Kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp THPT ứng phó mùa dịch

Theo trải nghiệm từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2020 của giáo viên và học sinh vùng dịch, thí sinh nên tập trung ôn tập, giữ gìn sức khỏe, tự tin để làm bài thi đạt kết quả tốt.

Nguyễn Lê Vũ, thủ khoa khối B Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 với số điểm tuyệt đối 30/30.

Xây dựng kế hoạch ôn tập khoa học

Võ Thu Hà (SV năm thứ nhất, Khoa Báo chí, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) nhớ lại: Khi có thông tin chính thức việc HS Đà Nẵng sẽ dự thi tốt nghiệp THPT vào đợt 2, tâm trạng em rất phức tạp. Lúc đó, em không biết nên vui hay buồn nữa. Đà Nẵng thời điểm đó là tâm dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, chiều nào cũng có thêm vài chục ca mắc mới. Ba mẹ em có ý định nếu HS Đà Nẵng vẫn tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT cùng thời gian với HS cả nước sẽ không cho em đi thi vì sợ mắc bệnh.

Nhưng Hà và các bạn lại có nỗi lo khác. Mức độ đề thi của đợt 2 có khó hơn không, cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH sẽ như thế nào khi chưa biết cụ thể thời gian thi đợt 2 khiến HS Đà Nẵng và hơn 1/2 thí sinh của Quảng Nam những ngày tháng 8/2020 nhấp nhổm không yên.

“Dù mỗi ngày đều có kế hoạch ôn tập, nhưng em và các bạn có tâm lý một mình ôn thì không hiệu quả. Giờ cả thành phố đang thực hiện giãn cách, chúng em không học nhóm được, cũng không đi học thêm được, cứ tự học nên cũng hơi mông lung”, Thu Hà kể.

“Xốc” lại tinh thần, nữ sinh tìm hiểu kinh nghiệm ôn tập của các anh chị khóa trước, xây dựng lại kế hoạch, phân chia thời gian và phương pháp ôn tập hợp lý. Mỗi ngày, nhóm bạn của Hà, ngoài động viên nhau tập trung học ôn còn “nghe ngóng” thông tin liên quan đến kỳ thi.

Trần Thanh Tĩnh – HS chuyên Anh, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) là thủ khoa khối A với 29,05 điểm và là á khoa khối B với 29,8 điểm của Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2020. Tĩnh chia sẻ: Thời điểm đó, chúng em rất muốn thi sớm. Kéo dài thời gian thi cũng đồng thời phải tiếp tục ôn tập với sự tập trung cao độ là rất mệt.

Thí sinh toàn thành phố Đà Nẵng được xét nghiệm Covid-19 trước khi tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2020.

Thế nhưng, em cũng lo lắng vì tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng vẫn rất căng thẳng. Chúng em hiểu, lùi thời gian thi cho HS vùng dịch nhằm bảo đảm an toàn cho thí sinh và thầy cô giám thị cùng những bộ phận khác liên quan. Em và các bạn được thầy cô giáo động viên cần tập trung ôn tập, chấp hành các quy định phòng dịch, không đi ra ngoài nếu không thật sự cần thiết.

Kịp thời ổn định tâm lý, mỗi ngày Tĩnh dành từ 5 – 6 tiếng tập trung cho việc ôn tập, giải các dạng đề thi theo đúng với thời gian thi thực tế. “Nếu HS có kế hoạch, phương pháp và mục tiêu ôn tập rõ ràng ngay từ sớm, có nền tảng kiến thức tốt dù kỳ thi diễn ra vào thời điểm, trong bối cảnh như thế nào thì đều có thể thích ứng được. Ngoài ra, khả năng tự học rất quan trọng với mỗi thí sinh trong điều kiện các lớp ôn tập đã kết thúc. Đây cũng là giai đoạn quan trọng để thích nghi với phương pháp học ở bậc ĐH” – Trần Thanh Tĩnh chia sẻ kinh nghiệm.

Quyền lợi và sự an toàn của thí sinh luôn được bảo đảm

Trước thời điểm diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2020, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh lùi một số mốc thời gian trong lịch triển khai công tác tuyển sinh ĐH, CĐ. Trần Thanh Tĩnh nhận xét: Khi tìm hiểu phổ điểm thi của đợt 1, chúng em khá lo lắng vì điểm thi của các bạn khá cao.

Nếu thí sinh đợt 2 phải tham gia xét tuyển riêng sẽ có sự thiệt thòi vì không phải trường ĐH nào cũng dành chỉ tiêu hợp lý. Em lại có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, có sự cạnh tranh khá cao. Chính vì vậy, khi Bộ GD&ĐT lùi thời hạn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển để thí sinh dự thi đợt 2 cùng được tham gia xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng cùng với thí sinh đợt 1, mọi lo lắng của chúng em được giải tỏa.

Click vào ảnh để xem nội dung.

Nguyễn Lê Vũ, cựu HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, thủ khoa khối B toàn quốc của Kỳ thi tốt nghiệp THPT “lịch sử” với số điểm tuyệt đối 30/30 nhớ lại: So với các bạn dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1, thí sinh đợt 2 có bị ảnh hưởng chút ít vì vấn đề tâm lý ban đầu.

“Nhưng về sau, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đều được các thầy cô và cơ quan y tế chuẩn bị chu đáo nên em và các bạn không quá lo ngại. Đề thi không có sự chênh lệch và bảo đảm công bằng cho thí sinh của cả 2 đợt thi. Thậm chí, thí sinh thi ở đợt 2 còn có chút “may mắn” hơn khi có thêm thời gian để ôn tập cũng như xem được cấu trúc đề đợt 1 để chuẩn bị kỹ hơn” – Vũ tâm sự.

Thầy Lê Phước Bình – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) nhắn gửi đến những HS lớp 12 đang tập trung ôn tập trực tuyến: “Đợt dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 7/2020, Đà Nẵng đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 trong điều kiện toàn thành phố vẫn thực hiện giãn cách xã hội. Quyền lợi và sự an toàn của HS bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh.

Vì vậy, các em cần thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch, nếu không thực sự cần thiết, hạn chế tập trung đông người. Đặc biệt, HS cần giữ sức khỏe thật tốt từ nay đến khi thi. Thầy cô vẫn luôn bên cạnh, hỗ trợ các em trong quá trình ôn tập, giải đáp những thắc mắc cả về kiến thức lẫn thông tin liên quan đến kỳ thi. Ngoài ra, thí sinh cần thường xuyên trao đổi với các bạn theo nhóm học tập và giáo viên để nắm chắc kiến thức và phương pháp làm bài”.

Thầy Lê Vinh – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) nhận xét: Với những HS có phương pháp tự học, có mục tiêu rõ rệt, các em sẽ tận dụng thời gian hơn 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội để ôn tập, hệ thống lại kiến thức rất hiệu quả và có sự bứt phá rõ rệt. Như trường hợp thí sinh Nguyễn Lê Vũ – thủ khoa khối B với điểm bài thi 3 môn đạt điểm tuyệt đối 30/30. Trong các đợt thi thử, kết quả bài thi của Vũ chỉ xếp thứ 3 – 4. So sánh kết quả các lần thi thử và quá trình học tập, GV chủ nhiệm đã động viên, góp ý cho Vũ từ tâm lý, kỹ năng làm bài thi, một số lưu ý trong ôn thi. Vũ đã có sự bứt phá đáng kể, rất nỗ lực, quyết tâm trong quá trình ôn tập và làm bài thi.

NguồnHà Nguyên/ Giáo dục & Thời đại
Bài cùng chuyên mục