Muôn món ngon từ mướp đắng

Nhớ có lần ăn tết quê xong, trên đường từ làng cũ về lại phố, ngang qua chợ An Lỗ, một ngôi chợ khá lớn ven Quốc lộ 1A, vợ tôi thấy một rổ mướp đắng tươi xanh của một mệ già vừa hái từ vườn nhà mang ra chợ bán liền mua ngay. Đi một đoạn, nàng mới chợt giật mình: “Ui chao, đầu năm mà mua mướp đắng!”. Tôi cười: “Mướp đắng người miền Nam còn gọi tên khác là khổ qua. Đầu năm mà ăn khổ qua là may mắn đang đến đó!”.

Mướp đắng xào trứng, món ăn dân dã. Ảnh: TL

Mướp đắng ở quê tôi được trồng quanh năm, xuân hạ thu đông đều có cả. Nó là một trong những thứ quả có giá trị nhất trong tất cả các loại cây rau màu ở nông thôn. Nhưng cây mướp đắng lại dễ trồng, có thể phát triển ở nhiều chân đất khác nhau miễn sao được chăm sóc tưới tắm đều đặn mỗi ngày. Thường thì mùa xuân, mướp đắng được trồng trong vườn nhà bởi đất đai khi đó còn ẩm ướt. Sang mùa hạ, khi vườn nhà bị khô cằn thì mướp đắng được gieo ở những chân ruộng thấp thành từng vồng, hai bên đào hai rãnh nước để tưới cho cây hàng ngày. Mùa thu, những cơn mưa dài kéo về cũng là lúc người nông dân gieo hạt mướp đắng lại trong vườn nhà. Cho đến khi những trận lụt kéo về và sau đó là cả một mùa đông dài rét mướt thì người dân quê tôi vẫn trồng được mướp đắng ở những khu vườn trên độn cát cao. Có điều, mướp đắng trồng trên đất cát trắng đòi hỏi phải bón nhiều phân trâu, bò mục thành một lớp dày để lót một lớp dưới đất, phía gốc cây mướp phải ủ ấm bằng rơm và phải chăm sóc, tưới tỉa hàng ngày…

Giàn mướp đắng thường được làm thấp hơn so với giàn bầu bí, có thể đưa tay hái quả dễ dàng. Mướp đắng cũng có thể trồng theo từng vồng trên một diện tích lớn, cắm chéo mấy thân tre bỏ thêm mấy nhành nè cho cây bò là được. Ở quê tôi, mướp đắng còn được trồng nhiều ở mấy vườn ớt. Khi cây ớt đã mãn mùa, người quê gieo mướp dưới những gốc ớt già. Mướp cứ theo thân ớt mà bò rồi cho hoa đậu quả. Tàn hạ chớm thu, mướp ra hoa vàng chen với màu đỏ điểm xuyết của mấy trái ớt cuối mùa còn sót lại trên đọt cây là một bức tranh đẹp nhiều sắc màu để lũ chuồn chuồn, ong, bướm đến ngắm nghía, thưởng ngoạn.

Hồi trước, ở quê, hái được một rổ mướp vào sáng sớm gánh ra chợ bán là đủ lo tiền thức ăn cả mấy ngày. Trái mướp có giá hơn hẳn bí bầu nên trái mô to, đẹp thì dành để mang đi chợ bán, trái nhỏ hay bị ong châm mới hái ăn. Nhưng khi nhà có kỵ thì phải hái trái to để bày mâm cúng. Mâm kỵ ở quê, món mướp đắng xào lòng gà lòng vịt hay nấu canh với thịt nạc vằm nhỏ là không thể thiếu…

Mà mướp đắng thì được chế biến được rất nhiều món từ xào, nấu canh với tôm cá, hến hàu hay thịt heo, thịt bò đều được cả. Một món nữa từ trái mướp đắng ăn rất ngon đó là cắt từng lát nhỏ kẹp với rau thơm chấm ruốc. Kỳ công hơn, trong những mâm cỗ, còn có món mướp đắng để nguyên trái chỉ lấy phần ruột rồi nhồi thịt nấu canh…

Sáng nay, mở facebook thấy một chú người cùng xóm quê chừ đang định cư ở nước ngoài đưa mấy tấm ảnh về giàn mướp đắng đang sai quả của vườn nhà chú. Lạ rứa, bạn bè hay người quen ở Mỹ chủ yếu họ khoe những tấm ảnh về những giàn bầu bí, những thảm cà chua xanh đỏ, những vườn hoa hồng hay giàn mướp đắng lủng lẳng trái. Có lẽ những cây trái quen thương này làm họ đỡ nhớ quê bởi sự có mặt của chúng như đã mang hơi ấm và tình thương quê hương ở bên cạnh rồi. Nhìn mấy tấm ảnh giàn mướp đắng cùng nụ cười tươi của chú hàng xóm, tôi như thấy hình bóng quê nhà từ nơi rất xa…

NguồnPHI TÂN/ Báo Thừa Thiên Huế
Bài cùng chuyên mục