đích cá nhân như phản ánh hay không có lẽ chỉ có người trong cuộc mới biết. Nhưng, rõ ràng những chuyến đi như vậy là không hề rẻ cho những cá nhân bỏ tiền đi, nếu dùng ngân sách cấp cho trường hoạt động để đi thì có phải càng lãng phí?

Trong kế hoạch về chuyến học tập tại Hàn Quốc, văn bản ghi có báo cáo Sở GD-ĐT TP.HCM. Khi trao đổi với chúng tôi, đại diện Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận có gửi văn bản này nhưng không phải xin phép nên sở không có ý kiến (phòng GD-ĐT quận, huyện phân cấp quản lý về UBND quận, huyện). Theo ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, sở này cũng có văn bản đồng thời nhắc nhở tại các cuộc họp giao ban về việc hạn chế tổ chức các cuộc hội họp, học tập gây lãng phí…

Theo Gia Tuệ/ Báo Phụ Nữ TP.HCM 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục