Mạo danh trường lừa đảo sinh viên

Nhiều trường đại học (ĐH) danh tiếng tại TP.HCM trong thời gian gần đây phát hiện thông tin mạo danh để tuyển sinh. Trong các thông báo tuyển sinh giả này còn kèm theo cả số tài khoản để chuyển tiền, giả cả chữ ký, chức danh hiệu trưởng... Các trường ĐH dù biết nhưng cũng rất khó để bảo vệ sinh viên (SV) khỏi bị sập bẫy.

Liên tiếp các vụ lừa đảo

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, ngày 21/10, phụ huynh N.T.L. (tỉnh Bình Thuận) đã liên hệ với nhà trường và thông tin nhiều ngày qua bà không liên lạc được với con hiện là sinh viên K19 khoa Điện điện tử.

Theo thông tin phụ huynh này phản ánh, cuối tháng 9/2019, con trai bà về nhà và báo tin vừa trúng tuyển chương trình học bổng du học Canada trị giá 80.000 USD/4 năm (học phí thực tế gần 100.000 USD), nên sinh viên (SV) phải đóng khoản chênh lệch hơn 18.000 USD. Do vậy, con bà xin gia đình 420 triệu đồng để làm hồ sơ đi học nước ngoài.

Tuy nhiên, theo lời phụ huynh N.T.L., bà không biết chính xác là con mình có trúng tuyển hay không, vì con nói thông tin bảo mật. Thế nhưng bà vẫn vay mượn được 110 triệu đồng chuyển vào tài khoản của con để làm thủ tục visa. Sau đó, con bà thông báo rằng chỉ kéo dài thời gian làm visa thêm được 3 ngày, nên yêu cầu bà phải có đủ 420 triệu đồng…

Thế nhưng, sau khi chuyển tiền, bà L. gọi điện thoại vào hỏi nhà trường, mới biết, trường không có thông tin về chương trình học này. Bà liên lạc với ngân hàng để yêu cầu đóng tài khoản, nhưng khi kiểm tra thấy toàn bộ số tiền đã bị rút sạch.

Nhiều thông báo tuyển sinh giả mạo để lừa phụ huynh, sinh viên

Trước đó, trường này cũng có trường hợp SV Khoa chất lượng cao đem giấy tờ giả là của Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế nhà trường thông báo đóng tiền các chương trình du học – liên kết với một ĐH ở Anh với địa chỉ liên hệ, tên người quản lý chương trình và số điện thoại giả mạo để xin gia đình hơn 300 triệu đồng. Phụ huynh đã gọi điện thoại kiểm tra và được báo là SV được nhận học bổng chỉ phải đóng 50% học phí!

Tháng 3/2019, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết có nhận được phản ánh về việc giả mạo thông tin tuyển sinh bằng bằng hình thức: Thông báo tuyển sinh chương trình cử nhân quốc tế – chu trình đào tạo liên kết doanh nghiệp quốc tế năm học 2019 phát hành ngày 15/3/2019 có thời gian đào tạo 2,5 năm; quy mô 30 SV/lớp với học phí 62 triệu đồng/học viên/khóa, bao gồm: phí đào tạo, tài liệu học tập, ngôn ngữ, đi thực tế, đồng phục…; hình thức đăng ký đơn giản chỉ cần “quẹt thẻ ATM (thanh toán một lần)”.

Thông báo còn “đảm bảo đầu ra 100% sinh viên ra trường được làm việc đúng chuyên môn tại doanh nghiệp do trường liên kết, cam kết thu nhập sau khi ra trường 10-12 triệu đồng/tháng (tăng theo năng lực).

Trước đó, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng phải phát thông báo khẩn về việc trường bị một tổ chức giả mạo giấy tờ để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt học phí người học chương trình đào tạo liên kết quốc tế (LKQT) với số tiền hơn trăm triệu đồng.

Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhiều SV năm nhất cũng bị kẻ xấu lôi kéo và “dụ” xin tiền gia đình đóng học phí 30 – 40 triệu đồng để học chứng chỉ ngoại ngữ đầu ra. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với Trung tâm Ngoại ngữ của trường, được biết không hề có chuyện này. Trung tâm chỉ tổ chức học, ôn cho SV và tổ chức thi chỉ thu có vài trăm ngàn đồng chứ không có chuyện mấy chục triệu đồng…

Người học phải cảnh giác

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, trước thực trạng có nhiều thông báo tuyển giả mạo để lừa SV, trường đã mời công an vào cuộc. Trường cũng gửi email khuyến cáo với SV: “Hiện nay có trường hợp SV nói với ba mẹ là có học bổng, xin hơn 400 triệu đồng để làm hồ sơ đi học nước ngoài…

Gia đình đã chuyển tiền, những khi gọi điện thoại vào hỏi thì không phải. Một vấn đề lớn là ba mẹ sau đó không liên lạc được với em đó nữa. Có trường hợp, phụ huynh liên hệ nhà trường, nhờ trường dùng kênh thông tin để tìm SV, sau đó, SV liên hệ với ba mẹ hăm dọa sẽ bỏ nhà đi luôn hoặc bị các đối tượng khác xử lý, khiến gia đình hoang mang không dám đưa ra công an. Dự đoán là có thể các em bị dụ bỏ học theo kinh doanh đa cấp hay bài bạc gì đó…”.

Theo GS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhà trường không ban hành thông báo tuyển sinh và không tổ chức tuyển sinh, đào tạo chương trình nêu trên. Trường cũng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần tìm hiểu thông tin về các chương trình đào tạo cử nhân đại học chính quy và LKQT của trường từ những nguồn thông tin chính thức, tin cậy để được tư vấn một cách đầy đủ, chính xác, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng bởi những thông tin sai lệch.

Đại diện Trường ĐH Bách khoa cho rằng, khi tiếp nhận thông tin của phụ huynh, nhà trường đã đưa thông tin lên website của trường để cảnh báo SV, giảng viên và cả phụ huynh biết rõ để ngăn ngừa. Trường khẳng định không ban hành bất kỳ văn bản nào như trên và không có chủ trương thu học phí SV thông qua tài khoản cá nhân. Đây là hành vi giả mạo giấy tờ nhằm lừa đảo tiền bạc của phụ huynh và người học, cũng như ảnh hưởng xấu đến uy tín của nhà trường.

Đại diện nhiều trường ĐH tại TP.HCM xác nhận luôn có tình trạng các đối tượng mạo danh, lôi kéo sinh viên vào bẫy như thư trúng tuyển, văn bản xác nhận và cam kết giữa nhà trường và gia đình… để chiếm đoạt tiền. Nhiều đối tượng hoạt động đa cấp lôi kéo, dụ sinh viên lấy tiền cha mẹ để tham gia kinh doanh đa cấp…

Ngay tuần sinh hoạt đầu khóa, có nhiều trường đã dành hẳn một chuyên đề để cảnh báo sinh viên về những vấn đề đa cấp, lừa đảo. Các trường đã luôn cảnh báo sinh viên từ năm nhất đến năm cuối nhưng lo nhất vẫn là sinh viên năm nhất.

Theo Thanh Hùng/ SGGPO

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục