Canh cua đồng

Cháu ngoại tôi 9 tuổi, nghỉ hè, được bố mẹ đưa về quê thăm ông bà nội. Sau một tháng ở quê trở về thấy cháu có nước da cháy nắng nhưng được cái khoẻ khoắn. Cháu kể bao nhiêu chuyện như đi chăn trâu, thả diều, tắm sông rất vui. Ông bà ngoại hỏi về quê cháu thích nhất điều gì, cháu trả lời thích nhất món canh cua bà nội nấu. Bữa nào có canh cua đồng cháu ăn được ba bát cơm xới đầy, no căng cả bụng.

Nói đến canh cua đồng, tôi lại nhớ đến ngày xưa cuối những năm sáu mươi của thế kỷ trước, làng tôi vùng đất cát pha có cánh đồng lúa rộng lắm, bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau đi bắt cua đồng. Chúng tôi men theo những bờ ruộng để móc cua. Lỗ cua thường ở cao hơn mép nước, miệng lỗ có chút bùn non nhão, xốp gọi là mà cua. Chụm bàn tay đưa vào để nước bùn trào ra theo cẳng tay móc đến tận cùng của hang thì sẽ gặp cua trú ở trong lớp bùn. Mỗi hang cua thường có một con, có khi là hai, ba con. Có khi chẳng có con cua nào chúng tôi móc phải lươn, cá và cả rắn nữa. Vì thế mà người đời thường nói câu “tính cua trong lỗ” là như vậy … Ngoài việc móc cua trong lỗ thì cua có thể bắt  ở dưới lớp bùn ruộng hoặc những mương nước. Trong số bạn ngày xưa  bắt cua thì thằng Chiến giỏi nhất, nó không sợ rắn, không sợ đỉa, tay của nó bé và dài  nên lỗ cua nhỏ và sâu đến mấy nó cũng thò tới  được.

Ảnh: Internet

Cua đồng to, nhỏ khác nhau nhưng đều có đặc điểm lưng cua có màu vàng sẫm, có hai càng, một to và một càng nhỏ hơn. Hai càng cua có màu vàng cháy, toàn thân có màu sắc nâu vàng  di chuyển bằng cách bò ngang. Bọn trẻ chúng tôi không thể nào quên những lần bị cua cắp đau điếng người rụng rời tay chân. Thế nhưng hết đau rồi lại thích đi bắt cua.

Chúng tôi bắt cua về để mẹ nấu món canh cua đồng. Cua được cho vào chậu ngâm rửa qua hai ba lần nước cho sạch bùn đất, bóc mai, khều lấy gạch rồi bỏ  mai. Phần thịt và cẳng cua cho vào cối giã, trước khi giã cho chút muối trắng để nước cua  không bắn lên mặt mũi và quần áo. Sau khi giã  nhuyễn cho nước vào khuấy đều lọc lấy nước bỏ bã. Cho nước cua vào nồi đun sôi khoảng 5 phút rồi cho rau mùng tơi hoặc rau đay thái nhỏ kèm theo những lát mướp hương. Sau khi rau chín cho gạch cua vào dùng đũa sơ nhẹ tránh vỡ gạch cua, nhỏ lửa mở vung canh sẽ không bị trào ra ngoài cho mắm muối vừa đủ là được nồi canh ngon. Mùi gạch cua chín tới quyện với mùi mướp hương bay trong nhà ngoài ngõ. Chả biết có phải không chứ tôi thấy dưới gốc cau chú mèo đang vuốt râu dường như ngủi thấy mùi canh cua, ve vẩy chiếc đuôi  kêu rồi đi vào bếp.

Mâm cơm được dọn ra có tô canh cua thơm phức và đĩa cà muối trắng ngà, kèm theo bát nước mắm chấm. Lời chào mời vui vẻ và tiếng húp canh xì xụp, giọt mồ hôi lăn trên má, râm ran những câu chuyện đồng áng. Không khí đó, suốt đời tôi nhớ mãi.

Cua đồng là nguồn chất đạm quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của bà con nông thôn, một nguồn thực phẩm dễ kiếm, sẵn có ngay ở đồng ruộng. Cua có quanh năm, nhưng nhiều nhất vào mùa hè. Hàng năm chỉ sau mấy cơn mưa đầu hè lại thấy cua bò ra trên mặt ruộng. Ngày xưa khi điều kiện còn khó khăn thì cua đồng là nguồn dinh dưỡng quý, bổ dưỡng giúp người nông dân hồi phục sức khoẻ nhanh sau những ngày làm việc vất vả.

Quê tôi trong thời buổi đô thị hoá giờ đây, ruộng đồng thu hẹp lại nên cua ngày càng hiếm. Nhưng khắp chợ vẫn bán cua đồng. Hỏi ra mới biết là cua nuôi, nấu canh ăn chát và không ngon như cua đồng tự nhiên ngày trước.

Nhớ hương vị canh cua đồng ngày xưa, tôi nói vui với thằng cháu ngoại rằng, sẽ cùng cháu về quê thăm ông bà nội. Trước khi về sẽ gọi điện báo để ông bà ở quê mừng và xin ông bà một bát canh cua được bắt trên cánh đồng làng nấu với rau trong vườn nhà chứ không ăn thịt gà, thịt lợn. Thằng Cháu ngoại cười hồn nhiên, đáp: Vâng ạ!

Nguồn Vũ Xuân Hồng/ báo Quảng Ninh
Bài cùng chuyên mục