Hương chuối tuổi thơ
Tôi cứ nhớ mãi bụi chuối sau hè xạc xào cánh gió. Mùa sang, chuối trổ hoa, kết quả, chín vàng...
Nội tôi thường đứng ngó nghiêng giữa trời trưa oi ả, khum tay nhìn lên buồng cao lúc lỉu thân mình. Hễ thấy buồng chuối vừa độ chín vàng, nội nhắc: “Đem cây dao ra cho nội chặt buồng chuối chín bói, treo lên ăn từ từ. Để ngoài này chim chóc kéo đến rỉa hết, tiếc lắm!”. Nghe nội sai, tôi vội vã xách con dao dưới bếp mang ra hè. Nội khéo léo chặt ngang nửa thân cây cho đổ xuống, cắt buồng chuối rồi đem treo trên giàn.
Tôi không biết ông đã xin giống chuối này ở đâu mang về, rồi lặng lẽ xới đất vun trồng tự khi nào. Chỉ nhớ rằng bụi chuối sau hè gắn trọn với những nỗi niềm ký ức tuổi xưa. Dưới bóng chuối xanh rờn, bọn trẻ quê rủ nhau chơi đồ hàng, bắn bi hay chuyện trò rôm rả, chán chường lại lăn ra đánh giấc say mèm.
Thuở thiếu thời hồn nhiên như cỏ dại, lớn lên như chim trời rồi mãi khắc ghi vào tim bóng hình quê hương yêu dấu. Niềm vui tuổi thơ thu gọn trên cánh đồng làng mùa gặt, trên bờ đê lộng gió ban chiều, con diều rập rờn trên nền trời xanh biêng biếc và bụi chuối sau hè bình dị, bao dung. Thật bình yên những trưa trải rơm nằm gốc chuối ôn bài, bi bô đánh vần những bài học đầu đời đến giờ tôi vẫn nhớ.
Con gà mái tơ của nội cục tác cục ta nhảy vào đẻ trứng trong bụi chuối. Bọn trẻ chúng tôi cứ rình rập mãi đến khi chạm được vào quả trứng hồng mới thỏa chí tò mò. Cơm trong nhà không ăn, hai ba đứa lại mang cơm ra gốc chuối ngồi co ro vừa ăn vừa trò chuyện, kể nhau nghe những chuyện vui buồn, cả tình yêu đầu đời mộng mơ con trẻ.
Làm sao quên được vị ngọt tận ruột gan trong quả chuối chín bói trên cây. Chuối chín nhiều, ăn không hết nội sai tôi mang cho nhà hàng xóm “ăn lấy thảo”. Người xóm thương thi thoảng có món ngon vật lạ cũng mang biếu lại cho bà.
Từ buồng chuối chín vàng, nội tôi chế biến ra nhiều món ăn đậm đà hương đồng gió nội. Những trưa nắng nóng mà được ăn chén chè chuối thơm lừng, đậu phộng rang giòn béo ngậy của nội thì không còn gì bằng. Món bánh chuối hấp chan nước cốt dừa trắng đục, vị ngọt đầu lưỡi lan tỏa tận tâm can rồi lắng đọng trong miền tuổi thơ thương nhớ.
Lại nhớ xiết bao những ngày đói khổ mưa dầm, không có gì ăn cơm phải ăn kèm với chuối. Một miếng chuối hai ba muỗng cơm cũng đủ để người quê no lòng, đủ sức gánh gồng qua bao thăng trầm sóng gió. Ngày nọ, đang mải mê bẫy bầy chim sẻ bên hè, tôi bàng hoàng phát hiện ra chỗ cây chuối đã hạ tháng trước mọc lên một chồi non mới.
Tôi hí hửng reo lên, nội bảo: “Cây mẹ chết rồi thì cây con mọc lên từ thân cây mẹ, có gì lạ đâu?”. Tôi cười tít mắt. Rồi cây chuối kia sẽ lại vươn lên với đời, tỏa bóng tuổi thơ và chắt chiu buồng quả. Rồi chúng lại vàng ươm, lại kết đọng trong chén chè thơm hay món bánh chân quê nội làm những chiều quê yên tĩnh…
Xa rồi món bánh tuổi thơ. Xa rồi bụi chuối sau hè đong đầy ký ức. Cả lũ trẻ thân thương trong xóm, bây giờ mỗi đứa một phương. Giữa những chộn rộn quê người, tôi bỗng thấy lòng xuyến xao khi nghe ai đó cất lên lời rao quen thuộc: “Ai bánh chuối, chè chuối, đậu phộng, nước cốt dừa béo ngậy hôn”.
Giọng rao ngân dài như nặng gánh cuộc đời, giọng rao se sắt gói trọn tấm lòng người quê trong món ăn bình dị, nghĩa tình. Tôi bỗng thấy nhớ bà tôi da diết, nhớ sao dáng nội lưng còng, không biết chiều nay nội có lặng lẽ ra khum tay nhìn buồng chuối sau hè mà thủ thỉ: “Chuối chín rồi! Mà sao thằng Lúa vẫn chưa về!”.
Tôi ngập ngừng nghe tiếng gọi quê hương…