Nhiều áp lực, nhưng vẫn sẵn sàng chia sẻ

Mặc dù lợi nhuận giảm mạnh do tăng trích lập dự phòng, nhưng bên cạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo tinh thần của Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN; trong thời gian qua các ngân hàng còn tích cực giảm lãi suất, giảm phí để chia sẻ khó khăn cùng khách hàng.

Cầu tín dụng yếu, rủi ro nợ xấu tăng…

Hiện dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm đã có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Tính trung bình, mỗi tháng có gần 11,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia ngân hàng, trong bối cảnh này, cả đầu vào và đầu ra của vốn – hai trục chính trong sự vận hành hoạt động của ngân hàng – đều đối mặt với khó khăn. Cái khó cho đầu vào của ngân hàng là nguồn tiền nhàn rỗi cả người dân, doanh nghiệp sẽ không còn dư dả nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp và kéo dài. Thậm chí nhiều người dân còn buộc phải rút bớt tiền gửi tiết kiệm để chi tiêu, trang trải chi phí sinh hoạt khi thu nhập bị giảm sút. Tương tự, doanh nghiệp không bán được hàng hoặc chưa thu được tiền về cũng sẽ phải lấy tiền tiết kiệm để trả lương cho người lao động, thanh toán nhà cung cấp nguyên vật liệu…

Trong khi ở phía đầu ra, áp lực cũng không hề thua kém. Với tình hình như hiện tại, chỉ có doanh nghiệp nào duy trì được hoạt động sản xuất – kinh doanh và có đầu ra của sản phẩm tốt mới dám vay vốn ngân hàng. Còn các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đình trệ, sản xuất cầm chừng sẽ không có nhu cầu vay vốn… Hệ quả là tín dụng tăng trưởng chậm lại.

Không chỉ giảm lãi suất, Vietcombank còn giảm hàng loạt phí dịch vụ để hỗ trợ khách hàng

Không chỉ chịu áp lực về nguồn thu chính đến từ tín dụng, sức khoẻ doanh nghiệp suy giảm chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của ngân hàng, nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. Thực tế khó khăn này đang phản ánh khá rõ nét trong báo cáo tài chính quý II/2021 vừa được nhiều ngân hàng công bố, hầu hết đều ghi nhận nợ xấu tăng lên đáng kể. Đơn cử tại ABBank, giá trị tuyệt đối nợ xấu tăng 17,6% trong nửa đầu năm và hiện chiếm 2,32% tổng dư nợ cho vay. Tại VietinBank nợ xấu cuối quý II/2021 là 1,38% tăng so với mức 0,94% tại thời điểm đầu năm…

Nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn tăng buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng. Chẳng hạn chi phí dự phòng của VietinBank trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 28% so với cùng kỳ. Hay như tại MB, trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng này đã nâng dự phòng rủi ro lên gấp đôi để đối phó với nợ xấu. Tương tự tại Techcombank, trong 6 tháng đầu năm dự phòng rủi ro tăng hơn 20%… Việc tăng mạnh trích lập dự phòng cho thấy những khó khăn mà ngân hàng đang phải đối mặt trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 ngày càng gia tăng.

… vẫn sẵn sàng chia sẻ

Mặc dù lợi nhuận giảm mạnh do tăng trích lập dự phòng, nhưng bên cạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo tinh thần của Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN; trong thời gian qua các ngân hàng còn tích cực giảm lãi suất, giảm phí để chia sẻ khó khăn cùng khách hàng.

Đại diện của VietinBank cho biết, dự kiến tổng số tiền cắt giảm thu nhập của VietinBank nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 trong năm 2021 là hơn 6.000 tỷ đồng. Agribank cũng dự kiến giảm 7.000 – 8.000 tỷ đồng thu nhập từ lãi và phí để hỗ trợ khách hàng.

Hay như Vietcombank, ngày 15/7 vừa qua nhà băng này đã giảm tiếp lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Đại diện ngân hàng cho biết, năm nay tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng vào khoảng 6.100 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, mới đây Vietcombank còn giảm hàng loại các loại phí dịch vụ để hỗ trợ khách hàng. Tính ra trong năm 2021, Vietcombank đã và sẽ giảm hàng trăm tỷ đồng tiền phí cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên khắp cả nước.

Với nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, tổng mức hỗ trợ khách hàng dao động từ vài trăm đến vài ngàn tỷ đồng.

Đánh giá cao những nỗ lực của ngân hàng trong thời gian qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng các ngân hàng vẫn tích cực giảm lãi suất, phí; triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ, không chuyển nhóm nợ để hỗ trợ người dân và doah nghiệp vượt qua những khó khăn của dịch bệnh. Dù đánh giá thời gian qua sức đề kháng của các ngân hàng cải thiện tích cực, nhưng với diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, TS. Hiếu bày tỏ lo lắng, về hoạt động kinh doanh của ngân hàng những tháng cuối năm. Đồng thời, khuyến nghị các ngân hàng cần phải có kế hoạch dự phòng không chỉ để đảm bảo gia tăng lợi nhuận mà đối phó với khủng hoảng.

TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng nhận định, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ còn lớn hơn trước diễn biến phức tạp của đại dịch. Khi đó, nợ xấu sẽ tiếp tục phát sinh và các ngân hàng vẫn đứng trước sức ép trích lập dự phòng rủi ro trong giai đoạn 3 năm tới.

Lãnh đạo một NHTMCP cũng thừa nhận là hoạt động ngân hàng đang trải qua giai đoạn khó khăn trước áp lực của dịch bệnh diễn ra có phần căng thẳng hơn so với dự báo. Song, theo chia sẻ của vị này, việc tín dụng chậm lại do ảnh hưởng của dịch bệnh, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03/2021/TT-NHN cho nợ tái cơ cấu hay việc giảm lãi suất cho vay… đều đã được nhà băng lường trước khi tính toán kế hoạch tăng trưởng năm nay. “Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xác định phải trích lập dự phòng cho cả nợ cơ cấu theo Thông tư 03 vì chúng tôi biết rằng, nếu không có Thông tư này, nợ xấu sẽ tăng mạnh. Vì vậy, chúng tôi luôn ý thức không quá lạc quan về lợi nhuận, lập kế hoạch trích lập đủ dự phòng cho phần nợ cơ xấu này”, vị này cho biết và kỳ vọng, nếu dịch không kéo dài quá 2 tháng, thì vẫn trong nằm trong sức chịu đựng của hệ thống ngân hàng.

Với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên nhiều mặt của nền kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, sự hỗ trợ của ngân hàng cũng đã tới giới hạn. Hơn thế trong bối cảnh hiện nay, các biện pháp hỗ trợ từ phía hệ thống ngân hàng chỉ làm vơi bớt chứ không thể xử lý dứt điểm được những khó khăn của doanh nghiệp, người dân cũng như thúc đẩy tăng trưởng.

Đồng quan điểm, một chuyên gia cho rằng, để thực hiện “mục tiêu kép”, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sớm kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Chẳng hạn, chính sách tài khoá phải đẩy nhanh thực hiện miễn thuế, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, bởi đây được xem là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng…

“Chỉ khi nào doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại, nền kinh tế mới thực sự phục hồi. Lúc này những chính sách hỗ trợ từ phía ngân hàng sẽ phát huy hiệu quả cao hơn”, vị này nhấn mạnh.

NguồnHà Thành/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục