Hàng loạt trường “lùm xùm” học phí đầu năm, chuyên gia cho biết: “Không hợp lý, thậm chí không phải đạo!”

Tăng học phí năm học mới, tiền học quá cao so với việc học online..., nhiều phụ huynh ở một số trường tư thục tại Hà Nội gửi đơn "cầu cứu" vì khoản thu không hợp tình, hợp lý. Chuyên gia nói gì về vấn đề này?

Hàng loạt phụ huynh trường tư thục “cầu cứu”

Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT Hà Nội, học sinh trường công lập sẽ tựu trường sớm nhất ngày 1/9, trường tư thục có thể sớm 4 tuần. Tuy nhiên gần 1 tháng qua, một số phụ huynh ở hàng loạt trường tư thục bày tỏ bức xúc với chính sách học phí đầu năm của trường.

Tại Trường Liên cấp Everest, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhiều phụ huynh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và gây ảnh hưởng không ít tới thu nhập của các hộ gia đình, trường vẫn đều đặn tăng học phí 5% mỗi năm. Thời gian học online chỉ 2 giờ đồng hồ nhưng học phí thu với mức thu 80% so với học trực tiếp cả ngày. Hơn nữa, học sinh học từ ngày 16/8, nhưng học phí lại thu cả tháng 8 mà không có thông báo rõ ràng và thu cả tiền ăn, tiền bán trú…

Phụ huynh kiến nghị những điều bất cập này từ ngày 27/7 nhưng đến nay nhà trường và phụ huynh vẫn chưa đi đến thống nhất.

Học phí trường Liên cấp Everest tăng 5% mỗi năm. Ảnh: NVCC

Tương tự, nhóm phụ huynh Trường Tiểu học-THCS FPT, quận Cầu Giấy Hà Nội cũng 2 lần gửi đơn “cầu cứu” khi hơn 1 tháng qua phụ huynh và nhà trường đã nhiều lần trao đổi trực tiếp lẫn gián tiếp (qua email) nhưng chưa nhận được phản hồi thỏa đáng.

Cụ thể, phụ huynh cho rằng trường đã tăng mức học phí và tăng tốc thu học phí, giới hạn các hình thức thanh toán tiền học phí gây khó khăn cho phụ huynh học sinh trong mùa dịch. Cụ thể, năm học mới này phụ huynh phải đóng học phí tăng lần lượt 4,2%; 7,9% và 9,8% (tùy vào năm nhập học). Ngoài ra, các khoản thu khác của trường cũng chưa phù hợp như phí dã ngoại 1 triệu đồng bắt buộc, không sử dụng hệ thống liên lạc điện tử nhưng vẫn đóng 400.000 đồng/năm/học sinh… Nếu phụ huynh không đóng học theo đúng thời hạn sẽ “được hiểu là không có nhu cầu học tại trường”.

Tin nhắn thông báo không đóng học phí trước thời hạn sẽ được xem là không có nhu cầu học. Ảnh: NVCC

Tại Trường Liên cấp Newton, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, một phụ huynh có con vào lớp 1 cho biết: “Ngay từ đầu tháng 8 nhà trường đã thông báo học online và nhiều lần phụ huynh kiến nghị tạm thời lùi lại đến đầu tháng 9 để tình hình dịch ổn định nhưng không được chấp nhận. Học sinh lớp 1 chưa biết gì mà phải học trực tuyến thì sao đạt hiệu quả. Trong khi đó, trường lại yêu cầu đóng học phí tới 75% so với mức học phí học trực tiếp”. Phụ huynh này cũng cho biết, năm nay học phí của trường tăng 10% so với năm học 2020-2021.

Trước đó, tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cũng khiến nhiều phụ huynh phản đối chính sách học phí. Theo chia sẻ, lần đầu trường thông báo về việc thu học phí và các khoản đầu năm mới với học phí 100% và hình thức học sẽ là trực tuyến. Sau đó học phí của học sinh được giảm 50% hoặc 70% so với học trực tiếp, tùy theo từng khối học. Trong các tháng tiếp theo, nếu học sinh tiếp tục học trực tuyến, nhà trường sẽ thu 75% học phí so với học trực tiếp tại trường.

