Quan tâm nhu cầu của trẻ lớp 1 là ưu tiên hàng đầu khi dạy học online

Dù không thể đến trường, trẻ em vẫn có nhu cầu giao tiếp, học hỏi, phát triển. Dạy học online không phải giải pháp hoàn hảo nhưng phù hợp với trẻ lớp 1 trong bối cảnh hiện nay.

Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay, việc dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1 trên diện rộng ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội có thể được xem là giải pháp tình thế.

Chúng ta biết thời đại ngày nay, dạy học trực tuyến là mô hình có nhiều ưu điểm, hiện thực được nhiều ý tưởng sư phạm mà dạy học truyền thống không thể thực hiện được. Nó được coi là giải pháp song hành với dạy học trực tiếp để tạo ra cơ hội học tập tốt cho người học.

Học sinh lớp 1 học online. Ảnh: PHCC.

Dạy online cho lớp 1 không nên chỉ dạy kiến thức

Đối với trẻ, nhiều nghiên cứu cho thấy hình thức học trực tuyến hấp dẫn các em khi được tương tác với công nghệ, đa phương tiện trong điều kiện nhất định và thời gian phù hợp. Qua đó, các em trải nghiệm, đạt được những kết quả nhất định về kiến thức, kỹ năng.

Ở độ tuổi còn nhỏ, nhất là trong giai đoạn đầu tiên làm quen với việc học, mục tiêu quan trọng nhất đối với trẻ là hình thành nề nếp, thái độ và những kỹ năng cơ bản để thích ứng với việc học, tự chủ, tự quản, tự chăm sóc bản thân. Vì vậy, việc tổ chức học tập cho học sinh không chỉ là kiến thức. Hơn nữa, các em có nhu cầu giao lưu với bạn bè, thầy cô, được tiếp xúc những điều mới mẻ.

Mặc dù dịch bệnh, trẻ vẫn không ngừng lớn lên, có nhu cầu khám phá. Chúng rất cần được học theo nghĩa “thu hút các em vào hoạt động hấp dẫn, có định hướng giáo dục”. Dù chưa có sự chuẩn bị tốt nhất, đầy đủ cho việc dạy học trực tuyến, trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta vẫn cần nỗ lực để giúp các em có thể học tập với những ý nghĩa như trên.

Tôi nhấn mạnh rằng khi chọn dạy học trực tuyến cho trẻ lớp 1, chúng ta hãy quan tâm nhu cầu của học sinh, điều chỉnh nội dung, phương pháp, các yêu cầu cần đạt, biết ưu tiên để thực hiện trước những hoạt động phù hợp học trực tuyến. Như thế, dù chưa hoàn hảo, đó chắc chắn là giải pháp phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay.

Do điều kiện triển khai giáo dục trực tuyến của chúng ta chưa đầy đủ, chưa có tính hệ thống, việc sẵn sàng chưa được như kỳ vọng, nên học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà trường sẽ có và chắc chắn gặp khó khăn theo các mức độ khác nhau.

Chẳng hạn, không ít trẻ không có trang thiết bị tối thiểu để học trực tuyến; khá nhiều giáo viên chưa thành thạo kỹ năng chuyển bài dạy từ trực tiếp, sang trực tuyến và kỹ năng tổ chức, điều khiển lớp học trực tuyến; nhiều nhà trường còn bị động, xem dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế (mặc dù có khoảng 20 năm được ngành giáo dục yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, và hai năm bắt buộc phải dạy học trực tuyến); đầu tư hạ tầng, dữ liệu, nhân lực… chưa đảm bảo tính hệ thống.

Với phụ huynh, họ đang gặp khó khăn chồng chất khi có quá nhiều nỗi lo trong bối cảnh dịch bệnh. Đồng thời, một số cha mẹ chưa quan tâm đúng mức trong việc giáo dục các con, nay lại thêm chuyển đổi hình thức học tập nên chắc chắn sẽ bị động. Thực tế này khiến chúng ta hình dung dễ dàng những bất tiện của dạy – học trực tuyến.

Qua khảo sát những lần giãn cách xã hội trong năm 2020 và đầu năm 2021, chúng tôi thống kê được nhiều khó khăn và rất đa dạng về biểu hiện. Có thể nói, mỗi người, mỗi nhà đều có “vấn đề của mình”.

Điều này cũng không chỉ riêng ở Việt Nam, rất nhiều quốc gia đều gặp phải. Thực tế đó là khó khăn muôn thuở, chỉ có giảm mức độ và phạm vi khi chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn.

Tuy nhiên, cuộc sống vẫn tiếp diễn, trẻ em và chúng ta vẫn cần học tập như là một nhu cầu, nhiệm vụ trong quá trình phát triển. Mặt khác, công nghệ đã phát triển tốt hơn, chúng ta có động lực, quyết tâm thì cũng có thể khắc phục được khá nhiều những khó khăn đó.

Một buổi học online không nên quá 2 giờ

Với học sinh lớp 1, trẻ phải học trực tuyến ngay từ đầu năm, đây là điều chưa từng xảy ra. Các em không có thời gian làm quen môi trường học mới, thầy cô, bạn bè như thông thường. Đó là khó khăn rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Chúng ta có thể khắc phục tình trạng này bằng cách thay đổi lại chương trình, yêu cầu cần đạt, nội dung và phương pháp học tập.

Thứ nhất, huy động mọi nguồn lực cho việc học được thực hiện. Đến hiện tại, 100% bộ sách giáo khoa đã cho phép tải miễn phí bản điện tử. Học sinh không cần lo lắng việc không thể tiếp cận sách giáo khoa.

Thứ hai, trong thời gian trước mắt, mỗi nhà trường, địa phương thực hiện việc điều chỉnh chương trình, hãy ưu tiên dạy kỹ năng, nề nếp để các em có thói quen học tập, ý thức tự chủ, tự chăm sóc bản thân và có động lực học tập. Ngay cả các môn như Tiếng Việt, giáo viên hãy ưu tiên kỹ năng nghe, nói.

Thứ ba, điều chỉnh thời lượng học tập, phương pháp dạy học phù hợp để đảm bảo sức khỏe của trẻ. Không nên để các bé học quá lâu trên máy tính. Sau 30-35 phút, giáo viên nên cho học sinh nghỉ 10 phút và có bài tập vận động nhẹ, bài tập bảo vệ mắt.

Với các em nhỏ, cần cân nhắc giảm số tiết, không nên dạy quá 2 giờ/buổi, 5 giờ/ngày học liên tục với máy tính, xem tivi. Thầy cô giáo cố gắng để chuyển đổi các bài dạy hấp dẫn, tương tác tối đa, đừng bê nguyên yêu cầu, nội dung và cách thức của bài dạy trực tiếp vào không gian ảo.

Hiện nay, nhiều công cụ để các thầy cô thực hiện được điều đó. Nhà trường có thể phân công nhóm giáo viên chuẩn bị bài để tạo các giáo án dùng chung, giảm bớt khó khăn, vất vả.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ sinh năm 1981. Năm 29 tuổi, cô đạt học vị tiến sĩ. Năm 2016, cô được Nhà nước phong học hàm phó giáo sư. PGS.TS Chu Cẩm Thơ góp mặt trong danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do tạp chí Forbes bình chọn.

Cô là nhà sáng tập Toán POMATH, hiện là Trưởng Ban – Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

NguồnPGS.TS Chu Cẩm Thơ/ Zingnew
Bài cùng chuyên mục