Trường sư phạm vẫn có sức hút
Khoảng 49% trường đại học có số trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên, 61% trường tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu
Ngày 9/8, các trường ĐH tiếp tục công bố điểm chuẩn tuyển sinh. Trái với lo lắng của nhiều người, các trường sư phạm năm nay có điểm chuẩn khá cao.
Tín hiệu đáng mừng
Theo đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn các ngành sư phạm toán, vật lý bằng tiếng Anh từ 21-22 điểm (vật lý) và 26,35-26,4 (toán). Một số ngành truyền thống cũng có mức điểm khiến nhiều trường mơ ước như sư phạm ngữ văn 22,3-24,75; sư phạm lịch sử từ 18,5-23,25; giáo dục công dân từ 19,5-24,5; giáo dục đặc biệt từ 19,35-23,5…
Mặt bằng chung điểm chuẩn của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tăng từ 0,5-1 mỗi ngành so với năm ngoái. Điểm chuẩn cao nhất ở ngành sư phạm toán học và sư phạm tiếng Anh lên đến 2; các ngành ngôn ngữ Anh 23,25; sư phạm vật lý, sư phạm, ngôn ngữ Hàn Quốc cùng mức 22,75. Các ngành còn lại đều từ 17,5 điểm trở lên.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, điểm trúng tuyển của khối sư phạm đã tăng cùng mức tăng điểm sàn. Trong đó, các trường truyền thống đào tạo sư phạm có mức điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn là tín hiệu đáng mừng. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bên cạnh việc có thí sinh HCV toán quốc tế đăng ký xét tuyển, còn có 7 ngành lấy điểm trúng tuyển từ 20. Trường ĐH Sư phạm TP HCM có 7 ngành lấy từ 19,5-21 điểm. Đây là mức điểm thấp nhất trúng tuyển và thực tế hầu hết các em trúng tuyển cao hơn mức này.
Y dược yên tâm đầu vào
Năm nay là năm đầu có điểm sàn riêng cho khối sức khỏe. Mặt bằng điểm trúng tuyển của các trường đào tạo các ngành sức khỏe tăng nhẹ và đồng đều hơn so với các năm trước. Mức điểm trúng tuyển của các trường đào tạo y khoa được rút ngắn khoảng cách, còn từ 21-26,75 điểm.
Điểm chuẩn của Trường ĐH Dược năm nay là 24,5 (cao hơn năm ngoái gần 1,5 điểm). Trường ĐH Y Dược Hải Phòng có điểm chuẩn từ 18-23,85, cao hơn năm ngoái gần 2 điểm. Điểm chuẩn ngành y khoa khối B dẫn đầu với 23,85 (tăng 1,8 điểm so năm 2018). Điều dưỡng khối B08 lấy điểm trúng tuyển thấp nhất là 18, kế đó là y học dự phòng với 18,05 điểm. Trường ĐH Y Dược, Đại học Thái Nguyên cũng lấy điểm trúng tuyển ngành y khoa là 23,6; y khoa liên thông: 21; răng hàm mặt: 23,4; dược học: 21,7; dược học liên thông: 20.
Tuy nhiên, với các trường ngoài công lập thì không phải trường nào cũng dễ tuyển sinh. Trường ĐH Lạc Hồng cho biết ở đợt xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, ngành dược học chỉ có 5 thí sinh trúng tuyển. Trước đó, ở phương thức xét tuyển theo kết quả học bạ, ngành dược học tuyển được 86 thí sinh trong khi tổng chỉ tiêu là 270.
Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, những trường khối lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi… vẫn buộc phải xác định điểm trúng tuyển thấp hơn mặt bằng chung vì xã hội cho là không hấp dẫn. Với nhóm ngành này, bên cạnh việc nâng cao chất lượng còn cần có đầu tư, ưu đãi người học, với người lao động trong ngành và tích cực tuyên truyền để thu hút thí sinh.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cũng cho rằng đa số các trường phải xác định điểm trúng tuyển thấp còn lại là trường chất lượng thấp, chưa có uy tín để thu hút học sinh giỏi.
“Những năm qua, đa số những trường xác định điểm trúng tuyển thấp là những trường có ít sinh viên nhập học. Điều đó phản ánh sự công khai, minh bạch thông tin về chính sách chất lượng và các điều kiện bảo đảm chất lượng của các trường đã phát huy tác dụng, để người học lựa chọn những trường có chất lượng và hệ thống không ngừng cạnh tranh nâng cao chất lượng” – bà Phụng nói và cho biết một số trường kỹ thuật có điểm sàn ở tốp cao nhất như ĐH Bách khoa Hà Nội có 7 ngành lấy từ 24-27,42 điểm. Điều đó cho thấy các trường kỹ thuật đầu ngành đã cung cấp chương trình chất lượng, phù hợp bối cảnh và nhu cầu của thị trường lao động. Đa số các trường khác, ngay cả những trường còn thiếu nhiều chỉ tiêu cũng giữ mức điểm trúng tuyển không quá thấp…
“Như vậy, bên cạnh việc các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh thì với tỉ lệ 49% đơn vị tuyển sinh có trúng tuyển đủ và dư so với chỉ tiêu; 61% số đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu khi kết thúc xét tuyển đợt 1, có thể nói công tác tuyển sinh 2019 đã gần như hoàn tất” – bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhận định.
Theo Yến Anh – Huy Lân/ Người Lao Động