Thầy – trò hào hứng “nhập môn” tích hợp
Sau những tuần đầu của năm học mới, việc dạy – học các môn tích hợp: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý diễn ra suôn sẻ; từng bước đi vào nền nếp.
Đáng chú ý, cô – trò đều hào hứng với môn học lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình lớp 6.
Sôi nổi và hào hứng
Dù “nhập môn” bằng hình thức trực tuyến, nhưng tiết dạy đầu tiên trong năm học mới của cô Hồ Thị Huyền Trang – giáo viên Trường THCS & THPT Phenikaa (Hà Nội) không kém phần sôi nổi so với lớp học truyền thống. Cô Trang được đào tạo là giáo viên dạy Địa lý nên năm học này, nhà trường giao giảng dạy phân môn Địa lý thuộc môn Lịch sử và Địa lý. Vì là môn học mới và dạy – học theo Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, nên cô – trò đều hào hứng với tiết học.
“Tôi chủ động đổi mới phương pháp dạy học, thiết kế giáo án theo hướng: Cô đọng lại nội dung kiến thức cơ bản; biểu thị nội dung kiến thức bằng bảng biểu, sơ đồ hóa, sơ đồ tư duy… Đồng thời, chú trọng sử dụng kênh hình, tư liệu và gợi mở nội dung bài học nên học sinh hứng thú và tự tin khám phá, chiếm lĩnh kiến thức. Cô – trò đã làm quen và bắt nhịp với phân môn Địa lý nói riêng, môn Lịch sử và Địa lý nói chung” – cô Trang bộc bạch.
Thầy Lê Văn Quỳnh – Hiệu trưởng Trường THCS Yên Phong (Bắc Ninh) cho hay: Tuần đầu tiên việc – dạy học của thầy – trò diễn ra thuận lợi; trong đó có 2 môn tích hợp là: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên. Đây cũng là 2 môn được giáo viên và học sinh hào hứng đón nhận nhất.
Tại Trường THCS Đôn Phong (Bạch Thông, Bắc Kạn) thầy Hiệu trưởng Cà Duy Trung – cho biết: Đại diện Ban giám hiệu đã dự giờ một số tiết học phân môn thuộc 2 môn tích hợp: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Qua dự giờ và nắm bắt tình hình chung cho thấy, việc dạy – học của thầy – trò đã ổn định, có nền nếp. Học sinh sôi nổi phát biểu trong giờ học và tiếp thu bài giảng tốt. Tuy nhiên, khi dạy học theo phân môn trong môn tích hợp, giáo viên có chút lúng túng về cách soạn bài và phương pháp dạy học theo hướng tích hợp.
Thầy Trung chia sẻ: Nhà trường sắp xếp thời khoá biểu theo hướng: 9 tuần đầu của học kỳ I, mỗi tuần dạy học 2 tiết phân môn Lịch sử và 1 tiết Địa lý. 9 tuần tiếp theo của học kỳ này sẽ đổi ngược lại. Cụ thể, mỗi tuần sẽ dạy 1 tiết phân môn Lịch sử và 2 tiết Địa lý. Thời lượng dành cho môn Lịch sử và Địa lý lớp 6 là 105 tiết/năm.
Tỉ lệ % số tiết dành cho phân môn Địa lý là 45%; phân môn Lịch sử là 45%, 10% còn lại dành cho ôn tập, kiểm tra, đánh giá định kỳ. Với môn Khoa học tự nhiên: 18 tuần của học kỳ I với 72 tiết/phân môn. 17 tuần của học kỳ II với 68 tiết/phân môn. Nhà trường sẽ bố trí các tiết học phù hợp, khoa học đối với từng phân môn.
Phân công hợp lý
Thầy Lê Văn Quỳnh cho hay: Thời điểm này, nhà trường phân công theo hướng: Giáo viên đơn môn nào sẽ dạy các mạch nội dung kiến thức thuộc phân môn đó. Với những chủ đề chung, nhóm giáo viên đơn môn sẽ thảo luận và thống nhất nội dung bài giảng để dạy học cho học sinh.
“Hiện, những giáo viên đơn môn của 5 bộ môn trước đây (nay thuộc 2 môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử và Địa lý) được bồi dưỡng và tìm hiểu, nghiên cứu kỹ Chương trình giáo dục tổng thể, chương trình môn học; tiến tới giáo viên nào cũng có thể đứng lớp dạy trọn vẹn 2 môn tích hợp” – thầy Quỳnh trao đổi.
Theo cô Trang, mạch nội dung của phân môn Lịch sử và Địa lý được sắp xếp theo logic khoa học; trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau. Vì thế, việc bố trí các bài học trong kế hoạch dạy học không làm đảo lộn thứ tự sắp xếp các mạch nội dung kiến thức của từng phân môn trong Chương trình môn Lịch sử và Địa lý lớp 6.
Liên quan đến kiểm tra, đánh giá, cô Trang trao đổi, đánh giá giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Với bài kiểm tra định kỳ (trên giấy hoặc trên máy tính) – môn Lịch sử và Địa lý: Nội dung đánh giá gồm 2 phân môn theo tỷ lệ tương đương về nội dung dạy học của 2 phân môn tính đến thời điểm kiểm tra, đánh giá. Thời gian làm bài kiểm tra: 60 – 90 phút.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, từ trước đến nay, giáo viên chủ yếu dạy chuyên sâu một môn học. Do đó, việc tích hợp nhiều môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi giáo viên phải có năng lực hiểu sâu và rộng mọi lĩnh vực.
Việc dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS được thực hiện linh hoạt theo điều kiện thực tế và sự sắp xếp của mỗi trường. Các tổ chuyên môn phân công dạy mạch chủ đề phù hợp chuyên môn của từng giáo viên trên cơ sở bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các thầy cô bộ môn trong việc dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Chẳng hạn như chương trình môn Lịch sử và Địa lý gồm 2 phân môn: Phân môn Lịch sử thiết kế theo mạch thời gian. Phân môn Địa lý thiết kế theo mạch không gian. Hai phân môn đều được thiết kế để phối hợp với nhau, hỗ trợ và soi sáng cho nhau. Bên cạnh đó còn có 4 chủ đề tích hợp cao, gồm: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông; Đô thị – Lịch sử và hiện tại; Văn minh Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long; Các cuộc đại phát kiến địa lý.
“Với thiết kế như trên, giáo viên lịch sử sẽ dạy phân môn Lịch sử và những chủ đề phù hợp với chuyên môn của mình. Tương tự giáo viên địa lý cũng thực hiện dạy học những nội dung phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Tất nhiên, nhà trường và tổ bộ môn sẽ tổ chức phân công một cách hợp lý và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên dạy các phân môn” – GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.
Cô Hồ Thị Huyền Trang chia sẻ: Đề kiểm tra định kỳ được xây dựng trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng yêu cầu cần đạt của môn Lịch sử và Địa lý quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tính đến thời điểm kiểm tra, gồm 4 mức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đối với bài thực hành, dự án học tập phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học trước khi thực hiện.