Quà chợ

Thuở ấu thơ, ai chẳng từng nhiều lần ra cổng, ngoái nhìn về phía con đường đất đỏ quanh co chờ mẹ về từ những buổi chợ phiên? Đối với tôi, có lẽ, đó là một trong những mảng ký ức ấm áp và yên vui nhất của cuộc đời này. Để những chiều nhớ quê, nhớ những món quà nhỏ đơn sơ tình mẹ, lại thấy lòng tha thiết, bâng khuâng...

Quê tôi ngày đó dân cư còn thưa thớt, năm ngày mới có một phiên chợ chiều. Thành thử, mỗi lần mẹ xách làn đi chợ, mấy anh em lại rạo rực, nôn nao khó tả, thi nhau đoán già, đoán non xem lát nữa mẹ về sẽ mang theo thức quà nào.

Hôm nào cũng vậy, trở về từ phiên chợ xa, trong chiếc làn nhựa màu đỏ của mẹ thể nào cũng một món quà vặt, khi thì gói bỏng ngô, lúc thì quả cam, chùm ổi, bánh đa, bánh đúc… Trẻ con thường vậy, cứ được nhận quà là tíu tít, hân hoan.

Ảnh minh họa

Những chiều muộn, anh em tôi hay tha thẩn chơi ô ăn quan dưới gốc cây bàng rợp bóng. Hễ thấy bóng mẹ thấp thoáng đi chợ về trong nắng chiều lấp lánh là vứt luôn những viên sỏi xanh còn chơi dở, chúng tôi ba chân, bốn cẳng chạy ra đón mẹ, đứa túm gấu áo, đứa nắm quai làn. Thằng út là đứa chạy chậm nhất, sợ mấy anh chị tranh hết phần nên ngồi bệt giữa đám cỏ khóc ròng ăn vạ. Chúng tôi hùa nhau chỉ trỏ: “Lêu! Lêu! Xấu hổ! Lấy cái rổ mà che…”.

Nhà có ba anh chị em. Nên riêng việc chia quà cho từng đứa cũng bao lần khiến mẹ phải nhức đầu. Nào thì quả cam này to, quả cam kia nhỏ. Nào thì vừng lạc ở cái bánh đúc này ít, cái kia nhiều. Nào thì gói bỏng ngô có túi bóng màu đỏ… đẹp hơn gói bỏng ngô có túi bóng màu xanh. Và còn bao cái “tiêu chí” khác nữa. Chúng tôi cứ om sòm cãi cọ, tị nạnh nhau làm mẹ khuyên nhỏ nhẹ không được, đành phải nghiêm khắc rút chiếc roi giắt trên vách nhà xuống nhắc nhở.

Quà chợ chỉ là những thức quà quê cây nhà, lá vườn mộc mạc, mà ngọt ngào cả thuở ấu thơ. Những gói bỏng thơm nức hương ngô tẻ. Chiếc bánh kê vừa dẻo, vừa giòn. Tấm bánh đúc trắng mềm, bùi béo. Mấy trái ổi đào nhiều hạt kẹt vào lỗ sâu răng. Quà chợ chẳng có nhiều mà ăn cho no căng. Bởi mẹ bảo, còn phải để dành bụng lát còn ăn cơm nữa. Có hôm, tôi giấu nhẹm món quà ấy vào tủ quần áo, đợi đến sáng mai mới lấy ra thưởng thức cho đỡ thòm thèm.

Đi chợ về, nhiều hôm vội quá quên mua nước mắm, mì chính, bột canh nhưng chưa bao giờ mẹ quên mua quà chợ. Mẹ biết, chút quà mọn ấy là niềm mong đợi lớn nhất của đám con nheo nhóc sau năm ngày dài đằng đẵng. Mỗi đứa có một sở thích riêng, nên phiên chợ hôm nay mua quà này, phiên chợ sau mẹ sẽ mua quà khác. Nhiều lần chúng tôi ngoan ngoãn chia sẻ từng hạt bỏng ngô cho nhau, đôi mắt long lanh của mẹ không giấu nổi niềm hạnh phúc.

Còn nhớ, hồi ấy, những chiều nhìn mẹ phát quà chợ cho anh em tôi, chị em cái Hĩm nhà bên cạnh lại núp bên rào râm bụt um tùm đưa đôi mắt khát khao, len lén nhìn sang. Mẹ nó đã mất vì bệnh hiểm nghèo. Bố nó suốt ngày rượu say, đi chợ bữa đực, bữa cái. Chúng nó chẳng bao giờ biết miếng bánh kê, bánh đúc là gì. Thế nên, có đôi hôm đi chợ về muộn, mẹ thường mua thêm quà, sai tôi mang sang chia sẻ cho chị em bọn nó. Rụt rè nhận quà, gương mặt chúng bừng lên rạng rỡ.

Cái ngon của quà chợ thuộc về sự san sẻ. Càng san sẻ lại càng thấy ngon. Để lúc lớn lên, chúng ta nhận ra, đọng lại sau cùng ở những món quà chợ không phải là vị ngọt của bỏng, vị bùi bánh kê, hương thơm của ổi, bùi bùi bánh đa mà là tình mẹ nồng ấm, bao la; là nỗi nhớ cồn cào, thấm đượm.

Bởi thế mà giờ đây, khi đã bươn bả những con đường riêng, trong tâm khảm tôi vẫn còn lưu giữ một con đường uốn khúc quanh co có bước chân mẹ đi về từ những phiên chợ quê thầm lặng…

Tuổi thơ là thế, luôn bình yên và thao thức. Chừng nào trái tim còn đập trong lồng ngực, chừng đó, tôi còn ngóng nhớ tuổi thơ. Sẽ thật thiếu sót khi định nghĩa tuổi thơ không nhắc đến những món quà chợ…

NguồnPhan Đức Lộc/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục