Sinh viên bỏ trường công sang trường tư không vì đuối
Nhiều sinh viên sau khi vất vả thi vào được trường đại học công lập, học được một thời gian đã “bỏ chạy” sang trường tư. Có ý kiến cho rằng do người học không theo nổi quá trình đào tạo của trường công nhưng thực sự sinh viên có những suy nghĩ khác khiến trường công cần phải nhìn lại mình.
Nhiều người vẫn còn quan niệm học sinh giỏi mới vào đại học công lập, còn thi không nổi mới phải tốn nhiều tiền học ĐH tư thục. Nhưng gần đây, không ít sinh viên đã “nhảy” từ trường công sang trường tư vì lý do khác.
Dòng chảy ngược
V.T. Tài, cựu sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM đã “bỏ chạy” sang Trường ĐH Hoa Sen để học lại từ đầu ngành thiết kế đồ họa với học phí cao hơn gấp vài lần. Tài chia sẻ: “Học mỹ thuật chuyên sâu truyền thống, tôi cảm thấy rất ngán. Tôi thích thiết kế đồ họa theo hướng truyền thông đa phương tiện hiện đại, thú vị và kích thích sáng tạo nên đã quyết định bỏ để làm lại từ đầu. Sang đây, tôi học những kỹ năng trên thiết bị đồ họa hiện đại mà giới đồ họa thế giới đang sử dụng để dựng nên các phim 3D, game… rất thú vị”.
Cũng học đến năm thứ ba ngành quản trị kinh doanh chuyên ngành marketing của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM nhưng N.V. Phước quyết định dừng vì thấy chán. Phước tâm sự: “Suốt hai năm đầu, tôi phải học rất nhiều môn đại cương, toán cao cấp, kinh tế vi mô – vĩ mô… Tôi cảm thấy rất chán, học không vô nên điểm thi rất tệ. Định cố gắng bám tới cùng vì đã tốn tiền học phí ba năm nhưng cuối cùng vẫn không trụ nổi. Tôi đã xin gia đình nghỉ học để làm lại từ đầu”.
Vậy là Phước trở thành tân sinh viên của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, nơi có học phí cao gấp ba lần so với trường ĐH trước. Sau hai học kỳ ở ngôi trường mới, Phước nhận ra mình đã quyết định đúng.
“Ngay năm đầu, ngoài các môn chung bắt buộc mọi sinh viên phải học, tôi còn được học các kiến thức hỗ trợ cho chuyên ngành marketing như: hành vi người tiêu dùng, tâm lý khách hàng, truyền thông tích hợp, marketing trực tiếp, chiến lược marketing trong thế giới mạng… Xen kẽ với các môn toán cao cấp, kinh tế vĩ mô là các môn kỹ năng nghề nghiệp nên tôi rất thích và đi học đều”, Phước cho biết.
Tương tự, Đ.T. Thùy Linh sau khi cạnh tranh để lọt vào một trong những trường top của nhóm ngành khoa học xã hội là Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đã “chạy” sang học ngành tiếng Trung thương mại của Trường ĐH Văn Hiến. Lý do của Linh đơn giản là không đi theo hướng nghiên cứu nên đã sang học ở trường mới; được học tiếng và chuyên ngành nhiều hơn, phù hợp với nhu cầu đi làm sau này.
Chưa có thống kê chính thức nhưng xu hướng “dòng chảy ngược” này càng nhiều. Chung quy, mục đích cuối cùng của việc học ĐH là để thực hành nghề nghiệp tương lai. Môi trường, chương trình đào tạo phải tiệm cận, dung hòa được với nhu cầu của người học lẫn thị trường lao động. Vài năm gần đây, có thể thấy thị phần tuyển sinh của trường công – trường tư không còn theo phân cấp chiếu trên – chiếu dưới như trước. Vẫn có những học sinh giỏi chủ động chọn vào trường tư ngay từ đầu chứ không chờ rớt trường công mới vào trường tư.
Vì người học không theo nổi hay… nhà trường đuối?
Lý giải hiện tượng này, dĩ nhiên, nhiều nhà đào tạo ở ĐH công biện minh rằng chính người học không đủ năng lực theo chương trình đào tạo ở trường công lập nên phải bỏ cuộc giữa chừng, trong khi ở trường tư có vẻ dễ dãi hơn.
Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, với danh tiếng sẵn có và cơ chế công lập thiếu tự chủ đã dẫn đến sự “ngủ quên” của nhiều trường công lập, đầu tư ít, chậm thay đổi chương trình và cách thức đào tạo. Nhiều sinh viên thẳng thắn chê những môn lý thuyết dày đặc trong chương trình học ở trường công. N.V. Phước nói: “Suốt hai năm, tôi phải học nhiều môn cơ sở quá cũ kỹ, lạc hậu và không biết học để làm gì. Tôi không tìm thấy những thứ mình cần cho công việc tương lai nên mất hứng thú”.
Quả thực, chương trình đào tạo ở nhiều trường công lập còn khá nặng lý thuyết hàn lâm; khối lượng kiến thức đại cương – cơ sở chiếm tỷ trọng khá lớn. Lý giải cho sự chậm thay đổi này, phó phòng đào tạo một trường ĐH “bật mí”: do lịch sử để lại, ở nhiều trường ĐH vẫn còn các khoa cơ bản, khoa đại cương với số giảng viên khá nhiều nên họ vẫn muốn giữ chương trình đào tạo có môn của họ. Mỗi lần xây dựng chương trình mới, chỉ cần bỏ bớt liền bị ý kiến này nọ. Chưa kể, có một nguyên nhân khách quan là đầu tư dạy các môn thực hành chi phí sẽ cao hơn so với môn lý thuyết.
Trong khi, tốc độ thay đổi, cải tiến ở trường tư bắt buộc phải nhanh chóng để thu hút người học và thuyết phục nhà tuyển dụng. Một vị trưởng phòng đào tạo ĐH công lập cảm thán: “Tốc độ xây trường của một số trường tư còn nhanh hơn trường công lập lập dự án xin sửa chữa thư viện, nhà vệ sinh… Thêm vào đó, nhiều trường tư trả thù lao cho giảng viên có học vị cao từ 2-5 lần so với trường công thì tất nhiên họ có quyền đòi hỏi khắt khe hơn và giảng viên phải đầu tư chăm chút cho bài giảng hơn”.
Đầu tư vào giảng viên và thiết kế chương trình tiếp cận với thực tế là cách mà nhiều trường tư đang làm. Như tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, có đến 50% số giảng viên là các CEO, chuyên viên cao cấp từ các doanh nghiệp được chuẩn hóa chuyên môn, đào tạo nghiệp vụ sư phạm tham gia giảng dạy. Hiện trường có hơn 1.200 giảng viên doanh nhân đến từ các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc… Ngoài đứng lớp, những giảng viên này tham gia cố vấn, góp ý chương trình đào tạo.
Bản thân nhiều trường ĐH tư thục có tiềm lực đã ý thức không thể “đua” với các trường công về học thuật hàn lâm nên đã chọn hướng ứng dụng phù hợp với phân khúc năng lực người học của trường tư. Hướng đi riêng này thực tế đã đáp ứng nhu cầu thị trường lao động nên thu hút người học.
Theo Gia Tuệ/ Báo Phụ Nữ TP.HCM
Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/sinh-vien-bo-truong-cong-sang-truong-tu-khong-vi-duoi-a1401181.html