TP. Hồ Chí Minh: Bố trí vùng đệm để phân phối hàng hóa

TP.HCM dự kiến bố trí 3 vùng đệm tại huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và TP. Thủ Đức, để các chành hàng, chủ hàng trao đổi tài xế, tiếp tục vận chuyển hàng hóa.

Từ ngày 28/6, chợ nông sản đầu mối Hóc Môn dừng hoạt động, còn chợ đầu mối Bình Điền, chợ Thủ Đức cũng dừng từ 6/7 và 7/7 để phòng chống Covid-19 sau khi xuất hiện các ca nhiễm tại đây. Việc cả 3 chợ đầu mối lớn của TP. HCM phải dừng hoạt động vì Covid-19 ảnh hưởng nhiều tới tình hình cung ứng hàng cho thành phố, tiêu thụ hàng của các tỉnh miền Tây, Đà Lạt… Quan trọng hơn hết là việc này đã khiến giá rau củ tăng lên chóng mặt so với ngày thường do không phân phối vào được thành phố.

TP.HCM dự kiến bố trí 3 vùng đệm để trung chuyển hàng hóa

Để giải quyết tình trạng này và đảm bảo việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, sau khi xem xét, đánh giá kỹ lưỡng điều kiện và yêu cầu thực tế, UBND TP.HCM đã giao Sở Công thương và TP.Thủ Đức, Quận 8, huyện Hóc Môn hướng dẫn 3 chợ đầu mối xây dựng phương án, tổ chức điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tạm thời tại khu vực sân bãi của các chợ. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Công thương TP.HCM phối hợp cùng các quận, huyện, TP. Thủ Đức tạo điều kiện cho tiểu thương và thương nhân tại 3 chợ đầu mối tổ chức tiếp nhận hàng hoá thông qua các chành, vựa, trung bình khoảng 4.500-5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống/ngày đêm… nhằm bảo đảm nguồn nông sản thực phẩm phục vụ nhu cầu người dân thành phố trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Lãnh đạo Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, đã sắp xếp được trung tâm trung chuyển hàng hóa ở bãi xe rộng gần 10.000 m2 phía sau chợ, được chia làm 18 ô riêng cho các thương nhân lớn làm điểm trung chuyển hàng hoá từ các tỉnh về cung cấp cho thị trường TP. HCM. Ông Nguyễn Nhu, Phó tổng giám đốc CTCP Quản lý kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, trung tâm trung chuyển này sẽ hoạt động từ 17 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau; dự kiến sẽ “sang xe” 1.500-2.000 tấn hàng hóa rau củ quả mỗi đêm.

“Khu vực trung chuyển được kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt, chỉ có xe tải chở hàng từ các tỉnh về và xe tải nhỏ vào nhận hàng đã đăng ký trước với ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức mới được ra vào, tuyệt đối không có xe ba gác hay xe máy đến chở hàng. Hàng hoá về đến điểm trung chuyển bốc xếp lên xe tải nhỏ chở đi ngay, không được ở lại trong khu vực bãi. Tất cả tài xế bên giao lẫn bên nhận hàng, nhân viên bốc xếp làm việc tại điểm trung chuyển đều phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ, phải tiến hành khai báo y tế…”, ông Nhu nói.

Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn cũng đã trình UBND huyện Hóc Môn phương án lập trạm trung chuyển hàng hoá cũng trong khuôn viên chợ, sẽ triển khai thực hiện sớm nhất. ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, Ban quản lý chợ bố trí bãi tập kết rộng hơn 2.000m2 (chứa khoảng 10 xe container hàng). Phương tiện vận tải phải đạt yêu cầu “luồng xanh” (an toàn, đáp ứng các quy định phòng dịch như lái xe phải có test Covid – 19 âm tính…) mới được chấp nhận tham gia kinh doanh. Các xe chở hàng sẽ được phân luồng, đỗ cách nhau 3-4m, nhanh chóng sang hàng với xe nhập và sau đó rời khỏi chợ theo luồng đã phân định. Tất cả người, phương tiện vào, ra chợ đều phải tuân thủ chặt chẽ quy định phòng dịch, xe được tiêu độc, khử trùng… “Từ thời điểm đóng cửa chợ ngày 28/6 để phòng dịch, chợ Hóc Môn đã được khử trùng 3 lượt. Kế hoạch tái mở cửa chợ này liên tục bị lùi lại do tình hình dịch bệnh căng thẳng. Vì thế, bối cảnh dịch tại TP. HCM vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, Ban Quản lý chợ đang tính toán và trình việc mở lại một phần hoạt động của chợ”, ông Dũng cho biết.

Theo thống kê từ Sở Công thương TP.HCM, cho đến ngày 13/7, toàn thành phố chỉ còn 68 chợ truyền thống hoạt động; 169 chợ (bao gồm 3 chợ đầu mối) và 4 siêu thị phải tạm đóng cửa để thực hiện phòng chống dịch. Để vẫn bảo đảm nguồn hàng cung ứng cho người dân, hàng hóa thực phẩm tươi sống từ các trạm trung chuyển sẽ được chở về các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Sở Công thương TP.HCM yêu cầu các siêu thị có kho dự trữ và nguồn hàng dự phòng, bảo đảm liên tục cung ứng lên quầy kệ. Sở Công thương TP.HCM cũng đã vận động các cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ, len lỏi trong khu dân cư, đặc biệt là cửa hàng tiện lợi, bổ sung thêm hàng thực phẩm tươi sống.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, sở đã tạo điều kiện cho tiểu thương và thương nhân 3 chợ đầu mối tăng cường tiếp nhận hàng hóa tại các khu trung chuyển thông qua các chành, vựa lên mức 4.500-5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống/ngày đêm, tăng gấp đôi lượng hàng trong những ngày trước khi thực hiện Chỉ thị 16. Ngoài ra, để đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân, Sở Công thương cũng yêu cầu nếu chợ nào có nguy cơ đóng cửa thì phải báo sớm với sở để xem xét, nếu còn khả năng thì phải khắc phục để không phải đóng chợ.

“Quận, huyện nào muốn đóng một chợ truyền thống nào đó thì phải kiếm một mặt bằng phù hợp quanh đó để sở chỉ đạo các hệ thống phân phối tổ chức điểm bán hàng di động phục vụ người dân trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16”, ông Phương cho biết.

NguồnMinh Lâm/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục