Chạnh lòng Tết của những công nhân môi trường!

Vào những ngày giáp tết, nơi những con đường trong lòng phố thị, đâu đó vẫn tìm gặp một màu áo quen thuộc, len lỏi từng bước chân âm thầm, giữ cho cảnh quan phố thị luôn sạch đẹp hơn.

Đó là những công nhân môi trường…

Niềm an ủi nhỏ bé

Cùng có nhiều hoàn cảnh giống nhau trong cái nghề gọi là công nhân môi trường nhưng người công nhân nơi này luôn tìm được sự lạc quan trong công việc. Với họ, lý tưởng sống thật giản đơn, nghề nào cũng đáng được trân trọng, dù là người quét rác. Tuy số phận mỗi người, mỗi hoàn cảnh đều khác nhau, nhưng đa số đều trân quý công việc mình đang có.

Ngày nắng, đêm mưa, xào xạc tiếng chổi tre, những nhọc nhằn mưa nắng, những gian truân của cuộc sống, những chật vật khó khăn về kinh tế đã nhiều lúc làm cho họ, mỗi công nhân không khỏi chạnh lòng và rơi những giọt nước mắt. Nhưng nghĩ dến ngày mai, nghĩ đến tuổi già, khi ốm đau bệnh tật, được hưởng chế độ bảo hiểm, bao lo toan và nỗi buồn được khép lại. Những an ủi nhỏ nhoi này là động lực trong những lúc sắp gục ngã…

Ngượng ngùng khi gặp người quen

Chị Trần Thanh Loan là công nhân của một đội vệ sinh môi trường kể lại, chồng chị vì không chịu được cuộc sống khó khăn ở quê, đã bỏ đi, để lại cho chị 2 con nhỏ. Nuốt lệ vào lòng, chị gởi con lại cho ông bà ngoại, lên Sài Gòn đã 5 năm và gắn bó với nghề đến giờ. Chị luôn tận tuỵ công việc với nghề. Chị bắt đầu công việc lúc 4 giờ sáng, khi mọi người còn đang chìm trong giấc ngủ. Dù đêm mưa, dù mùa hè nóng nực, chị vẫn thức giấc đúng giờ để rồi lọc cọc đẩy xe trên tuyến đường mình phụ trách.

Quả đất như xoay tròn, có nhiều lần gặp người quen, bà con ở quê lên Sài Gòn, chị không tránh khỏi những ngượng ngùng, lén che mặt và vội đẩy xe đi nhanh hơn. Những ngày đầu khi mới vào nghề, được người kế trọ nơi chị ở giới thiệu nghề nghiệp là người quét đường, chị không tránh khỏi cảm giác rất ngại ngùng.

Rồi thời gian trôi qua, chị cũng như bao hoàn cảnh khác, bỏ lại sau lưng những ngượng ngại đó, vượt lên chính mình. Mỗi ngày trôi đi, qua đi… Chị Loan dần quen với công việc nhiều hơn, thấy thân thiện với môi trường công việc của mình. Chị nghiệm ra rằng, tuy nghề mình đang làm không có gì là cao siêu nhưng lại có ích cho mọi người, giữ cho phố phường luôn sạch đẹp.

Hết mình vì nghề làm đẹp cho môi trường

Tuy đồng lương ít ỏi so với nhiều nghề khác nhưng anh Trần Nam An, một công nhân môi trường, luôn tỏ vẻ lạc quan. Anh tâm sự, năm nay, dù khó khăn vì dịch bệnh nhưng lương anh em công nhân vẫn không bị giảm. Đó đã là niềm vui lớn nhất của anh.

Hàng ngày, anh An bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng đến 10 giờ trưa và 17 giờ đến 23 giờ. Với khoảng 10 giờ làm việc mỗi ngày, mức lương 5,5 triệu đến 6 triệu nhận được mỗi tháng anh vẫn nói trong niềm vui vẻ, yêu đời, yêu nghề; mặc dù anh chỉ mới vào nghề được hơn 2 năm.

Ngày và đêm nào cũng vậy, mỗi ca từ 17h đến 23h, anh phải đi 12 km. Nhìn xe rác cao hơn cả đầu, hai công nhân, một nam, một nữ vẫn nở nụ cười vui. Cảm giác như họ đang rất lạc quan vì đã làm được việc có ích cho môi trường, cho cuộc sống. Nhiều khi tưởng chừng, đi xe máy còn thấy xa. Ấy vậy mà những công nhân môi trường kia vẫn hàng ngày đều đặn đi trên công việc của mình.

Hành trình gom rác của họ dường như không dừng chân, không ngơi nghỉ, chân di chuyển, tay lượm lặt, quét dọn. Nơi họ đi qua là quang cảnh sạch đẹp, tinh tươm cho môi trường phố thị.

Xuân sắp đến rồi nhưng bao giờ xuân đến?

Tuy sự lạc quan ấy luôn theo mỗi công nhân môi trường 12 tháng trong năm, 365 ngày không ngừng nghỉ nhưng khi nhắc đến mùa xuân sắp về họ không tránh những xúc động. Vì những ngày giáp Tết, ai ai cũng lo mâm quả ông bà, ai cũng xuôi ngược về quê. Nơi đây, những công nhân môi trường luôn như chiến sĩ ngoài mặt trận, luôn lao động miệt mài, giữ sạch cho một phố phường, một thành phố luôn xanh – sạch – đẹp.

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khó với môi trường thuộc về phần ai. Luôn là người có trách nhiệm với môi trường; mỗi công nhân vệ sinh đang ngày đêm góp sức mình, từng ngày tô điểm cho từng con đường, từng góc phố một mỹ quan, một màu xanh bình yên cho cuộc sống này.

Dù có thể đón xuân muộn, sau cả tiếng pháo giao thừa, đến sáng chưa về nhà, có người không về quê đón tết nhưng những người công nhân trên mọi nẻo đường đều lạc quan, tin vào cuộc sống ở ngày mai. Mùa xuân và hạnh phúc rồi sẽ đến với tất cả mọi người.

“Chị đi làm đẹp cho đời

Cho con đường ấy sáng ngời sắc xanh

Để cho không khí trong lành

Để cho rác rưởi sạch quanh phố phường”.

Nguồn Đỗ Nguyên Thảo/ moitruongvadothi.vn
Bài cùng chuyên mục