Tuy nhiên, phụ huynh của trường cho rằng, Ban Giám hiệu thông báo giảm 50% học phí để hỗ trợ mùa dịch nhưng thời gian học giảm một nửa so với trước kia, các môn cũng bị cắt thì số tiền này chưa thỏa đáng.

Hiện tại, một số phụ huynh cũng kiến nghị nhà trường giảm một số khoản thu đầu năm khác như phí đầu tư phát triển trường, quỹ hoạt động sức khỏe… vì đóng ở thời điểm này là chưa thuyết phục.

Phụ huynh kiến nghị trường giảm một số khoản thu đầu năm. Ảnh: NVCC

Thu học phí online cao và tăng học phí năm học mới có hợp lý?

Trao đổi với PV báo Dân Việt về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: “Theo tôi trong mùa dịch cần thông cảm với mọi người vì thu nhập đều không có. Nhiều người khá giả thì không nói nhưng đang có rất nhiều người gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Thu nhập phụ huynh không tăng thì tại sao các trường lại tăng học phí vào lúc này?

Những ngày qua, chúng ta đang thấy tình nghĩa xã hội được nâng cao như các cửa hàng 0 đồng hay những chuyến từ thiện ủng hộ người dân vùng dịch… Vậy thì chủ trường cũng nên thông cảm cho phụ huynh vì tăng học phí lúc này không hợp lý, thậm chí “không phải đạo”. Ngay cả học sinh cũng không được đi học, không được gặp bạn bè mà các em chỉ ở trong nhà rất khổ”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Ảnh: GDVN

Về vấn đề khó khăn của các trường học hiện nay, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ: “Dịch bệnh khiến nhiều trường tư thục khó khăn nhưng Nhà nước cũng đã có chủ trương hỗ trợ. Và điều quan trọng không phải vì khó khăn của mình mà đổ sang cho người khác bằng việc tăng học phí. Các trường nên “tự kìm chế”, không những không thu tăng học phí mà có thể giảm chút ít cho phụ huynh thì mới quý, mới thể hiện tình nghĩa trong thời điểm này. Chúng ta hãy cùng nhau chịu đựng, cùng nhau gánh vác để vượt qua cơn đại dịch”.

Trước đó, ngày 4/8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng có công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở giáo dục và đào tạo về việc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh Covid-19 và đề nghị giữ ổn định mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021.

Đối với việc triển khai dạy học trực tuyến, đề nghị các địa phương và cơ sở giáo dục cần căn cứ các công văn, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc đảm bảo chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, để tính toán xác định mức thu hợp lý trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học theo nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh trong tình hình dịch bệnh và công khai minh bạch.

Liên quan đến học phí tăng đầu năm, mới đây, Vụ Tài chính, Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản đề nghị trường Đại học FPT không tăng học phí sau khi có sinh viên gửi đơn kiến nghị. Theo Bộ GD-ĐT, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân. Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn. Đối với ngành giáo dục, Bộ GD-ĐT đã có một số văn bản gửi các bộ ngành, các tỉnh đề nghị giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021.

Bộ GD-ĐT cho rằng ĐH FPT là cơ sở giáo dục tư thục, được quyền quyết định mức học phí theo Luật giáo dục đại học. Tuy nhiên, việc tăng học phí trong thời điểm hiện nay là chưa thực hiện trách nhiệm với phụ huynh, sinh viên và không thực hiện chủ trương của Nhà nước.

Do đó, Bộ GD-ĐT đề nghị ĐH FPT ghi nhận ý kiến người học, xem xét không tăng học phí so với năm học trước để thực hiện chủ trương chung của ngành và có trách nhiệm trích một phần từ nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, trường phải công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và các dịch vụ khác trong từng năm học, toàn khóa học trên trang thông tin của trường.

NguồnTào Nga/ Dân việt
Bài cùng chuyên mục