Trả lại sự “trong lành” cho học hành, thi cử đâu khó đến vậy

Giải pháp sẽ không khó tìm ra khi các ngành hiệp lực và luôn tâm niệm con trẻ chính là tương lai của đất nước.

Thông tin VKSND tỉnh Sơn La vừa truy tố 8 bị can trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La có thể nói là sự kiện được rất nhiều bạn đọc quan tâm trong mấy ngày qua.

Trong khi chờ kết quả phán xét của tòa án, Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La cũng đã tổ chức họp và xem xét hình thức kỷ luật đối với các bị can liên quan đến việc gian lận thi cử ở Sơn La. Hình thức kỷ luật là khai trừ Đảng 8 cựu cán bộ giáo dục và công an.

Bạn đọc Xuân Huỳnh bức xúc: Không thể hiểu nỗi vì sao những “người lớn” lại làm như vậy. Môi trường giáo dục, chuyện học hành, thi cử lẽ ra phải được những “người lớn” giữ gìn cho thật trong trẻo, khách quan, trung thực….có như vậy con em mình mới nên người. Khả năng học tập của các em đến đâu thì hay đến đó. Em nào học giỏi thì học tiếp lên cao, em nào năng lực yếu hơn thì cũng chẳng sao vì có thể mai này sẽ chọn ngành nghề khác phù hợp với khả năng. Cớ sao lại bỏ tiền ra đi xin xỏ, đi mua điểm. Với những số điểm “đẹp”, nhưng không phải đúng năng lực của các em, thử hỏi các em học tiếp lên cao với năng lực “hạn chế ” như thế sẽ rất nguy hại cho chính bản thân các em, và cho xã hội.

Phải trả lại sự “trong lành” cho chuyện học hành, thi cử

Có cùng suy nghĩ như trên, bạn đọc Ngọc Loan chia sẻ thêm: Thời gian ngồi trên ghế nhà trường cứ vô tư mà học, học giỏi thì lớn lên có thể làm bác sĩ, kỹ sư, luật sư…; học “không” giỏi cũng không nên quá lo lắng, vì vẫn có thể làm những ngành nghề phù hợp với khả năng. Không có ngành nghề nào gọi là “xấu” cả , ông bà xưa đã nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” mà. Những “người lớn” đi mua điểm cho con vừa qua như vậy là hại con em mình rồi.

Bạn đọc Quang Thắng bình luận: Trong mục “Nói thẳng” của quý Báo có nêu: “Dư luận đòi hỏi các cơ quan tố tụng địa phương phải thể hiện rõ sự quán triệt tinh thần chỉ đạo của các cấp – ngành trung ương, phải làm triệt để, không để sót, lọt và thiếu nghiêm minh. Lòng tin của người dân sẽ được nâng lên khi cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ và xử lý tới nơi tối chốn, đúng người, đúng tội”. Tôi tán đồng quan điểm này, song theo tôi việc phán xử tội ít, tội nhiều là chuyện “đã rồi” của tòa án. Với những “người lớn” nhưng lại làm “bậy”, tất cả đều có “tội” như nhau. Tôi đặc biệt quan tâm đến giải pháp từ các cơ quan chức năng: sẽ làm gì để không còn xảy ra vụ án thứ 2 mang tên “mua điểm” trong thời gian tới?

Tự trả lời cho câu hỏi của mình đặt ra, bạn đọc Quang Thắng cho rằng giải pháp sẽ không khó tìm ra khi các ngành hiệp lực và luôn  tâm niệm con trẻ chính là tương lai của đất nước.

Theo Hiếu Trung/ NLĐO

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục