Đừng để học sinh bị xoay vòng như chong chóng
Đi học, lớp có F0, trẻ nghỉ học. Hết thời gian cách ly, F1 lại được đến trường, rồi F0 khác trong lớp xuất hiện… Cứ như thế, quy trình sinh hoạt của trẻ thay đổi liên tục, chưa kịp thích ứng với học tập trung vừa chống dịch ở trường đã “dọn đồ” về làm F1 học online… Trẻ xoay như chong chóng, cha mẹ cũng bở hơi tai.
Thời khóa biểu thay đổi liên tục
Đó là khó khăn mà học sinh ở TPHCM, TP.Hà Nội và nhiều tỉnh, thành đang gặp phải khi trường học liên tục xuất hiện F0, bạn cùng lớp liên tục bị xác định là F1. Chị Huỳnh Thùy Linh, phụ huynh lớp 2 ở quận 8, chia sẻ: “Mới đây, tôi nhận điện thoại của cô chủ nhiệm thông báo là lớp có F0 nên các con sẽ chuyển sang học online bảy ngày. Con có xét nghiệm âm tính nhưng vẫn phải nghỉ và học online đủ thời gian quy định. Đến ngày thứ bảy, con lại bị chọt mũi lần nữa để đủ chứng nhận quay lại trường. Mỗi lần như vậy con bị chọt mũi ít nhất là hai lần nếu không có triệu chứng gì. Ngoài việc phải liên tục thích nghi với lịch học on-off thì điều con sợ nhất là nhìn thấy que test”.
Tình trạng “khổ sở” như con chị Linh hiện nay chiếm số đông khi số học sinh là F0 tăng cao kéo theo số học sinh thành F1 càng lớn. Nhiều trường, lớp đã phải chuyển sang học trực tuyến. Việc thay đổi này không chỉ gây khó khăn cho học sinh mà thầy cô, nhà trường cũng “chạy đua” liên tục để xoay xở. Hiệu trưởng một trường THPT ở quận 10 cho biết: “Hiện có những lớp phải duy trì cả hai hình thức dạy: online cho học sinh F0 và F1, offline cho những học sinh còn lại. Vì vậy, khối lượng công việc của trường gần như tăng gấp đôi. Nhiều giáo viên bị F0 vẫn phải lên lớp dạy online vì nếu nghỉ thì không đủ giáo viên để choàng gánh”.
Nói như một phụ huynh thì tình cảnh hiện tại là đi học cũng sợ, ở nhà học online càng đuối, mệt cả cha mẹ lẫn con… Anh Văn Trung, phụ huynh lớp Bốn ở Q.12, cho biết: “Con đi học và thành F0 năm ngày nay, người mệt nên con cũng hơi nhõng nhẽo, bố mẹ cũng phải đút, ép mới chịu ăn uống. Dù thế nhưng giáo viên cũng gửi bài, lên group phụ huynh nhắc nhở các con ôn tập. Thấy tụi nhỏ mệt nhưng vẫn học mà xót nhưng cô nói gần đến những kỳ kiểm tra của học kỳ II rồi, nhiều phụ huynh dù không hài lòng nhưng cũng phải ráng động viên tụi nhỏ”.
Giải tỏa nỗi buồn bị “cấm chơi”
Theo nhiều phụ huynh, quan sát con trở lại trường đợt này có nhiều thay đổi so với ngày chưa có dịch. Cụ thể là từ sau khi được đi học trở lại, trẻ đỡ bức bối hơn giai đoạn học online rất nhiều, nhưng phần lớn các con đều chưa lấy lại được năng lượng và sự năng động. Nhiều đứa trẻ đi học về đều than buồn, không hào hứng bởi kể cả giờ ra chơi thì các con cũng phải ngồi trong lớp hoặc ra phần sân được quy định của lớp mình, không được chơi những trò chơi tập thể, trò vận động… Hình thức này đang được nhiều trường sử dụng để phần nào hạn chế các em tụ tập đông người, lây lan bệnh.
Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó hiệu trưởng Trường quốc tế Canada, kể: “Cách đây ít hôm, nhóm học sinh chạy vào phòng tôi giãi bày đòi cho chơi bóng chuyền, nói chịu hết nổi rồi, bắt ngồi yên giờ chơi thì thật buồn. Tụi nhỏ phân trần rằng đánh bóng nhưng vẫn đeo khẩu trang và đứng cách nhau. Tôi chần chừ, vì chưa có hội ý ban giám hiệu, nhưng trong lòng cũng thấy thương các con”. Hôm sau, vẫn nhóm trẻ đó chạy vào phòng, lại năn nỉ muốn rớt nước mắt. Lúc này, cô Huyền gọi thầy giám sát lại hỏi: “Thầy thấy cho các bạn chơi thì có rủi ro gì không?”. Thầy nói thì có thể có chấn thương, khi chơi hăng quá thì xô đẩy nhau. Thế là cô dặn dò các bạn chơi nhóm nhỏ, không ham bóng quá, chia lượt cùng nhau chơi. Rồi đến nhóm học sinh lớp 7 xin cho chơi bóng rổ, chứ cho ra sân mà không được chơi, chỉ được ngó, đúng cực hình. Trên sân chỉ hơn chục bạn, rơi rụng do F0, F1 ở nhà một mớ, thương quá, nên cô Huyền lại gật đầu. Tụi nhỏ hò hét sung sướng. Còn cô quay về phòng, viết email cho toàn thể giáo viên về việc điều chỉnh chính sách giờ chơi một chút dựa trên tình hình thực tế, nhưng vẫn giữ nguyên tắc khẩu trang.
Theo cô Huyền, đặt mình vào vị trí của trẻ mới thấy bí bách cỡ nào. Chúng ta mở cửa trường, thực hành phòng, chống dịch nhưng không thể máy móc và cứng nhắc. Bầu không khí này cũng “hủy hoại” con người không kém vi-rút. Nhà trường, thầy cô nên trao đổi, thỏa thuận rõ ràng để trẻ tự chủ trong giới hạn thì tốt hơn là cấm.
Còn bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, khẳng định tại tọa đàm “Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19?”, rằng: Dịch COVID-19 cộng với việc học hành căng thẳng khiến ngày càng nhiều học sinh rơi vào tình trạng trầm cảm. Do đó, ngay từ giờ phút này các bạn hãy cùng kết nối, tận dụng khoảng thời gian để tạo những kỷ niệm đẹp. Gia đình và nhà trường phải tạo điều kiện để các em làm được điều đó, giải phóng năng lượng tiêu cực, lấy lại tinh thần và năng lượng tích cực…